16:30 30/10/2017

Uỷ ban Tư pháp: Phát hiện được tham nhũng chủ yếu do mâu thuẫn nội bộ

Nguyên Vũ

Uỷ ban Tư pháp thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017

Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh, việc tự phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra vẫn là khâu rất yếu từ nhiều năm nay.
Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh, việc tự phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra vẫn là khâu rất yếu từ nhiều năm nay.

Việc xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nhiều nhưng kiến nghị xử lý hình sự còn ít, trong khi tình hình tham nhũng vẫn được đánh giá là nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trên diện rộng là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm tham nhũng.

Nhận định nói trên được Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nêu tại báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017.

Sai phạm cũng không bị xử lý

Theo cơ quan thẩm tra thì báo cáo từ Chính phủ chưa phản ánh thật đầy đủ thực trạng công tác phòng chống tham nhũng năm 2017, và chưa nêu được một số chuyển biến nổi bật của công tác này so với năm 2016.

Chính phủ cũng chưa chỉ ra được cơ quan, đơn vị, địa phương nào làm tốt và nhất là cơ quan, đơn vị, địa phương nào chưa làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, chưa đề ra giải pháp mang tính đột phá và lộ trình cụ thể để khắc phục những hạn chế của công tác này đã tồn tại qua nhiều năm.

Thậm chí, số vụ án tham nhũng nêu trong báo cáo còn mâu thuẫn với số liệu trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017.

Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh, việc tự phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra vẫn là khâu rất yếu từ nhiều năm nay, toàn quốc phát hiện được 15 vụ với 21 đối tượng qua tự thanh tra, kiểm tra. 

Việc xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nhiều nhưng kiến nghị xử lý hình sự còn ít, trong khi tình hình tham nhũng vẫn được đánh giá là nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trên diện rộng là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm tham nhũng.

Báo cáo thẩm tra dẫn nhiều con số đáng chú ý. Như, cơ quan thanh tra đã ban hành 154.298 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5.403 tỷ đồng nhưng chỉ chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 105 vụ với 214 đối tượng. 

Cơ quan kiểm toán xử lý nhiều tập thể và cá nhân liên quan đến sai phạm, kiến nghị xử lý tài chính 39.738 tỷ đồng nhưng chỉ chuyển 2 vụ việc sang cơ quan điều tra.

Uỷ ban Tư pháp cũng cho biết, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm nhưng không bị áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào. 

Cá biệt có địa phương qua hoạt động thanh tra kiến nghị xử lý 971 người thì có đến 940 người được "phê bình nghiêm khắc", "kiểm điểm rút kinh nghiệm".

Bên cạnh đó còn có trường hợp qua thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện có dấu hiệu tham nhũng nhưng chậm chuyển sang cơ quan điều tra.

Có những vụ việc xảy ra mà dư luận xã hội bức xúc, người dân đã kiến nghị trong thời gian dài nhưng vẫn chậm được xử lý, chỉ khi báo chí phản ánh, Quốc hội, hội đồng nhân dân tiến hành giám sát hoặc có ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì các cơ quan này mới tích cực vào cuộc.

Còn "khoảng trống" không nhỏ

Đáng lưu ý, theo cơ quan thẩm tra là trong những năm gần đây, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã, cấp huyện hoặc những vụ tham nhũng, kinh tế lớn do cơ quan điều tra cấp Trung ương điều tra.

Còn nhìn chung thì ở cấp tỉnh, ở một số bộ, ngành, việc phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng còn ít, trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở những khu vực này vẫn còn nghiêm trọng, nhất là ở một số bộ, ngành có thẩm quyền phân bổ các nguồn lực đầu tư, tài chính, xét duyệt dự án, công trình, quản lý cấp phép về khai thác khoáng sản, xuất nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu… hoặc ở những tỉnh có nhiều dự án đầu tư công lớn, khai thác tài nguyên, khoáng sản, có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, không loại trừ ở cả các tỉnh nghèo, vùng sâu, vùng xa được hưởng các ưu đãi từ ngân sách Nhà nước.

Đây là vấn đề lớn, xảy ra trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục, có dấu hiệu bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên được Uỷ ban Tư pháp đánh già là việc "khép kín" trong nội bộ, thiếu kiên quyết, còn nể nang, né tránh, bệnh thành tích của nhiều tỉnh, bộ, ngành trong việc xây dựng chương trình thanh tra, kiểm tra nội bộ về phòng chống tham nhũng.

Ở một số đơn vị phát hiện được tham nhũng thì chủ yếu là do có đơn tố cáo hoặc do mâu thuẫn nội bộ.

Uỷ ban Tư pháp đã đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước khi xây dựng chương trình công tác hàng năm cần chú trọng kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tại các khu vực này, tránh bỏ lọt tội phạm tham nhũng.

Tuyên truyền bằng hành động

Đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền, cơ quan thẩm tra lưu ý, trong khi các ngành, các cấp triển khai nhiều cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, thì hành động thực tế của một bộ phận cán bộ, đảng viên lại không tương xứng với quyết tâm chính trị chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, nói không đi đôi với làm. 

Vẫn còn tồn tại các biểu hiện tiêu cực, suy thoái, thiếu gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn, còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, không chỉ ra các cá nhân có biểu hiện suy thoái, "dĩ hòa vi quý" khi kiểm điểm theo nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 và nghị quyết Trung ương 4 khóa 12.

Thậm chí có cá nhân để xảy ra sai phạm, tiêu cực nhưng vẫn được đơn vị xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Một số vụ tiêu cực mà dư luận xã hội bức xúc ở một số ngành, địa phương thời gian qua... theo cơ quan thẩm tra là còn chưa được xử lý nghiêm.

Báo cáo thẩm tra nêu rõ, những tồn tại trên đây đã có tác động tiêu cực, làm giảm đáng kể tác dụng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng. Hiệu quả của công tác này còn chưa tương xứng với nhân lực và ngân sách mà Nhà nước đã đầu tư.

Từ thực tiễn tác động tích cực của việc xử lý cán bộ, đảng viên có vi phạm, tham nhũng thời gian gần đây, Uỷ ban Tư pháp cho rằng, bên cạnh việc tuyên truyền bằng các hình thức truyền thống (phổ biến tại cuộc họp, phát hành tài liệu, pano, áp phích, khẩu hiệu...) thì việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng hành động thực tiễn thông qua việc xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm có tác dụng hết sức thiết thực.

Để hạn chế tính hình thức và kém hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian qua, Uỷ ban Tư pháp đề nghị, năm 2018 Chính phủ, các bộ, ngành cần chú trọng đến việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục bằng hành động thực tiễn, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, nêu cao tính gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, đảng viên trong công tác phòng chống tham nhũng.

Nhất là trong việc kê khai, minh bạch tài sản, công khai hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu.