08:21 27/11/2018

Ukraine tuyên bố thiết quân luật sau vụ Nga bắt giữ chiến hạm

An Huy

Trong ngày đầu tuần, Ukraine và Nga tiếp tục “lời qua tiếng lại” về vụ bắt tàu diễn ra hôm Chủ nhật

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko phát biểu trước Quốc hội ở Kiev ngày 26/11 - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko phát biểu trước Quốc hội ở Kiev ngày 26/11 - Ảnh: Reuters.

Ukraine ngày 26/11 tuyên bố tình trạng thiết quân luật trong vòng 30 ngày tại nhiều khu vực của nước này, sau khi Tổng thống Petro Poroshenko cảnh báo mối nguy "cực kỳ nghiêm trọng" về một cuộc tấn công trên bộ.

Động thái này của Kiev diễn ra sau khi Nga bắt giữ ba chiến hạm Ukraine gần bán đảo Crimea vào cuối tuần.

Theo tin từ Reuters, ông Poroshenko nói rằng thiết quân luật là cần thiết để củng cố việc phòng thủ cho Ukraine.

Phản ứng về sự leo thang căng thẳng mới trong quan hệ giữa Nga và Ukraine, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông không thích những gì đang diễn ra, đồng thời cho biết đang phối hợp với các nhà lãnh đạo châu Âu trong vấn đề này. Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi đối thoại để giảm căng thẳng.

Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn tình trạng thiết quân luật sau khi ông Poroshenko trấn an một số nghị sỹ hoài nghi rằng thiết quân luật sẽ không cản trở các quyền tự do dân sự hay trì hoãn cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào năm tới.

Trước đó trong ngày thứ Hai, Ukraine và Nga tiếp tục "lời qua tiếng lại" về vụ bắt tàu diễn ra hôm Chủ nhật, trong khi các đồng minh của Kiev chỉ trích hành động của Nga.

Mối quan hệ giữa Nga và Ukraine vốn đang ở mức thấp do việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea ly khai khỏi Ukraine vào năm 2014 và bị cho là hậu thuẫn lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine.

"Nga đã tiến hành cuộc chiến tranh hỗn họp nhằm vào đất nước chúng ta năm thứ 5 liên tiếp. Bằng cách tấn công tàu quân sự của Ukraine, Nga đẩy sự gây hấn lên một ngưỡng mới", ông Poroshenko nói.

Trong một cuộc điện đàm với ông Poroshenko, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói khối này dành "sự ủng hộ hoàn toàn đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine". Kiev hiện chưa phải là một thành viên của NATO, nhưng muốn gia nhập tổ chức này.

Bộ Ngoại giao Nga đổ lỗi cho Ukraine về cuộc khủng hoảng đang diễn ra. "Rõ ràng hành động gây hấn có kế hoạch kỹ lưỡng này là nhằm tạo ra một nguồn căng thẳng mới trong khu vực, để tạo tiền đề cho việc gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga", một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga viết.

Theo tuyên bố này, chính sách như vậy "chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng". Tuyên bố cũng cáo buộc Kiev đang thông đồng với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) để chống lại Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi việc Nga bắt giữ tàu chiến Ukraine là "một sự leo thang nguy hiểm và vi phạm luật pháp quốc tế", và kêu gọi các bên kiềm chế. "Mỹ lên án hành động gây hấn này của Nga. Chúng tôi kêu gọi Nga trả lại tàu và các thủy thủ bị bắt giữ cho Ukraine, và tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", ông Pompeo nói trong một tuyên bố.

Tổng thống Poroshenko thì nói thông tin tình báo cho thấy "nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng" về một chiến dịch trên bộ mà Nga có thể tiến hành nhằm vào Ukraine. Ông nói thiết quân luật sẽ cho phép Ukraine phản ứng nhanh chóng với bất kỳ một động thái nào như vậy từ Moscow.

Đồng Rúp Nga giảm giá 1,4% so với đồng USD trong phiên giao dịch đầu tuần tại Moscow, đánh dấu ngày giảm mạnh nhất kể từ hôm 9/11.

Thị trường tài chính rất nhạy cảm với bất kỳ một diễn biến nào có thể dẫn tới một đợt lệnh trừng phạt mới của phương Tây nhằm vào Nga, bởi sự gia tăng trừng phạt sẽ gây tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Nga. Việc giá dầu thô giảm mạnh thời gian gần đây cũng khiến nền kinh tế Nga gặp khó, bởi dầu là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này.