Tỷ phú Richard Branson và Jeff Bezos không mua bảo hiểm khi bay vào vũ trụ
Chuyến bay vào vũ trụ của tỷ phú Richard Branson và Jeff Bezos đều diễn ra trong tháng này và cả hai đều không mua bảo hiểm tính mạng hay thương tật...
Ngày 11/7, tỷ phú người Anh Richard Branson vừa thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ trên tàu vũ trụ VVS Unity do công ty Virgin Galactic chế tạo. Chuyến bay kéo dài 15 phút ở rìa vũ trụ trước khi bay trở lại Trái Đất và diễn ra 9 ngày trước chuyến bay tương tự của tỷ phú Jeff Bezos, người giàu nhất thế giới.
Theo nguồn tin của trang tin DealBook, thuộc New York Times, cả ông Richard Branson và ông Jeff Bezos đều không mua bảo hiểm cho chuyến du hành vũ trụ của mình.
Các hãng môi giới bảo hiểm cho biết không có dấu hiệu gì cho thấy Virgin Galactic và Branson đã mua bảo hiểm trong trường hợp tỷ phú bị thương hoặc tệ hơn là tử vong trong chuyến du hành. Tuy nhiên, con tàu VVS Unity của Virgin Galactic có thể đã được mua bảo hiểm.
Trong khi đó, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy công ty khai phá vũ trụ Blue Origin và tỷ phú Jeff Bezos đã mua bảo hiểm để bảo vệ người giàu nhất thế giới.
Chuyến bay của Virgin Galactic được xem là một hành trình nội địa vì VVS Unity được phóng và hạ cánh ở cùng một địa điểm tại sân bay vũ trụ Spaceport America ở New Mexico (Mỹ) mà không đi vào không gian. Tàu VVS Unity sẽ bay tới rìa vũ trụ - ở độ cao gần 90 km so với mực nước biển. Trong khi đó, tàu vũ trụ của Blue Origin, công ty do ông Bezos sáng lập, sẽ bay tới độ cao gần 100 km so với mực nước biển, vượt qua đường Kármán - được xem là ranh giới giữa không gian bên ngoài và bầu khí quyển của Trái đất - rồi trở lại Trái đất.
Virgin Galactic trước đó cho biết tất cả hành khách bay vào vũ trụ trên tàu của công ty sẽ phải ký hợp đồng đồng ý rằng họ chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự an toàn của mình. Tuy nhiên, theo DealBook, việc đẩy mọi trách nhiệm lên người tiêu dùng là điều gần như bất khả thi theo luật Mỹ. Nhiều hãng bảo hiểm cho biết các nhà chức trách Mỹ sẽ sớm yêu cầu phải có chính sách riêng cho những chuyến bay vào vũ trụ.
Còn ở thời điểm hiện tại, chưa có đủ dữ liệu về các chuyến du lịch vũ trụ để các hãng bảo hiểm có thể đưa ra mức giá phù hợp cho những chính sách như vậy. Bên cạnh đó, các chuyến du hành vũ trụ tư nhân được cho là quá rủi ro nên không nhiều hãng bảo hiểm sẵn sàng cung cấp dịch vụ.
"Du lịch vũ trụ có rủi ro rất lớn, và cũng không có nhiều người hỏi đến dịch vụ bảo hiểm cho việc này bởi cực hiểm mới có người bay vào vũ trụ", ông Michael Barry, người phát ngôn của Viện thông tin Bảo hiểm Mỹ (III), cho biết.
Hiện tại, thị trường bảo hiểm cho vệ tinh, tên lửa và các chuyến bay không người lái vào vũ trụ trị giá gần 500 triệu USD. Tuy nhiên, chưa có yêu cầu pháp lý nào buộc những công ty như Blue Origin phải mua bảo hiểm thương tật hoặc tử vong cho hành khách trong các chuyến du lịch vũ trụ.