11:48 31/01/2008

Vàng, dầu “thờ ơ” trước quyết định của FED?

Kiều Oanh

Sáng nay (31/1), giá vàng trong nước tiếp tục “xuống thang”. Giá vàng và dầu thế giới cùng giảm dù USD mất giá nặng

Sở Giao dịch Hàng hóa New York, nơi diễn ra các hoạt động mua bán kỳ hạn nhiều mặt hàng, trong đó có vàng và dầu thô.
Sở Giao dịch Hàng hóa New York, nơi diễn ra các hoạt động mua bán kỳ hạn nhiều mặt hàng, trong đó có vàng và dầu thô.
Sáng nay (31/1), giá vàng trong nước tiếp tục “xuống thang”. Giá vàng và dầu thế giới cùng giảm dù USD mất giá nặng sau quyết định cắt giảm lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Vàng SJC đầu phiên giao dịch ngày hôm nay được niêm yết ở mức 1.770.000 đồng/chỉ (mua vào) và 1.778.000 đồng/chỉ (bán ra), tăng 1.000 đồng/chỉ và 3.000 đồng/chỉ so với chiều qua. Tuy nhiên, sau đó, giá vàng lại được điều chỉnh giảm 3.000 đồng/chỉ xuống còn 1.767.000 đồng/chỉ (mua vào) và 1.775.000 đồng/chỉ (bán ra).

Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá vàng giao kỳ hạn tháng 4/2008 tại New York dừng ở mức 926,3 USD/oz, giảm 4,5 USD/oz so với phiên trước. Giá vàng giao ngay cũng giảm 1,80 USD/oz, còn 921,90 USD/oz.

Sau khi FED ra quyết định hạ lãi suất USD từ mức 3,5% còn 3%, đồng USD mất giá mạnh mẽ so với Euro. Cuối ngày hôm qua tại New York, 1 Euro đổi được 1,4862 USD, so với mức 1 Euro bằng 1,4737 USD hôm trước đó. Sáng nay, tại thị trường Singapore, 1 Euro tương đương 1,4834 USD.

Ngay khi USD mất giá mạnh, giá vàng kỳ hạn tăng vọt và đạt kỷ lục mới 942,20 USD/oz. Giá vàng giao ngay cũng vọt lên 936,61 USD/oz.

Nhưng sau đó, giá vàng lại quay đầu giảm do giới đầu tư đẩy mạnh bán ra để thu lời vì cho rằng giá vàng như vậy là đã quá cao.Giá vàng kỳ hạn thế giới sáng nay giao động quanh ngưỡng 928 USD/oz, trong khi giá vàng giao ngay ở dưới 925 USD/oz, tăng không nhiều so với mức giá đóng cửa hôm qua.

Tuy nhiên, tính từ ngày 18/9 năm ngoái, khi FED bắt đầu series cắt giảm lãi suất để cứu vãn nền kinh tế nước này khỏi một cuộc suy thoái vì khủng hoảng trên thị trường tín dụng và địa ốc, đến trước lần cắt giảm lãi suất này, giá vàng đã tăng 28%.

Theo giới phân tích, xét trong dài hạn, giá vàng còn tiếp tục tăng và đạt 1.000 USD/oz trong năm nay vì sắp tới, rất có thể FED sẽ còn phải cắt giảm lãi suất thêm. Mặt khác, kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm chạp, trong khi chi phí tăng cao, đẩy áp lực lạm phát lên cao - một trạng thái mà các nhà kinh tế học gọi là lạm phát đình trệ (stagflation).

Hôm qua, giá dầu kỳ hạn tại thị trường Mỹ tăng 69 cent/thùng, tương đương 0,8%, lên mức 92,33 USD/thùng, mức giá đóng cửa cao nhất từ ngày 14/1 vừa qua. Nhưng sau đó, giá dầu lại quay đầu đi xuống lần đầu tiên trong 6 phiên trở lại đây và hiện ở mức chưa đầy 91 USD/thùng.

Giá dầu chịu sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ hôm qua, bất chấp động thái cắt giảm lãi suất của FED. Hôm qua, các chỉ số chứng khoán chính trên Phố Wall lần đầu giảm trong tuần này trước những lo ngại cho rằng các công ty bảo hiểm trái phiếu bảo lãnh lượng cổ phiếu với tổng trị giá 2.400 tỷ USD của nước này sẽ mất điểm tín nhiệm.

Giá dầu còn chịu ảnh hưởng của việc dự trữ dầu thô của Mỹ tăng tuần thứ 3 liên tiếp, với mức tăng cao hơn dự kiến. Dự trữ xăng của nước này cũng tăng lần thứ 12 liên tiếp. Đây là thông tin đưa ra trong báo cáo hàng tuần mà Bộ Năng lượng Mỹ vừa công bố hôm qua.