08:42 17/08/2011

Vàng, dầu thô “nhuộm buồn” xuất siêu tháng 7

Anh Quân

Thông tin xuất siêu 1,1 tỷ USD trong tháng 7/2011 vừa được Tổng cục Hải quan phát đi trong ngày 16/8

Kim ngạch xuất khẩu nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm đạt hơn 1,1 tỷ USD trong tháng 7/2011.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm đạt hơn 1,1 tỷ USD trong tháng 7/2011.
Thông tin xuất siêu 1,1 tỷ USD trong tháng 7/2011 vừa được Tổng cục Hải quan phát đi trong ngày 16/8.

Nhìn vào những diễn biến con số, cảm nhận lo ngại lại vượt lên tình hình khởi sắc của cán cân thương mại, khi vàng và dầu thô là hai nhóm hàng kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng không mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế.

Thông thường, xuất siêu vẫn gắn với cảm nhận đâu đó rằng đồng nội tệ sẽ lên giá, hoặc là giảm áp lực ở thị trường ngoại hối. Hay, có thể sức cạnh tranh hàng nội đang thắng thế... Thực tế lại không như vậy trong tháng 7 vừa qua.

Đi cùng với diễn biến trái chiều khi kim ngạch xuất khẩu tháng 7 lên tới trên 9,3 tỷ USD, tăng hơn 10% so với tháng trước và kim ngạch nhập khẩu chỉ khoảng 8,2 tỷ USD, giảm tương ứng 4,6%, đồng nội tệ đột ngột giảm giá so với USD cả trên thị trường chính thức và thị trường tự do trong thời gian gần đây.

Điều này là có nguyên nhân. Xuất khẩu vàng đột ngột tăng kể từ cuối tháng 5, đến tháng 7/2011 kim ngạch nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm ghi nhận thêm hơn 1,1 tỷ USD xuất ra nước ngoài, gần bằng con số của 6 tháng đầu năm nay. Dù là mang về hơn 2,3 tỷ USD trong 7 tháng, chuyện buồn cũng bắt đầu từ đây.

Sau con số kim ngạch tăng khủng trên 38% trong so sánh giữa hai tháng 7 và 6, nhóm kim loại quý, đá quý và sản phẩm đã không còn dư địa để xuất tiếp mà tái hiện dòng chảy ngược, khi cầu vàng trong nước tăng mạnh khiến Ngân hàng Nhà nước phải “buộc lòng” cho nhập khẩu 5 tấn vàng bình ổn thị trường.

Có những tính toán cho rằng, riêng việc xuất khẩu vàng khi giá thấp, nhập khi giá cao vừa qua có thể khiến Việt Nam phải bù thêm từ 20 triệu USD đến cả trăm triệu USD.

Theo dõi trên số liệu nhập khẩu tháng 7, kim ngạch nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm cũng tăng tới 30% so với tháng trước. Một dòng chảy của vàng vào trong nước chắc hẳn cũng đã khởi động trong tháng 7 vừa rồi.

Nhưng nhìn vào mức tăng kim ngạch xuất khẩu vàng trong tháng 7, có thể thấy kim loại quý này không hoàn toàn đóng vai trò chính trong diễn biến kim ngạch thương mại hai chiều vừa qua. Một nhân tố khác cũng bất ngờ tăng cao trong tháng 7, đúng thời điểm xuất khẩu không có lợi nhất.

Kim ngạch xuất khẩu dầu thô trong tháng 7/2011 ghi nhận đạt hơn 912 nghìn tấn với giá trị kim ngạch gần 846,5 triệu USD. So với tháng trước, các con số kể trên lần lượt tăng tới 70,4% và 75,7%. Đi cùng diễn biến này, chiều 15/7, nhà máy lọc dầu Dung Quất lại dừng hoạt động để bảo dưỡng lần đầu trong hai tháng.

Điều này là bất lợi trong tình hình hiện nay. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, bình quân giá xăng dầu thành phẩm thế giới của 30 ngày (từ ngày 12/7-10/8) so với bình quân 30 ngày trước (từ ngày 10/6-11/7) tăng từ 2-3,1% tuỳ theo từng chủng loại, trong đó giá xăng RON 92 có mức tăng mạnh nhất 3,1%.

Mặc dù có thời điểm giá dầu thô trên thị trường thế giới đã xuống mức 78,92 USD/thùng (phiên giao dịch ngày 9/8), so về mức giá, các mặt hàng xăng, dầu thành phẩm không có thay đổi nhiều đối chiếu với giai đoạn Việt Nam điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng này vào ngày 29/3/2011. Cơ hội giảm giá xăng dầu đã vọt mất cùng khẳng định của Bộ Tài chính trong một văn bản gửi báo chí gần đây.

Mặc dù vậy, về mặt con số kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cho đến thời điểm này vẫn có những điểm sáng, như là xu hướng xuất khẩu tăng trong hai tháng liên tiếp và 9,3 tỷ USD kim ngạch trong tháng 7 là kỷ lục mới; hay nhập khẩu cũng đã có hai tháng liên tục giảm kim ngạch so với tháng trước; thương mại Việt Nam lần đầu tiên xuất siêu trong 28 tháng qua…

Chốt  lại, 7 tháng năm 2011, kim ngạch xuất khẩu đã đạt gần 52,51 tỷ USD, tăng 36,2% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu là 57,92 tỷ USD, tăng tương ứng 25,8%. Con số nhập siêu đến hết tháng 7 cũng ở mức khá thấp, chỉ khoảng 5,41 tỷ USD, chỉ bằng 10,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cùng thời kỳ.

Nhưng, với việc cho phép nhập khẩu vàng trở lại, diễn biến xuất siêu có thể khó giữ vững trong tháng 8.