Tỷ giá USD/VND có thể giảm thêm trước Tết Nguyên đán
Khi nguồn cung được bổ sung từ dòng kiều hối và giải ngân ngoại tệ của doanh nghiệp, tỷ giá có thể giảm về mốc chặn mới
Mặc dù có thể đi ngang và giảm nhẹ từ nay đến cuối năm 2021, nhưng khi nguồn cung được bổ sung, tỷ giá USD/VND có thể sẽ giảm về mốc chặn mới trước Tết Nguyên đán
TẠO MỐC CHẶN MỚI
Như VnEconomy đã đưa tin, ngày 23/11/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã niêm yết giá mua vào USD ở mức 23.125 VND/USD, giảm 50 điểm so với mức 23.175 VND/USD đã được giữ ổn định trong gần 1 năm vừa qua. Và đây vốn vẫn được xem là mốc chặn dưới đối với tỷ giá VND/USD trên thị trường liên ngân hàng.
Nếu tính cả lần điều chỉnh lần này, Ngân hàng Nhà nước đã có tổng cộng 4 lần giảm tỷ giá USD/VND mua vào kể từ năm 2015 đến nay.
Có một điểm chung trong những lần hạ mốc chặn đó là thường diễn ra vào thời điểm cuối năm hoặc đầu năm khi nguồn cung ngoại tệ trên thị trường ở trạng thái dồi dào. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở lần này đó là mức giảm mạnh hơn với 50 điểm so với những lần trước khi chỉ dừng ở mức 10 - 25 điểm.
Theo Ban Kinh doanh Vốn và Tiền tệ BIDV, hành động mới đây của Ngân hàng Nhà nước dựa trên 2 nguyên nhân. Thứ nhất, động thái này mang lại lợi ích trên nhiều phương diện bao gồm tiết giảm chi phí mua vào ngoại tệ trong giai đoạn khối lượng ngoại tệ bán về Ngân hàng Nhà nước có xu hướng tăng nhanh.
Đồng thời, góp phần quan trọng giúp nhà điều hành phát đi tín hiệu về việc đã, đang và sẽ điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, "chưa và không bao giờ sử dụng tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh trong giao dịch thương mại quốc tế" như phát biểu của Thống đốc tại Hội nghị Thống đốc ASEAN tháng 10 vừa qua. Bên cạnh đó, góp phần giảm bớt căng thẳng với Mỹ trong câu chuyện thao túng tiền tệ.
Thứ hai, bối cảnh vĩ mô và thị trường tài chính trong nước và quốc tế thuận lợi. Một mặt, nguồn cung ngoại tệ tiếp tục duy trì trạng thái dồi dào kể từ đầu năm khi cán cân thương mại đạt mức thặng dư cao kỷ lục và hoạt động giải ngân FDI sôi động trở lại nhờ dịch bệnh trong nước được kiểm soát hiệu quả.
Trong khi đó, nhu cầu ngoại tệ đối với các hoạt động du lịch, chữa bệnh, du học… nhìn chung vẫn chưa thể phục hồi do dịch bệnh Covid-19 hiện vẫn diễn biến căng thẳng tại Mỹ và Châu Âu. Nhờ vậy, cung cầu ngoại tệ trong nước duy trì mức thặng dư lớn tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước mua vào khoảng 3 tỷ USD trong tháng 11 và tính từ đầu năm tới nay là khoảng 11,5 tỷ USD.
Trong lần giảm tỷ giá mua gần nhất vào tháng 11 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cũng đã mua vào được tới khoảng 1,9 tỷ USD nhờ diễn biến thuận lợi của cung cầu ngoại tệ trong nước
Mặt khác, trên thị trường quốc tế, chỉ số Dollar Index (DXY) đã giảm khoảng 4% kể từ đầu năm và hiện đang áp sát mức đáy trong vòng 2 năm qua.
Việc Fed đẩy mạnh nới lỏng chính sách tiền tệ với quy mô lớn áp đảo so với các Ngân hàng Trung ương chính khác thông qua cắt giảm 150 điểm lãi suất điều hành và triển khai QE không giới hạn nhằm hỗ trợ kinh tế Mỹ trước cuộc khủng hoảng Covid-19 là nguyên nhân chính cho sự suy yếu của đồng bạc xanh.
Ở chiều ngược lại, hầu hết các đồng tiền chính khác đều đã tăng giá so với đồng USD kể từ đầu năm nay như EUR (+5,8%), JPY (+3,8%), CNY (+5,4%), KRW (+3,8%)…
"Nhìn chung, chúng tôi đánh giá động thái giảm tỷ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm hiện tại - không lâu sau khi bà Nguyễn Thị Hồng được bổ nhiệm là Tân Thống đốc - là tương đối hợp lý", nhóm nghiên cứu tại BIDV đánh giá.
SỚM CHẠM MỐC CHẶN MỚI
Đáng chú ý, khi mốc chặn dưới được điều chỉnh, lập tức tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng cũng đã xuất hiện bước giảm khoảng 20 VND và đóng cửa ngày 23/11 quanh mức 23.158 VND/USD, cao hơn mốc chặn mới khoảng 33 VND. Diễn biến này phản ánh giá trị thực của tỷ giá với nguồn cung ngoại tệ dồi dào.
Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, riêng trong năm 2020, lượng kiều hối về Việt Nam ước đạt 15,8 tỷ USD , tương đương 5,8% GDP. Trong khi đó, tính từ đầu năm tới hết ngày 15/11/2020, cán cân thương mại hàng hoá vẫn duy trì trạng thái thặng dư với 19,42 tỷ USD.
Khi tỷ giá đã về giá trị thực, đồng thời do một lượng lớn ngoại tệ đã bị hút về Ngân hàng Nhà nước trong thời gian vừa qua và cân đối cung – cầu có thể giảm bớt trạng thái dồi dào trong giai đoạn cuối năm dương lịch khi nhu cầu ngoại tệ phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và chuyển lợi nhuận về nước gia tăng nên tỷ giá nhiều khả năng sẽ đi ngang hoặc chỉ giảm nhẹ từ nay đến hết năm 2020.
Thực tế cũng cho thấy, chốt phiên giao dịch liền sau (24/11), tỷ giá USD/VND liên ngân hàng chỉ giảm nhẹ thêm 1 VND. Thậm chí, tại phiên giao dịch tiếp nữa (25/11), tỷ giá trên liên ngang hàng còn bật tăng 3 VND, dừng ở mức 23.160 VND/USD.
Tuy nhiên, dự báo tỷ giá trong thời gian xa hơn, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng đồng USD sẽ yếu đi do FED tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, việc đồng nhân dân tệ (CNY) mạnh lên trong những tháng gần đây có thể giúp thu hẹp thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Qua đó VND sẽ mạnh lên trong năm 2021.
Đồng quan điểm, nhóm nghiên cứu tại Ban Kinh doanh Vốn và Tiền tệ BIDV cũng cho rằng: "Tỷ giá có thể giảm trở lại quanh tỷ giá mua vào 23.125 trước dịp Tết nguyên đán (đầu tháng 2/2021) khi nguồn cung được bổ sung từ dòng kiều hối và giải ngân ngoại tệ của doanh nghiệp, cá nhân để chi tiêu trong dịp lễ lớn nhất của năm".