11:02 24/03/2011

Tuổi, số của vàng trang sức: Tin nhau là chính?

Nguyễn Hoài

Vàng miếng còn có thể “đúng số”, nhưng vàng trang sức thì làm sao để tin?

Cách đây nhiều năm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành hẳn một bộ tiêu chuẩn về vàng thương phẩm.
Cách đây nhiều năm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành hẳn một bộ tiêu chuẩn về vàng thương phẩm.
Vàng miếng còn có thể “đúng số”, nhưng vàng trang sức thì làm sao để tin?

Mang câu hỏi này đến chủ một cửa hàng vàng, ông này nói gọn: “Lúc nào vàng ở đây chẳng đúng tuổi?”. Có lẽ, có hỏi hàng nghìn cửa hàng chế tác vàng trang sức hiện nay thì câu trả lời vẫn thế. Nhưng thực tế có phải vậy?

Rủi ro

Tại một cửa hàng vàng cuối đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), nêu băn khoăn về tình trạng bất cứ cửa hàng vàng trang sức nào cũng khẳng định vàng mình bán ra là “đúng số”, “đúng tuổi”, ông chủ trả lời: “Thích 4 số 9 tôi làm cho, nếu thấy lăn tăn thì mang đi thử, không ưng mang đến đây tôi mua lại, có gì đâu!”.

Tuy nhiên, một nhân viên ở cửa hàng vàng Xuân Xuân tại 71 Nguyễn Trãi (Hà Nội) lại cho biết: “Đã là vàng trang sức thì không bao giờ có chuyện đúng tuổi, mà bao giờ cũng bị hạ tuổi khi pha vẩy hàn để dễ chế tác”.

Theo bà này, khi sản xuất vàng trang sức, dù là  doanh nghiệp quy mô lớn và có nhiều máy móc dây chuyền hiện đại thì vẫn phải có “vẩy hàn” tạo dáng để mẫu mã phong phú hơn. “Vẩy hàn” ở đây chính là pha thêm một chút đồng cho vàng cứng hơn. Tất nhiên, lúc đó, vàng bị hạ tuổi. Còn muốn biết “một chút đồng” cụ thể chiếm bao nhiêu phần trăm trong món đồ mình đã mua, thì chỉ có cửa hàng vàng biết, hoặc mang đi giám định ở trung tâm giám định chất lượng vàng.

Cũng vì thế, người mua vàng ở đâu thì bán  ở đó sẽ được giá hơn, còn bán chỗ  khác sẽ bị giảm giá. Sở dĩ như vậy là vì khi bán đúng chỗ mua thì cửa hàng vàng đã thu lãi khi bán hàng và khi mua lại, họ sẵn sàng trả giá có lợi cho người bán để giữ khách. Trong trường hợp bán vào cửa hàng khác thì bị ép giá thấp là chuyện bình thường bởi họ chưa kiếm được chút lãi nào.

Xuất phát từ thực tế này, TS. Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng biên tập tạp chí Ngân hàng, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Kế toán Ngân hàng Nhà nước cho rằng, những loại vàng trang sức tràn lan hiện nay trên thị trường phần lớn đều chưa qua kiểm định nên tiêu chuẩn chất lượng không đảm bảo. Vì thế, mỗi khi mua bán, người dân rất bị thiệt thòi. Cũng vì không có tiêu chuẩn nên loại vàng này không thể gửi ở tổ chức tín dụng như một loại hình tiền gửi; và nếu tổ chức tín dụng có nhận thì chỉ thông qua nghiệp vụ “giữ tài sản” hay “thuê két” mà thôi.

Một câu hỏi đặt ra, có phải vàng trang sức chưa  được nhà nước “để mắt” quan tâm đến chất lượng nên mới có chuyện “điêu toa” về tuổi hoặc số như nói trên?

Theo ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm Vàng Ngân hàng Á Châu, thực ra quản lý chất lượng vàng thương phẩm, bao gồm vàng trang sức, vàng mỹ nghệ, vàng miếng và vàng nguyên liệu được lưu thông trên thị trường đã được quy định rất rõ và chi tiết tại bộ tiêu chuẩn TCVN 7054:2002, do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành theo Quyết định số 03, ngày 30/12/2002.

