10:35 27/05/2008

Tỷ giá tái lập kỷ lục: Nguyên nhân và hệ lụy

Minh Đức

Cầu ngoại tệ căng thẳng, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do tăng đột biến, tái lập kỷ lục 17.000 VND/1 USD

Một lượng ngoại tệ vẫn nằm ngoài hệ thống ngân hàng. Trong ảnh, người dân bán ngoại tệ tại một điểm trên phố Hà Trung (Hà Nội) - Ảnh: LĐ.
Một lượng ngoại tệ vẫn nằm ngoài hệ thống ngân hàng. Trong ảnh, người dân bán ngoại tệ tại một điểm trên phố Hà Trung (Hà Nội) - Ảnh: LĐ.
Cầu ngoại tệ căng thẳng, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do tăng đột biến, tái lập kỷ lục 17.000 VND/1 USD.

Cuối ngày 26/5, thị trường ngoại tệ lên cơ “sốt” khi giá USD trên thị trường tự do chính thức vượt mốc 17.000 VND, lên 17.050 VND. Tròn hai năm, kỷ lục của lịch sử từng được dựng vào thời điểm nửa đầu tháng 5/2006 chính thức tái lập.

Đó là đỉnh tạm thời của đợt biến động đều và nhanh từ đầu tháng 5 này, trên cả thị trường tự do và thị trường ngân hàng. Ngày 26/5, tỷ giá bình quân liên ngân hàng cũng đã tăng lên 16.051 VND, của các ngân hàng thương mại là 16.212 VND.

Đến tối ngày 26/5, giá USD bán ra tại một số đầu mối trên thị trường tự do tại Hà Nội tiếp tục vọt lên 17.150 VND. Diễn biến này quá mạnh và bất thường, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Nguyên nhân trực tiếp nhất và của riêng ngày 26/5 là thị trường ngoại tệ đón nhận những tin nóng: Lạm phát tháng 5 tăng vọt trở lại với 3,91%; đặc biệt số liệu nhập siêu 5 tháng đầu năm đã lên tới 14,4 tỷ USD. Những con số “gây choáng” này lập tức thổi bùng tỷ giá trên thị trường tự do, vốn đã được thúc đẩy từ nhu cầu căng thẳng trước đó.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, trong tuần trước, “cầu ngoại tệ vẫn tiếp tục cao, chủ yếu do nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp để nhập khẩu, trong khi nguồn cung chưa được cải thiện, khiến cho cung cầu ngoại tệ tiếp tục mất cân đối”.

Xét cụ thể, sự mất cân đối đó xuất phát từ những tác động sau:

Thứ nhất, như nhận định của Ngân hàng Nhà nước, cầu ngoại tệ nhập khẩu tiếp tục tăng cao. Con số nhập siêu 14,4 tỷ USD vừa đến với thị trường ngày 26/5 tiếp tục gây lo ngại đối với nhà điều hành chính sách tỷ giá; đây là một áp lực làm giảm dữ trữ ngoại hối, vốn khó tích lũy.

Trong cầu ngoại tệ tăng ở khối doanh nghiệp, ở con số nhập siêu 14,4 tỷ USD nói trên có một nguyên nhân khách quan và ảnh hưởng lớn. Đó là do đồng USD xuống giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trong thời gian qua, giá các mặt hàng nguyên liệu, thiết bị… trên thế giới tăng lên để “cân đối”, tiêu biểu là giá dầu, khiến lượng ngoại tệ (USD) cần cho nhập khẩu 5 tháng đầu năm tăng mạnh.

Đây cũng là “hệ lụy” bất khả kháng đối với doanh nghiệp nhập khẩu cũng như nhà điều hành tỷ giá. Giải pháp thường thấy là đa dạng hóa phương tiện thanh toán, tránh lệ thuộc đồng USD trong nhập khẩu (hiện vẫn chiếm khoảng 70% – 80%). Nhưng nhìn lại, ngoại tệ mạnh thứ hai trong thanh toán nhập khẩu của Việt Nam là đồng EUR cũng đã lên giá mạnh so với VND từ giữa tháng 5 trở lại đây (tăng khoảng 1.200 VND).

Thứ hai, cầu ngoại tệ tăng và căng thẳng còn xuất phát từ chính hoạt động đầu tư của người dân thời gian gần đây. Sau khi bỏ lỡ cơ hội ở thời điểm cuối tháng 3 vừa qua, đồng USD được đưa vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư, nhất là khi thị trường chứng khoán ảm đạm, thị trường vàng rủi ro và gửi tiết kiệm bị hạn chế bởi lạm phát…

Chỉ trong vòng một tuần qua, các quyết định thu gom USD đã có thể lãi khoảng 2,5% - một tỷ lệ hấp dẫn trong bối cảnh khan hiếm kênh đầu tư sinh lời đại chúng hiện nay. Từ đây, không loại trừ khả năng có yếu tố đầu cơ trong đợt biến động tỷ giá này.

Thứ ba, chính USD hấp dẫn đầu tư và bị đầu cơ trong đợt biến động này càng đẩy cầu ngoại tệ chính thống trở nên căng thẳng. Nhiều người dân không gửi ngoại tệ ở ngân hàng mà tham gia “trực chiến” trên thị trường tự do, kiếm lời. Tỷ giá trên thị trường tự do hấp dẫn cũng là một trở ngại các nguồn ngoại tệ nhàn rỗi trong dân cư đến với ngân hàng.

Đó cũng là một nguyên nhân khiến lãi suất USD bước vào cuộc đua mới. Dù đã điều chỉnh tăng trong tuần qua, nhưng đầu tuần này lãi suất huy động USD vẫn tiếp tục lên đỉnh mới, kỷ lục hiện xác lập ở mức 7,65%/năm ở kỳ hạn 13 tháng của một ngân hàng cổ phần. Từ ngày 27/5, một số ngân hàng cũng bắt đầu đẩy lãi suất huy động đồng tiền này lên mức 7,5%/năm.

Ngoài ra, tỷ giá của các ngân hàng thương mại vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường tự do dẫn đến nhu cầu bán ngoại tệ của người dân bị chi phối. Hạn chế này dẫn đến trường hợp có ngân hàng phải mua USD vào giá thỏa thuận cao hơn niêm yết, khi năng lực cung của mình hạn chế.

Hệ lụy đáng chú ý là trong đợt biến động này, một lượng ngoại tệ lớn bị lôi kéo bởi tỷ giá cao trên thị trường tự do và nằm ngoài hệ thống ngân hàng, nằm ngoài tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Đây là một điều “kiêng kỵ” trong điều hành chính sách tiền tệ.

Và vẫn là một hệ lụy thường thấy là các nhà nhập khẩu buộc phải điều chỉnh giá bán hàng hóa, nguyên liệu, thiết bị nhập về ra thị trường để cân đối theo tỷ giá; điểm đến cụ thể là người tiêu dùng.