Vàng thế giới lao dốc chóng mặt, trong nước giảm 200.000 đồng/lượng
Giá vàng thế giới sụt hơn 20 USD/oz trong phiên ngày thứ Sáu tại thị trường New York, tuột sâu dưới mốc 1.900 USD/oz...
Giá vàng thế giới sụt hơn 20 USD/oz trong phiên ngày thứ Sáu tại thị trường New York, tuột sâu dưới mốc 1.900 USD/oz, nhưng giá vàng miếng trong nước hôm nay (12/6) giảm cầm chừng. Giá USD tự do nối tiếp đà giảm mạnh, mất thêm 30 đồng so với hôm qua.
Lúc gần 11h trưa, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,3 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 200.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường TP. HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 56,7 triệu đồng/lượng và 57,3 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn khoảng 5,1 triệu đồng/lượng, từ chỗ thấp hơn 4,7 triệu đồng/lượng vào hôm qua. Sự kéo giãn khoảng cách giữa giá vàng trong nước với thế giới cho thấy giá vàng trong nước không phản ánh đầy đủ mức giảm của giá vàng thế giới.
Giá các sản phẩm vàng 999,9 khác giảm từ 250.000-300.000 đồng/lượng.
Nhẫn tròn Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá mua vào là 52,83 triệu đồng/lượng và bán ra là 53,43 triệu đồng/lượng, giảm 290.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với sáng qua.
Nhẫn tròn Phú Quý của Tập đoàn Phú Quý có giá 52,650 triệu đồng/lượng và 53,35 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Trong phiên Mỹ đêm qua, giá vàng sụt 20,4 USD/oz, tương đương giảm gần 1,1%, còn 1.878,8 USD/oz. Mức giá này tương đương 52,2 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Vàng sụt giá do đồng USD mạnh lên. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tăng gần 0,5% trong phiên ngày thứ Sáu, chốt trên 90,5 điểm – theo dữ liệu từ MarketWatch.
Cả tuần, chỉ số này tăng 0,4%, trong khi giá vàng thế giới giảm 0,7% và giá vàng trong nước hạ 250.000 đồng/lượng.
Trao đổi với hãng tin CNBC, chiến lược gia Daniel Ghali của TD Securities nói rằng việc giá vàng không tái lập được mốc 1.900 USD/oz sau báo cáo việc làm và lạm phát của Mỹ là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu mua vàng phòng ngừa lạm phát yếu đi, trong khi nhu cầu vàng vật chất đang trong giai đoạn trầm lắng.
“Bởi vậy, giá vàng sẽ phải lùi lại”, ông Ghali nói, và cho rằng giá vàng có khả năng tụt về 1.850 USD/oz trong ngắn hạn. Dù vậy, theo chuyên gia này, trong trung hạn, giá vàng vẫn sẽ được hỗ trợ bởi các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Số liệu công bố hôm thứ Năm cho thấy giá tiêu dùng ở Mỹ tăng 5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất 13 năm. Tuy nhiên, giới phân tích đã “mổ xẻ” dữ liệu và rút ra nhận định rằng sự leo thang giá cả này chỉ là tạm thời, và nỗi lo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm thắt chặt chính sách tiền tệ vì thế đã dịu đi.
Trên thị trường vàng vật chất, giá vàng bán lẻ ở Ấn Độ và Trung Quốc trong tuần này đều bị đẩy xuống thấp hơn giá vàng quốc tế nhằm thu hút khách mua trong bối cảnh thị trường trầm lắng.
Tại Ấn Độ, giá bán lẻ vàng tuần này thấp hơn tới 12 USD/oz so với giá chính thức (tính bằng giá vàng quốc tế cộng thuế nhập khẩu 10,75% và thuế tiêu thụ 3%). Tại Trung Quốc, giá vàng bán lẻ thấp hơn giá vàng giao ngay thị trường quốc tế từ 7-12 USD/oz.
Tuần tới, tâm điểm chú ý của giới đầu tư là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed, dự kiến diễn ra vào ngày thứ Ba và thứ Tư.
Nhà phân tích Edward Moya của Oanda nói rằng nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục đưa ra quan điểm rằng “lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời”. Tuy nhiên, sự khởi sắc gần đây của thị trường lao động và số liệu lạm phát “nóng” đặt ra khả năng tuyên bố của Fed sẽ bớt mềm mỏng hơn so với những lần trước, ông Moya nhận định.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.010 đồng (mua vào) và 23.060 đồng (bán ra), giảm tương ứng 40 đồng và 30 đồng so với sáng qua. Cả tuần, giá USD tự do giảm 140 đồng.