11:06 03/04/2008

USD “chợ đen” làm mưa làm gió

Chỉ trong một thời gian ngắn, hai khuynh hướng ngược chiều nhau đã xảy ra xoay quanh câu chuyện tỷ giá

Một thực tế của những ngày gần đây là các ngân hàng đã phải đi gom lại từ chính những nguồn của nhau với giá mua vào khá cao.
Một thực tế của những ngày gần đây là các ngân hàng đã phải đi gom lại từ chính những nguồn của nhau với giá mua vào khá cao.
Chỉ trong một thời gian ngắn, hai khuynh hướng ngược chiều nhau đã xảy ra xoay quanh câu chuyện tỷ giá.

“Cháy” USD

Hôm qua, tỷ giá VND/USD niêm yết tại Ngân hàng Ngoại thương vẫn là 15.990 - 16.120 đồng (mua vào, bán ra). Tuy nhiên, trên thị trường tự do, giá USD mua vào, bán ra tiếp tục tăng đáng kể.

Ông Trần Minh Tâm - chủ tiệm vàng trên quận 10, TP.HCM cho biết giá mua vào, bán ra của cửa hàng ông đã tăng thêm 40 đồng so với ngày trước đó và đạt mức 16.170 -16.200 đồng. Nhưng lượng USD trên thị trường tự do giờ cũng rất khan hiếm. Bình quân, một ngày cửa hàng ông cũng chỉ gom vào được khoảng từ 7.000 đến 8.000 USD.

Cũng theo ông Tâm, hiện các ngân hàng cũng đi gom rất nhiều và họ cũng phải chấp nhận mua theo giá chợ đen, cao hơn gần 100 đồng so với tỷ giá đã niêm yết. Nhiều người dân cũng đi gom USD vào nhưng đa số cửa hàng đều không bán hoặc hiếm lắm mới có tiệm bán “chui” cho một ít.

Ngân hàng phải mua giá cao

Đối với một số ngân hàng thương mại cổ phần thì giá USD ngày càng cao còn làm cho họ trở nên khổ sở trong việc gom USD, cũng như khó nghĩ đối với khách hàng. Bởi mặc dù vẫn niêm yết giá USD mua vào, bán ra ở mức giá 15.990 - 16.120 đồng nhưng chính các ngân hàng khi đi gom cũng phải mua vào với mức giá chênh lệch thêm rất nhiều.

Một thực tế của những ngày gần đây là các ngân hàng đã phải đi gom lại từ chính những nguồn của nhau với giá mua vào khá cao, lên tới 16.300 đồng. Lý do là nếu ngân hàng có muốn mua lại từ các khách hàng thì cũng phải trả phí trước cho khách hàng, rồi còn liên quan tới chuyện hạch toán.

Giải thích điều này, ông Hoàng Đức Long - Phó phòng Kinh doanh tiền tệ của Ngân hàng HDBank cho biết mặc dù niêm yết giá như vậy nhưng hầu hết các ngân hàng đều phải bán ra trên giá trần. Hoặc tối thiểu là bán ra bằng với giá mua vào từ các ngân hàng là 16.300 đồng. Với mức giá này, các khách hàng tỏ ra không hài lòng. Vậy nên cũng có nhiều ngân hàng đã phải chấp nhận chịu lỗ để giữ khách.

Còn đối với một số khách mua USD trong thời gian này thì có thể phải trả phí cho các ngân hàng.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, hai khuynh hướng ngược chiều nhau đã xảy ra xoay quanh câu chuyện tỷ giá. Khi USD giảm giá thì ngân hàng chê, không ai muốn mua vào vì cho rằng giữ USD cũng đồng nghĩa với việc chịu lỗ. Ngược lại, khi USD tăng cao thì các ngân hàng lại đối mặt với việc khan hiếm nguồn.