10:24 27/04/2007

Vận tải ít gặp khó nhất khi hội nhập

Nguyên Linh

Trong tiến trình thực hiện các cam kết hội nhập WTO, vận tải chính là lĩnh vực đỡ gặp “khó” hơn cả

Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực đại lý vận tải hàng hóa đường biển và đại lý tàu biển sẽ bị tác động nhiều nhất.
Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực đại lý vận tải hàng hóa đường biển và đại lý tàu biển sẽ bị tác động nhiều nhất.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, trong tiến trình thực hiện các cam kết hội nhập liên quan đến ngành này, thì lĩnh vực vận tải chính là lĩnh vực đỡ gặp “khó” hơn cả trước các cuộc cạnh tranh từ bên ngoài.

Tuy nhiên, độ “không khó” này cũng sẽ khác nhau, phụ thuộc vào từng loại hình hoặc thị trường của dịch vụ này.

Theo phân loại của WTO thì vận tải là một ngành dịch vụ bao gồm các phân ngành: vận tải đường biển, vận tải đường thủy nội địa, vận tải hàng không, vận tải bằng kinh khí cầu, vận tải đường sắt, vận tải đường bộ, vận tải đường ống, dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải và các dịch vụ vận tải khác; mỗi phân ngành lại chia nhỏ thành nhiều tiểu ngành. Tuy nhiên, ở Việt Nam mới có quy định về 6 phân ngành trong tổng số 9 phân ngành vận tải nói trên.

Trong quá trình thúc đẩy tự do hóa thương mại trên phạm vi toàn cầu thì dịch vụ vận tải đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với thương mại hàng hóa quốc tế với nguyên tắc “vận tải càng nhanh với chi phí càng thấp thì hiệu quả của thương mại hàng hóa quốc tế càng cao”.

Chính vì vậy, các nước thành viên WTO rất quan tâm đến việc tự do hóa thị trường dịch vụ vận tải, đặc biệt là dịch vụ vận tải biển và các dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải như dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa kể cả dịch vụ giao nhận và dịch vụ kho bãi.

Trong số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ có yêu cầu đàm phán song phương với Việt Nam thì có tới 11 đối tác yêu cầu đàm phán về dịch vụ vận tải (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Nauy, Thụy Sỹ, Mỹ, Canada, úc, New Zealands, Chinese Taipei).

Các đối tác đưa ra yêu cầu rất cao về mở cửa thị trường dịch vụ vận tải, nhất là dịch vụ vận tải biển cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Cam kết về dịch vụ vận tải biển của Việt Nam cũng tương đối cao, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành mức độ ảnh hưởng của từng cam kết đối với các doanh nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc vào tình hình thực tiễn của thị trường cung cấp dịch vụ đó.

Ví dụ về vận tải hàng hóa quốc tế bằng đường biển, chúng ta cam kết “không hạn chế”, nhưng xét về thực chất cam kết này không tác động nhiều đến các doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam vì trên thực tế thị trường này vẫn do các hãng tàu nước ngoài chiếm thị phần chủ yếu.

Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực đại lý vận tải hàng hóa đường biển và đại lý tàu biển sẽ bị tác động nhiều nhất do chúng ta cam kết cho phép các công ty vận tải biển nước ngoài được thành lập công ty liên doanh với tỷ lệ vốn góp không quá 51% ngay từ khi gia nhập và được thành lập công ty 100% vốn nước ngoài sau 5 năm kể từ khi gia nhập để thực hiện các hoạt động liên quan đến hàng hóa do chính công ty đó vận chuyển bằng đường biển đi, đến Việt Nam nhằm mục đích cung cấp dịch vụ trọn gói cho khách hàng của họ.

Điểm quan trọng của cam kết này là các công ty liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài do công ty vận tải biển nước ngoài thành lập chỉ được phép thực hiện các hoạt động phục vụ cho chính công ty mẹ, không được phép cung cấp dịch vụ cho khách hàng khác. Các công ty vận tải biển nước ngoài vận chuyển hàng hóa đi, đến Việt Nam không thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam thì vẫn phải sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong hai lĩnh vực nói trên.

Theo nhận định, đây chính là vấn đề mà các cơ quan quản lý Nhà nước cần lưu ý khi xem xét dự án đầu tư; đồng thời, khi cấp giấy chứng nhận đầu tư phải ghi rõ phạm vi hoạt động của doanh nghiệp theo đúng nội dung đã cam kết và tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

Dịch vụ xếp dỡ container cũng là dịch vụ hỗ trợ vận tải biển được nhiều đối tác quan tâm; cam kết của Việt Nam cho phép nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được thành lập liên doanh với tỷ lệ vốn góp không quá 50% và không có lộ trình mở rộng hơn nữa. Sau khi Việt Nam được kết nạp vào WTO, đã có nhiều lo ngại việc mở quá rộng đối với dịch vụ cảng biển.

Tuy nhiên, Việt Nam không đưa dịch vụ đại lý tàu biển vào biểu cam kết về dịch vụ; như vậy, Việt Nam hoàn toàn có quyền duy trì các quy định chặt chẽ về dịch vụ đại lý tàu biển để bảo hộ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Đối với dịch vụ vận tải hàng không, WTO không điều chỉnh về vận tải hàng hóa và vận tải hành khách bằng đường hàng không mà chỉ điều chỉnh về một số dịch vụ hỗ trợ như tiếp thị và bán sản phẩm hàng không, đặt giữ chỗ bằng máy tính và dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa máy bay. Cam kết của Việt Nam về các dịch vụ nói trên rất thông thoáng phù hợp với thực tiễn của ngành hàng không và nhằm mục tiêu thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa máy bay ở Việt Nam.

Tương tự, các phân ngành dịch vụ vận tải khác như vận tải đường thủy nội địa và vận tải đường bộ đều có cam kết tương đối chặt chẽ so với quy định của pháp luật hiện hành. Mục tiêu của các cam kết này nhằm tạo điều kiện cho các nhà cung cấp dịch vụ vận tải trong nước có thời gian để tự đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Trong khi đó, dịch vụ vận tải đường sắt đang thuộc độc quyền của doanh nghiệp Nhà nước, nay chuyển sang hướng tự do hóa cung cấp dịch vụ cho mọi thành phần kinh tế nên cũng được xem xét cam kết ở mức độ thận trọng hơn, cho phép thành lập liên doanh đến 49% vốn nước ngoài.