11:14 03/10/2012

Vay vốn JICA vá mặt cầu Thăng Long

Đinh Tịnh

Rất nhiều lần sửa chữa, vá víu, đến nay bề mặt cầu Thăng Long vẫn xuống cấp nghiêm trọng

ộ Giao thông Vận tải sẽ mời các chuyên gia hàng đầu trên thế giới để nghiên cứu, xem xét sửa chữa tổng thể toàn bộ mặt cầu Thăng Long.
ộ Giao thông Vận tải sẽ mời các chuyên gia hàng đầu trên thế giới để nghiên cứu, xem xét sửa chữa tổng thể toàn bộ mặt cầu Thăng Long.
Rất nhiều lần sửa chữa, vá víu, đến nay bề mặt cầu Thăng Long vẫn xuống cấp nghiêm trọng. Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét xin chủ trương sử dụng vốn vay của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để làm lại tổng thể mặt cầu Thăng Long.

Cuối năm 2009, bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xúc tiến sửa chữa toàn bộ mặt cầu Thăng Long. Đây là dự án có tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng nhưng lại “bất ngờ” được thực hiện chỉ định thầu. Sau 2 tháng thi công dự án đã về đích vào cuối tháng 12/2009.

Tuy nhiên, chưa kịp mừng thì mặt cầu đã xuống cấp nhanh chóng chỉ sau một thời gian ngắn. Liên tiếp những hình ảnh nứt, lồi lõm trên bề mặt cầu Thăng Long ngày càng dày đặc.

Thời điểm đó, Bộ Giao thông Vận tải thanh minh rằng do “thời tiết”, bởi tại một số thời điểm thi công nhiệt độ xuống thấp, cộng với gió mạnh làm cho nhiệt độ của một số mẻ bê tông nhựa SMA hạ nhanh hơn dự kiến.

Ngoài ra, tại thời điểm thi công, ban đêm có sương mù đậm đặc, mưa nhỏ gây khó khăn cho việc khống chế độ ẩm khi thi công, dẫn tới lớp bond coat không được hoạt hóa đầy đủ trong điều kiện nhiệt độ tiêu chuẩn (yêu cầu nhiệt độ lớn hơn 90oC) ở thời điểm lu lèn, cho nên không tạo được dính bám giữa lớp SMA và lớp Eliminator.

Bên cạnh đó, có một số tác nhân khác được nêu ra như: yếu tố độ rung động, biến dạng, độ bằng phẳng của mặt cầu do tác động của việc vừa thi công vừa khai thác, sự biến dạng của bản thép mặt cầu sau 20 năm, độ rỗng của hỗn hợp SMA... Cũng có ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau dẫn tới không bảo đảm tính dính bám, hình thành các vết nứt.

Để khắc phục tình trạng đó, từ tháng 3/2010 đến nay, mặt cầu Thăng Long đã trải qua rất nhiều đợt sửa chữa. Đợt 1 vào tháng 3/2010, tiếp sau đó là các đợt vào tháng 8/2010; tháng 1/2012; tháng 5/2012.

Mới đây nhất vào tháng 7-8/2012 nhà thầu Bảo Quân tiếp tục đợt sửa chữa lớn nhưng các vết nứt vẫn xuất hiện. Dư luận đặt cây hỏi, liệu có phải mặt cầu Thăng Long hỏng là do thời tiết trong quá trình thi công như Bộ Giao thông Vận tải đã nói trước đó? Tại sao qua 4 lần sửa chữa sau này khi thời tiết đã ấm lên mà vẫn xảy ra nứt, lún?

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường thừa nhận những thiếu sót trong chuyển giao công nghệ và khẳng định: đây là bài học sâu sắc về việc không lường trước được rủi ro khi áp dụng công nghệ mới. Ông Trường cũng chia sẻ mặt cầu Thăng Long là công trình có kết cấu rất phức tạp, hiện trên thế giới không có nhiều công trình loại này.

Tới đây, Bộ Giao thông Vận tải sẽ mời các chuyên gia hàng đầu trên thế giới để nghiên cứu, xem xét sửa chữa tổng thể toàn bộ mặt cầu Thăng Long. Ông Trường cũng cho biết: từ tháng 8/2012, công trình mới hết thời hạn bảo hành.

Về việc sửa chữa tổng thể mặt cầu Thăng Long, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Tổng cục vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn của Hiệp định vay lần 3 Dự án tín dụng ngành Giao thông Vận tải.

Đồng thời, đề nghị giao tư vấn Dự án Katahira & Engineers International (KEI) lập báo cáo nghiên cứu phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Hiện tại, các bên liên quan sẽ sử dụng vốn của Hiệp định vay lần 2 của Dự án, sau đó giao tư vấn KEI tiến hành nghiên cứu xác định nguyên nhân hư hỏng, đề xuất giải pháp công nghệ khắc phục.

Dự kiến, công tác khảo sát sẽ được triển khai ngay trong tháng 9 - 10/2012; việc nghiên cứu này sẽ ngốn khoảng 12,5 tỷ đồng. Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng khẳng định: việc sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long chỉ có thể tiến hành sau khi tuyến Nhật Tân - Nội Bài đã đưa vào khai thác (vào cuối 2014). Tới lúc đó, cầu Thăng Long tạm thời không sử dụng trong thời gian sửa chữa.

Phương án thực hiện cũng sẽ có 2 kịch bản, đó là nếu kết quả nghiên cứu cho thấy việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long không quá phức tạp, có thể sửa chữa trong thời gian ngắn, hoàn thành trước tháng 6/2016 thì JICA sẽ xem xét báo cáo Chính phủ Nhật Bản cho sử dụng vốn dư Dự án xây dựng đường vành đai 3 Hà Nội giai đoạn 2 (trong thời hạn còn hiệu lực giải ngân của hiệp định vay JICA đến tháng 6/2016).

Nếu kết quả nghiên cứu cho thấy việc sửa chữa phức tạp, JICA sẽ xem xét sử dụng vốn Hiệp định thứ 3 Dự án tín dụng ngành Giao thông Vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia như một hạng mục mới của Dự án tín dụng ngành Giao thông Vận tải cải tạo mạng lưới đường quốc gia.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)