19:16 30/08/2021

Văn hóa làm việc quá độ "996" ở Trung Quốc: Nhân viên kiệt sức, giới chủ cho là "điều may mắn"

Ngọc Trang

Tỷ phú Jack Ma, ông chủ Alibaba từng gọi văn hóa làm việc khắc nghiệt "996" - làm từ 9h sáng tới 9h tối, 6 ngày một tuần - là may mắn lớn với người trẻ: "Nếu bạn tìm được công việc mình thích, vấn đề của văn hóa 996 sẽ chẳng tồn tại nữa"...

Chia sẻ trên mạng xã hội Weibo năm 2019, tỷ phú Jack Ma cho rằng văn hóa "996" thực ra là “may mắn lớn” với những người trẻ - Ảnh: Getty Images.
Chia sẻ trên mạng xã hội Weibo năm 2019, tỷ phú Jack Ma cho rằng văn hóa "996" thực ra là “may mắn lớn” với những người trẻ - Ảnh: Getty Images.

Tại Trung Quốc, nhiều công ty công nghệ, startup tồn tại văn hóa làm việc khốc liệt, thường được gọi là “996”, khiến người lao động mất cân bằng cuộc sống - công việc, gây ra căng thẳng không cần thiết và thậm chí khiến một số trường hợp tử vong, tự tử.

Theo Business Insider, quy định bất thành văn này được các hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc áp dụng suốt nhiều năm và là chủ đề đấu tranh của nhiều người lao động cũng như các nhà hoạt động xã hội. 

KHI LÀM VIỆC QUÁ ĐỘ TRỞ THÀNH ĐIỀU "BÌNH THƯỜNG"

“996” là lịch trình làm việc trong đó khuyến khích hoặc ép buộc nhân viên làm việc từ 9h sáng tới 9h tối, 6 ngày mỗi tuần. Theo đó, người lao động làm việc tới 72 giờ/tuần, gần gấp đôi so với mức 44 giờ một tuần theo quy định của pháp luật Trung Quốc. Về mặt lý thuyết, văn hóa “996” vi phạm luật pháp Trung Quốc, nhưng nhiều công ty vẫn thực hiện một cách chính thức hoặc phi chính thức. 

"Làm việc quá giờ hiện tại là điều bình thường”, một blogger chia sẻ trên Weibo, nền tảng mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc. "Điều còn đáng sợ hơn là mọi người đã quen với việc đó và không dám phản đối bởi họ biết rằng làm vậy cũng vô ích”. 

Theo tờ SCMP, với những nhân viên trẻ làm việc tại các công ty công nghệ, lịch trình làm việc quá độ như vậy đồng nghĩa họ phải làm việc kiệt sức, có ít thời gian hơn cho các hoạt động cơ bản như ngủ nghỉ hay cuộc sống cá nhân. 

2 nhân viên tử vong vì làm việc quá sức trong vòng 2 tuần tại Pinduoduo làm dấy lên làn sóng chỉ trích văn hóa "996" vào năm 2019 - Ảnh: Getty Images
2 nhân viên tử vong vì làm việc quá sức trong vòng 2 tuần tại Pinduoduo làm dấy lên làn sóng chỉ trích văn hóa "996" vào năm 2019 - Ảnh: Getty Images

Làn sóng phẫn nộ với văn hóa “996” bùng lên vào tháng 12/2019, khi một nhân viên 22 tuổi của công ty thương mại điện tử Pinduoduo ngất xỉu và tử vong trên phố ở thành phố Urumqi, Tân Cương sau khi rời công sở lúc 1h30 sáng. Chưa đầy hai tuần sau đó, một nhân viên khác của Pinduoduo tự tử do trầm cảm sau thời gian phải làm việc quá độ. Hai trường hợp này được xem là một trong những nạn nhân của văn hóa làm việc quá độ tại Trung Quốc và thổi bùng làn sóng phẫn nộ trên khắp các mạng xã hội. 

“Lối làm việc này rất có hại cho cơ thể con người. Chúng ta đã nghe rất nhiều tin tức về những trường hợp tử vong do làm việc quá sức vài năm gần đây, nhưng hệ thống làm thêm giờ biến tướng này vẫn rất phổ biến. Chúng ta phải đặt câu hỏi liệu có đáng đánh đổi cuộc sống lấy tiền không?", một người dùng mạng Trung Quốc chia sẻ.

