Vàng thế giới tụt giá mạnh, trong nước giảm chậm
Giá vàng thế giới giảm mạnh xuống dưới mốc 1.900 USD/oz khi nhà đầu tư bớt lo về ảnh hưởng của xung đột vũ trang Nga-Ukraine. Giá vàng miếng trong nước ngày 26/2 cũng giảm nhưng với tốc độ chậm hơn, khiến chênh lệch giá vượt 13 triệu đồng/lượng...
Lúc gần 10h, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 64 triệu đồng/lượng (mua vào) và 65,4 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ chiều qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 0,9 triệu đồng/lượng ở chiều mua và giảm 0,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 54 triệu đồng/lượng và 55 triệu đồng/lượng, giảm tương ứng 300.000 đồng/lượng và 200.000 đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 64 triệu đồng/lượng và 65,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng biến động liên tục và khó lường khiến các doanh nghiệp kim hoàn thận trọng, áp dụng chênh lệch lớn giữa giá mua vào và bán ra. Khoảng cách giữa hai đầu giá đang phổ biến ở mức 1,4 triệu đồng/lượng đối với giá vàng miếng và 1 triệu đồng/lượng đối với các sản phẩm vàng 999,9 khác.
Hôm thứ Năm, giá vàng miếng SJC bán ra tại Hà Nội có lúc vượt 67 triệu đồng/lượng, cao chưa từng thấy trong lịch sử, khi giá vàng thế giới leo thang chóng mặt do Nga mở cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ukraine. Ở thời điểm đó, giá vàng thế giới đạt mức cao nhất trong hơn 1 năm 1.968 USD/oz.
Hiện tại, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 13,1 triệu đồng/lượng, từ mức chênh khoảng 11 triệu đồng/lượng vào đầu tuần. Sự kéo giãn chênh lệch là do giá vàng trong nước tăng nhanh hơn khi giá vàng thế giới tăng, nhưng lại giảm chậm hơn khi giá vàng thế giới giảm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại New York, giá vàng giao ngay giảm 14,5 USD/oz, tương đương giảm gần 0,8%, chốt ở 1.890 USD/oz. Mức giá này tương đương khoảng 52,3 triệu đồng/lượng.
Nhà đầu tư trên thị trường toàn cầu vẫn đang đánh giá ảnh hưởng của xung đột vũ trang Nga-Ukraine. Giới phân tích cho rằng giá vàng đã tăng suốt từ đầu năm cùng với sự nóng lên của căng thẳng giữa hai nước, nên đến thời điểm này - khi cuộc tấn công đã xảy ra - lực tăng có phần chững lại.
“Vàng đã được mua từ sớm, nhất là trong tháng 2 này. Nhà đầu tư đã mua vàng theo các diễn biến leo thang, và giờ đây họ bán khi cuộc tấn công đã diễn ra”, Chủ tịch Adam Koos của Libertas Wealth Management nhận định.
Tâm lý của thị trường tài chính Mỹ phiên này nhận được một cú huých sau khi điện Kremlin nói rằng Tổng thống Vladimir Putin sẵn sàng cử phái đoàn tới Minsk, thủ đô của Belarus, để đàm phán với Ukraine. Chứng khoán Mỹ tăng mạnh phiên ngày thứ Sáu, khiến sức hấp dẫn của vàng suy giảm.
Cả tuần, giá vàng giảm 0,6%, đánh dấu tuần giảm đầu tiên sau 3 tuần tăng liên tiếp – theo dữ liệu từ Dow Jones Market Data.
Giám đốc nghiên cứu Chintan Karnani của Insignia Consultants còn cho rằng một nguyên nhân khác khiến vàng giảm giá là hoạt động chốt lời sau khi giá vàng không thể bứt phá qua mốc 2.000 USD/oz.
Về dữ liệu kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) yêu thích – tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ. Mức tăng này cao hơn mức tăng 5,1% mà giới phân tích dự báo.
Lạm phát cao “sẽ chỉ khuyến khích Fed giữ vững kế hoạch tăng lãi suất trong năm nay”, nhà phân tích Naeem Aslam của AvaTrade phát biểu.
Khi Fed nâng lãi suất, vàng sẽ đối mặt với áp lực mất giá không nhỏ. Đó cũng là lý do mà ngân hàng Thuỵ Sỹ UBS mới đây dự báo rằng giá vàng sẽ giảm về 1.600 USD/oz vào cuối năm.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia phân tích vẫn cho rằng việc dùng vàng để đa dạng hoá danh mục ở thời điểm này là cần thiết, xét tới việc cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine vẫn còn đó. “Chúng tôi tin sự giảm giá này của vàng là quá sớm, vì xung đột vẫn có thể leo thang”, nhà phân tích Daniel Brieseman của Commerzbank phát biểu.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD chốt phiên ngày thứ Sáu ở ngưỡng 96,5 điểm, giảm hơn 0,6% so với phiên trước. Cả tuần, chỉ số tăng hơn 0,5%.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.460 đồng (mua vào) và 23.530 đồng (bán ra), tăng tương ứng 10 đồng và 30 đồng so với sáng qua.
Ngân hàng Vietcombank báo giá USD ở mức 22.680 đồng và 22.960 đồng, giảm 20 đồng so với sáng qua.