10:44 03/10/2011

“Vận đen” với hai ngân hàng tăng vốn

Nguyễn Hoài

Bảo Việt và Petrolimex có thể không những không được góp thêm vốn mà còn phải thoái bớt vốn ở những ngân hàng đã đầu tư?

Tại một phòng giao dịch của PG Bank. Vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng của ngân hàng này đang ở dưới mức quy định của Nghị định 141/NĐ-CP.
Tại một phòng giao dịch của PG Bank. Vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng của ngân hàng này đang ở dưới mức quy định của Nghị định 141/NĐ-CP.
BaoVietBank và PG Bank hiện vẫn chưa đáp ứng đủ mức vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng theo Nghị định 141/NĐ-CP.

Vướng mắc chủ yếu, là do hai cổ đông lớn nhà nước của hai ngân hàng này không được góp thêm vốn.

Trở ngại chính sách

Theo Nghị định 141/NĐ-CP, hết năm 2010, mức vốn pháp  định của các ngân hàng phải đạt mức tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do hoạt động ngân hàng khó khăn, thị trường chứng khoán “lình xình”, Ngân hàng Nhà nước đã hoãn thời hạn này đến 31/12/2011.

Trong số khoảng dăm đơn vị chưa đáp ứng đủ mức vốn nói trên, có hai đơn vị là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bảo Việt (BaoVietBank) vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu (PG Bank) vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, dưới mức quy định của Nghị định 141/NĐ-CP.

Với BaoVietBank, các cổ đông lớn của ngân hàng này gồm có Tập đoàn Bảo Việt (BaoViet), Vinamilk, Công ty Cổ phần Tập đoàn CMC cùng một số cổ đông khác; trong đó BaoViet nắm giữ tới 52% vốn điều lệ, tương ứng 780 tỷ đồng.

Nếu ngân hàng này tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng thì BaoViet phải góp thêm 780 tỷ đồng so với mức góp hiện có nếu muốn giữ nguyên tỷ trọng này.

Tương tự, PG Bank có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, Petrolimex nắm giữ 40%, tương ứng 800 tỷ đồng. Nay nếu PG Bank tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng, thì Petrolimex phải góp thêm 400 tỷ đồng.

Lý do gì đến thời điểm này, quá trình tăng vốn với họ lại khó khăn đến vậy?

Ông Phan Đào Vũ, Tổng giám đốc BaoVietBank cho biết: “Vấn đề tăng vốn của BaoVietBank không phải do Bảo Việt thiếu tiền hay ngân hàng thiếu các nhà đầu tư tiềm năng mà chủ yếu đang chờ quyết định chấp thuận của Thủ tướng”.

Điều 12, Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 5/2/2009 của Chính phủ về “quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác”, quy định: “Riêng đối với hoạt động đầu tư góp vốn vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, công ty nhà nước chỉ được đầu tư vào mỗi lĩnh vực một doanh nghiệp; mức vốn đầu tư không vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn, nhưng phải đảm bảo mức vốn góp của công ty mẹ và các công ty con trong tổng công ty, tập đoàn không vượt quá mức 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận vốn góp. Trường hợp đặc biệt có nhu cầu đầu tư vượt quá quy định này công ty nhà nước phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Nhưng nay, quy định trên đang hướng tới siết chặt hơn, khi ngày 23/9 vừa qua, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo bàn về dự thảo nghị định quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Theo dự thảo, doanh nghiệp nhà nước chỉ được đầu tư, góp vốn vào ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, mỗi lĩnh vực một doanh nghiệp; mức vốn góp ở từng lĩnh vực không được vượt quá 10% vốn điều lệ tổ chức nhận góp vốn và tổng mức vốn đầu tư vào các lĩnh vực trên không quá 10% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Như vậy, theo dự thảo nghị định mới, Bảo Việt và Petrolimex không những không được góp thêm vốn mà còn phải thoái bớt vốn ở những ngân hàng đã đầu tư?

Lối thoát nào?

Ông Phan Đào Vũ nói, do “mắc mớ” này mà Bảo Việt đã có phương án trình lên Chính phủ cho phép được tiếp tục đầu tư thêm vốn tại BaoVietBank, nhưng hiện tại, tất cả đang chờ quyết định của Thủ tướng.

Và mặc dù các cổ đông tiềm năng của BaoVietBank khá hào hứng, nhưng lại chưa muốn đầu tư ngay, mà họ đang chờ đợi cơ cấu vốn của Bảo Việt tại ngân hàng này phải được làm rõ cụ thể, sau đó họ mới mở hầu bao.

Còn đối với Petrolimex thì sao? Tương tự BaoVietBank, cuối năm 2010, mặc dù phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cho các cổ đông hiện hữu đã được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán chấp thuận nhưng theo Nghị định 09 nói trên, Chính phủ vẫn không chấp nhận cho Petrolimex được góp thêm vốn.

Vì thế, để đạt được mức vốn 2.000 tỷ đồng, PG Bank buộc phải chuyển đổi sớm 1.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi PG Bank vào tháng 12/2010.

Cuối năm nay, PG Bank vẫn phải đảm bảo mức vốn 3.000 tỷ đồng như quy định và khi được hỏi về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Petrolimex, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị PG Bank nói: “Tôi cũng chưa biết ban điều hành ngân hàng này giải quyết vấn đề đó như thế nào”.

Một phương án khác được PG Bank đưa ra là phát hành thêm 1.000 tỷ đồng cổ phần phổ thông vào cuối năm 2011. Trong tình hình thị trường chứng khoán đang lình xình như hiện nay và chưa có dấu hiệu phục hồi thì khả năng hiện thực hóa mong muốn này của PG Bank đến nay vẫn là dấu hỏi.

Có một điểm khác biệt giữa BaoVietBank và PG Bank là tính chất hoạt động của hai cổ đông lớn: Bảo Việt và Petrolimex. Ông Phan Đào Vũ cho rằng, khác với các doanh nghiệp nhà nước khác, Bảo Việt là tập đoàn tài chính - bảo hiểm, nên cần xem xét cho phép tập đoàn này tiếp tục mở rộng đầu tư vào BaoVietBank, lĩnh vực tương đồng với cổ đông Bảo Việt. Hơn nữa, nhờ đó mà BaoVietBank có thể được hưởng lợi tiềm lực tài chính, sức mạnh thương hiệu và cơ hội bán chéo các sản phẩm giữa ngân hàng và bảo hiểm.

Ở một diễn biến khác, dường như “vận đen” vẫn tiếp tục đeo đuổi những nhà băng trong diện này khi mà ngày 26/1/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2011/NĐ-CP về việc sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 141; trong đó có đề cập: “Trong thời gian các tổ chức tín dụng chưa đảm bảo mức vốn pháp định theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này, Ngân hàng Nhà nước không xem xét việc mở rộng mạng lưới hoạt động (chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, các loại hình hiện diện khác theo quy định của pháp luật) và việc mở rộng nội dung hoạt động của tổ chức tín dụng. Sau ngày 31/12/2011, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, quyết định xử lý theo quy định của pháp luật đối với tổ chức tín dụng không đảm bảo vốn pháp định”!