“Chỉ có điều đáng tiếc, mặc dù đã ban hành, nhưng vì không có sự phối hợp giữa các bộ ngành, thậm chí cả chế tài xử lý buôn bán những loại vàng thương phẩm không đạt chuẩn cũng không có nên rốt cục, Quyết định 03 vẫn đứng bên lề cuộc sống”, ông Khanh nói.

Quyết định bị bỏ rơi

Lật lại từng trang trong số 9 trang A4 của bộ tiêu chuẩn TCVN 7054:2002, thấy rằng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành hẳn một bộ tiêu chuẩn về vàng thương phẩm. Trong đó, vàng thương phẩm (commercial gold) là các sản phẩm vàng trang sức, vàng mỹ nghệ, vàng miếng, vàng nguyên liệu được lưu thông trên thị trường, trừ vàng nguyên liệu thô.

Còn vàng trang sức (jewelry gold) là sản phẩm vàng (vàng ta, vàng tây, vàng mạ) có hoặc không gắn đá quý, kim loại quý, vật liệu khác để phục vụ nhu cầu trang sức như nhẫn, dây, vòng, hoa tai, kim cài, tượng…

Đặc biệt, vàng miếng (bullion gold) là vàng (bao gồm vàng ta, vàng tây) đã được dập, cán thành miếng dưới các hình dạng khác nhau, có đóng số, số chỉ khối lượng, chất lượng và kỹ mã hiệu của nhà sản xuất theo quy định: ghi nhãn đối với vàng hay hợp kim vàng có tuổi lớn hơn 8k (hoặc lớn hơn 333) khi lưu thông trên thị trường và ghi rõ ký hiệu tuổi vàng.

Thậm chí, bộ tài liệu này cũng quy định chi tiết đến mức: nếu một sản phẩm gồm nhiều phần làm từ  vàng hoặc hợp kim vàng có tuổi khác nhau thì mỗi phần phải được đóng ký hiệu tuổi như một sản phẩm riêng biệt hoặc cả sản phẩm được đóng chung một nhãn có tuổi là tuổi trung bình của các phần đó.

Hoặc, khi một sản phẩm gồm nhiều phần khác nhau, trong đó có  một hoặc vài phần làm từ vàng hoặc hợp kim vàng, còn các phần khác nhau làm từ kim loại khác thì những phần làm từ vàng hoặc hợp kim vàng sẽ phải mô tả chi tiết các thông số tiêu chuẩn của vàng, còn những phần còn lại thì phải mô tả trong hóa đơn hoặc chứng từ bán hàng kèm theo.

Đó chỉ là một số thông tin cơ bản nhất trong bộ tài liệu TCVN 7054:2002 quy định tiêu chuẩn chất lượng vàng thưong phẩm. Nhưng hiện tại, vị trí vai trò của nó ở đâu khi mà một thực tế phơi bày trên thị trường vàng trang sức, sẽ thấy rất rõ: vàng pha đồng (vẩy hàn) cũng được coi là “99,99” và giá thì vẫn như vàng đúng tuổi, chưa tính tiền công chế tác nếu mẫu mã phức tạp.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, rất cần thiết phải thành lập một trung tâm giám định chất lượng vàng quốc gia. Hiện tại, cả nước có ba trung tâm giám định chất lượng hàng hóa, nhưng với vàng thì chưa. Vì thế, cách đây vài năm, khi lực lượng công an bắt được vụ buôn lậu vàng gần 100 kg, đã phải mang vào giám định tại trung tâm giám định vàng của một doanh nghiệp.

Tiếp theo, cần ban hành những chế tài cần thiết để xử phạt hiện tượng làm điêu tuổi vàng tại rất nhiều cửa hàng vàng hiện nay.

Lạm phát, đồng tiền giảm giá trị và nhu cầu bảo toàn giá trị tài sản nơi vàng, dù là vàng trang sức là tất yếu. Bởi không ai cứ ngày nọ tháng kia nhìn tài sản của mình hao mòn theo thời gian mà chẳng làm gì.

Nhưng nhìn từ góc độ quản lý, nếu kéo dài tình trạng trên, quyền lợi chính đáng của người dân sẽ bị xâm hại trong khi tính pháp chế của luật pháp bị hạ thấp.