09:16 21/11/2007

Uruguay, “địa chỉ đỏ” cho doanh nghiệp Việt

Thùy Trang

Có rất nhiều yếu tố thuận lợi cho quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Uruguay

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Uruguay diễn ra tại Hà Nội ngày 20/11.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Uruguay diễn ra tại Hà Nội ngày 20/11.
Nằm ở vị trí trung tâm, trái tim của các nước Nam Mỹ, vị thế địa kinh tế đã đưa Uruguay trở thành cầu nối với các nước trong khu vực nhanh chóng và là kênh phân phối hàng hoá thuận lợi cho cả vùng Nam Mỹ.

Với những lợi thế hấp dẫn đó, thị trường Uruguay đang được nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn.

Nhất là khi thoả thuận hợp tác ba bên giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại và Dịch vụ Uruguay và Phòng Công nghiệp Uruguay đã được ký kết. Theo đó, Uruguay sẽ là “địa chỉ đỏ” để cộng đồng doanh nghiệp hai nước tìm đến khi có ý định đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa vào thị trường của nhau.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Uruguay diễn ra tại Hà Nội ngày 20/11 được tổ chức nhân chuyến thăm lần đầu tiên Việt Nam của Tổng thống Uruguay Tabare Ramon Vazquez Rosas, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, quan hệ hai nước không ngừng tăng cường trong những năm qua.

Trên thực tế, thời gian qua hợp tác kinh tế giữa hai nước còn nhiều khâu phải qua đối tác thứ 3 hoặc gián tiếp. Vì vậy, diễn đàn được tổ chức với sự tham dự của đoàn doanh nghiệp hàng đầu Uruguay lần này là cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp xúc, thiết lập quan hệ làm ăn trực tiếp, làm cầu nối cho nhau thâm nhập vào các không gian kinh tế khu vực rộng lớn hơn. Đây là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, bơ sữa, công nghệ gen sinh học, dược phẩm, mỹ phẩm, gỗ, hoá chất, thuỷ sản, phần mềm tin học, cảng biển...

Việt Nam và Uruguay đã ký kết Hiệp định khung về hợp tác cấp Chính phủ, đây là cơ sở pháp lý để hai bên tiến tới đàm phán ký kết các hiệp định kinh tế khác như bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế trùng. Những hiệp định này sẽ là những nền tảng tạo cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư tại mỗi quốc gia. Hai bên cũng ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, Bản ghi nhớ về tham khảo giữa hai Bộ Ngoại giao.

Thêm vào đó là yếu tố “địa lợi” khi Việt Nam là cửa ngõ vào ASEAN và Trung Quốc, trong khi đó Uruguay lại là trái tim của khu vực châu Mỹ Latinh cũng như thị trường châu Mỹ rộng lớn. Đây là cơ hội tốt để kết nối môi trường kinh doanh hai nước. Thông qua mối quan hệ này, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các tổ chức khu vực ASEAN và Khối thị trường chung Nam Mỹ, cũng như giữa hai khu vực Đông Á và Mỹ Latinh.

Trả lời cho câu hỏi Uruguay có thể dành cho Việt Nam những gì? Ngay tại Diễn đàn, Tổng thống Tabare Vazquez đã cho biết: Uruguay có kinh tế vĩ mô cân bằng và vững chắc. Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Urugoay sẽ không bị phân biệt đối xử; được hưởng các chế độ ưu đãi khuyến khích sản xuất; cơ chế quản lý kinh tế minh bạch, hiệu quả...

Mong muốn của Uruguay là tăng cường và mở rộng hơn nữa mối quan hệ song phương với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, thương mại, hợp tác khoa học - công nghệ, văn hóa... Lĩnh vực hợp tác của hai bên trong thời gian tới có rất nhiều tiềm năng như công nghiệp, chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất nông nghiệp, công nghệ sinh học, cơ sở hạ tầng, bưu chính viễn thông.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhìn nhận hai nền kinh tế ở hai nửa bán cầu Đông và Tây có cơ hội bổ sung cho nhau trên nhiều lĩnh vực.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam cần các sản phẩm chăn nuôi đồ len, đồ da, sản phẩm về gỗ. Nhưng Việt Nam cũng sẵn sàng xuất khẩu nông sản, hàng tiêu dùng, hàng điện tử, máy móc thiết bị sang thị trường châu Mỹ Latinh và Bắc Mỹ. Hai nước cũng có nhiều cơ hội để đầu tư với nhau, Việt Nam có thể đầu tư các cơ sở chế biến lâm sản, đồ gỗ để xuất khẩu sang khu vực, đồng thời các nhà đầu tư của Uruguay cũng có thể đầu tư tại Việt Nam để sản xuất phát triển các mặt hàng về len dạ.

Tuy nhiên, để phát huy hết các cơ hội hợp tác của hai bên, theo Bộ trưởng cần tìm ra những lĩnh vực và phương thức hợp tác hiệu quả, trước tiên tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của nhau như nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông - thực phẩm, công nghệ sinh học, y - dược, viễn thông... và sớm có những bước đi thích hợp giữa hai chính phủ để đạt được một hiệp định hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia, qua đó sẽ giúp hợp tác trong lĩnh vực tư nhân phát triển tốt hơn.