"ĐIỀU MAY MẮN" HAY "SỰ TRA TẤN"?

Tuy nhiên, nhiều CEO công nghệ Trung Quốc ủng hộ văn hóa làm việc này. Tỷ phú Jack Ma - người đồng sáng lập, cựu Chủ tịch tập đoàn Alibaba - là một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất của văn hóa này. Ông gọi lịch trình khắc nghiệt này là “may mắn lớn” với những người trẻ. 

"Nếu bạn tìm được công việc mình thích, vấn đề của văn hóa 996 sẽ chẳng tồn tại nữa”, tỷ phú này từng chia sẻ trên Weibo năm 2019. "Nếu bạn không có đam mê với công việc, thì từng phút làm việc sẽ giống như tra tấn vậy”. 

Đồng quan điểm với Jack Ma, ông Richard Liu - CEO của hãng thương mại điện tử JD.com, cũng chia sẻ trên mạng xã hội WeChat rằng “những kẻ lười biếng không phải là anh em của tôi”. 

Không chỉ các nhà quản lý doanh nghiệp Trung Quốc ủng hộ văn hóa làm việc này, tỷ phú Mỹ Elon Musk - CEO của hãng xe điện Tesla, startup hàng không vũ trụ SpaceX - cũng tin rằng những người muốn gây ảnh hưởng với thế giới nên làm việc từ 80-100 giờ mỗi tuần (12-14 giờ/ngày). Ông Musk cho rằng “chưa từng có ai chỉ làm việc 40 giờ một tuần mà thay đổi được thế giới”.

Nghiên cứu chỉ ra rằng tuần làm việc ngắn hơn thường hiệu quả hơn và mọi người thường mất tập trung khi phải làm việc trong thời gian dài. Việc thiếu ngủ cũng có liên quan đến bệnh ung thư, tăng cân và các vấn đề về trí nhớ.

Trước thực trạng này, mới đây, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc đã cùng ra tuyên bố rằng văn hóa làm việc “996” là bất hợp pháp. 

Tuyên bố được đưa ra sau khi Tòa án nhân dân tối cao đưa ra xem xét 10 vụ án trong đó người lao động làm việc ngoài giờ và không được hưởng quyền lợi tương ứng. Trong một vụ án, nhân viên của một hãng truyền thông đã tử vong tại chỗ làm sau khi bị buộc phải làm việc trong thời gian dài. 

“Theo pháp luật, người lao động có quyền được hưởng mức lương tương ứng và có thời gian nghỉ hoặc kỳ nghỉ”, thông cáo ngày 28/8 của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc nhấn mạnh. “Người sử dụng lao động có nghĩa vụ tuân thủ cơ chế về giờ làm việc toàn quốc”. 

Theo các nhà phân tích, nỗ lực loại bỏ văn hóa “996” là một phần trong chiến dịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm đẩy lùi sự bất bình đẳng xã hội và hạn chế quyền lực của các hãng công nghệ lớn nhất đất nước. 

Theo Bruce Pang, Giám đốc nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại Trung Quốc của China Renaissance Securities, dù tòa án không chỉ đích danh lĩnh vực công nghệ, nhưng tuyên bố này có thể sẽ khiến các hãng công nghệ phải cảnh giác cao độ sau nhiều năm duy trì văn hóa “996”. 

Còn nhà kinh tế Bo Zhuang tại tại Loomis Sayles cho rằng việc siết chặt quản lý với văn hóa làm việc “996” cho thấy chính phủ đứng về phía người lao động trước những gã khổng lồ công nghệ hùng mạnh của đất nước. 

“Tuyên bố về văn hóa 996 của tòa án cần được đặt trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thúc đẩy chủ nghĩa dân túy. Theo đó, Bắc Kinh đang tìm cách giảm bớt quyền lực của các hãng công nghệ thông qua việc siết chặt quy định về chống độc quyền và kêu gọi giới thượng lưu của đất nước đóng góp nhiều tài sản hơn cho xã hội trong chiến dịch vì sự ‘thịnh vượng chung’”, ông Zhang nhận định.