20:32 14/03/2022

UNICEF: Việt Nam trở thành tiêu chuẩn trên thế giới về tiêm chủng và phòng, chống dịch

Tiến Dũng

Đây là nhấn mạnh của bà Rana Flowers, quyền Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 14/3...

Bà Rana Flowers - Ảnh: VGP
Bà Rana Flowers - Ảnh: VGP

Chiều ngày 14/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 dự chương trình gặp mặt cảm ơn các đối tác quốc tế đã hỗ trợ vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam.

Chương trình do Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức. Cùng dự chương trình có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; bà Rana Flowers, quyền Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam; các vị đại sứ, đại diện các quốc gia, các cơ quan Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, các hãng vaccine có văn phòng tại Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Ngày 1/4/2021, Việt Nam đã nhận được lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên với hơn 800.000 liều vaccine của COVAX - cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu. Kể từ đó, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và chia sẻ vaccine của nhiều quốc gia và đối tác quốc tế, nhất là cơ chế COVAX, các nước đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. 

VIỆT NAM LÀ VÍ DỤ ĐIỂN HÌNH VỀ CÔNG TÁC TIÊM CHỦNG THÀNH CÔNG

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, bà Rana Flowers bày tỏ rất vui mừng được sinh sống tại Việt Nam trong thời khắc lịch sử này.

Bà cho rằng với những nỗ lực kiểm soát đại dịch rất thành công trong hai năm qua, Việt Nam đã trở thành một tiêu chuẩn trên thế giới, đạt tỷ lệ tiêm chủng thuộc nhóm cao nhất toàn cầu để bảo vệ người dân, bao gồm cả những người dân nghèo nhất, những người dễ bị tổn thương nhất.

"Sự lãnh đạo tài tình của Chính phủ và sự đoàn kết của người dân tại Việt Nam vẫn luôn luôn là một bài học quan trọng, dù hành trình kiểm soát hoàn toàn được đại dịch vẫn rất khó khăn. Việt Nam đã sớm đạt được mục tiêu tiêm chủng mà WHO đặt ra nhờ những nỗ lực ngoại giao vaccine và tiến hành tiêm nhanh chóng, an toàn, hiệu quả", bà Flowers nhấn mạnh.

Theo bà, thành công của việc tiêm vaccine tại Việt Nam không chỉ là những con số mà còn là những người dân được cứu sống, họ không phải nhập viện, các bệnh viện không bị quá tải, các cộng đồng phục hồi nhanh chóng về kinh tế - xã hội, bà nói.

Thống nhất với quan điểm tiếp cận toàn cầu, toàn dân mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định tại các diễn đàn, bà khẳng định không một quốc gia nào có thể một mình chiến thắng đại dịch. Bà cũng cảm ơn Chính phủ Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế đã đóng góp cho những nỗ lực phòng chống dịch trên phạm vi toàn cầu.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong video ghi hình trước gửi tới cuộc gặp - Ảnh: VGP
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong video ghi hình trước gửi tới cuộc gặp - Ảnh: VGP

Trong thông điệp được ghi hình trước gửi tới cuộc gặp mặt, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng chúc mừng Việt Nam đã bao phủ vaccine cho 90% người trưởng thành và hơn 75% dân số đã được tiêm chủng, một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới. Đây là điều rất quan trọng để bảo vệ tính mạng người dân và điều này cần tiếp tục được thúc đẩy thời gian tới. Kết quả này có được nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự đồng lòng của người dân Việt Nam.

"Việt Nam là một ví dụ điển hình cho những điều có thể thực hiện được với cam kết chính trị, cộng đồng gắn kết, sự hỗ trợ quốc tế", Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh.

SỰ HỖ TRỢ ĐẶC BIỆT QUÝ BÁU GIỮA LÚC KHÓ KHĂN

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới Chính phủ các nước, bạn bè, đối tác quốc tế lời cảm ơn chân thành và trân trọng nhất về sự đồng hành, những đóng góp, hỗ trợ, hành động thiết thực, kịp thời đối với Việt Nam trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 suốt hơn 2 năm qua. Thủ tướng cũng chia sẻ với những mất mát, hi sinh của các nước, các tổ chức quốc tế trong đại dịch, trong đó có cả những tổn thất về người không gì có thể bù đắp được.

Thủ tướng cho biết, sau hơn 2 năm phòng chống dịch, Việt Nam đã đúc rút ra được 3 trụ cột về phòng chống dịch (cách ly, xét nghiệm, điều trị), công thức "5K+vaccine+thuốc điều trị+công nghệ+đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác". Trong đó, vaccine là "lá chắn" an toàn nhất cho người dân để phòng, chống Covid-19.

Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã triển khai Chiến lược vaccine, trong đó đẩy mạnh ngoại giao vaccne, thành lập Quỹ vaccine phòng chống Covid-19; tích cực đẩy mạnh nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử.

Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 220 triệu liều vaccine, trong đó chiếm khoảng 50% là từ sự trợ giúp qua cơ chế COVAX và trên 30 nước cung cấp qua kênh song phương; góp phần quan trọng giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả Chiến lược vaccine và chiến dịch tiêm chủng.

Thủ tướng cho biết, từ tháng 10/2021, Việt Nam đã chuyển sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", từng bước mở cửa nền kinh tế, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Thủ tướng cám ơn các đối tác, tổ chức quốc tế và cơ quan ngoại giao đã hỗ trợ Việt Nam trong công tác vaccine - Ảnh: VGP
Thủ tướng cám ơn các đối tác, tổ chức quốc tế và cơ quan ngoại giao đã hỗ trợ Việt Nam trong công tác vaccine - Ảnh: VGP

Ông khẳng định, Việt Nam đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức và đạt được kết quả ấn tượng nêu trên là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã kịp thời thay đổi tư duy và biện pháp phòng chống dịch, chuyển hướng linh hoạt trong điều kiện khó khăn; nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng tình, hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; và sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế, sự đoàn kết và hỗ trợ của các nước, các tổ chức, cá nhân ở khắp nơi trên thế giới về vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế.

"Sự hỗ trợ này đặc biệt quý báu vì vào đúng thời điểm chúng tôi đang gặp khó khăn, thực sự thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, bạn bè hoạn nạn có nhau", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng khẳng định, năm 2022, Việt Nam phấn đấu là năm chiến thắng dịch bệnh, từng bước "bình thường hóa" với dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng.

"Việt Nam kiên định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế", Thủ tướng nêu rõ.

Về phần mình, Việt Nam luôn tham gia hết sức tích cực, tốt nhất có thể, đề cao và ủng hộ tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế trong nỗ lực chung phòng, chống dịch bệnh. Thủ tướng đề xuất, cần tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác và đoàn kết quốc tế trong phòng chống Covid-19, phát huy những kết quả đạt được và giải quyết các khó khăn, thách thức đặt ra; tăng cường ủng hộ các sáng kiến song phương và đa phương nhằm thúc đẩy tiếp cận công bằng vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị.

Chính phủ Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức về vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực và tiếp nhận thành công việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA – đây là một chặng đường khá dài và có nhiều thách thức.

Thủ tướng cũng đề nghị chung tay hợp tác tìm ra các biện pháp hiệu quả để mở cửa trường học trở lại an toàn, bảo đảm quyền lợi của học sinh, sinh viên, bởi để bảo đảm học tập hiệu quả nhất thì không thể thiếu việc tới trường trực tiếp.