16:13 17/03/2023

VBF 2023: Doanh nghiệp phàn nàn về gánh nặng thủ tục hành chính trong kinh doanh bán lẻ, bất động sản

Ánh Tuyết

Dù hành lang pháp lý đầu tư kinh doanh có nhiều cải thiện và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận nhưng nhiều bộ, ngành còn gây khó dễ, gây gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Có thể kể đến vướng mắc trong kinh doanh bán lẻ hay việc phát triển dự án bất động sản tại Việt Nam kéo dài, thậm chí hơn 5 năm...

Doanh nghiệp phàn nàn về tình trạng nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp trong nhiều ngành, nghề, lĩnh vực.
Doanh nghiệp phàn nàn về tình trạng nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp trong nhiều ngành, nghề, lĩnh vực.

Ngày 17/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2023 (VBF 2023), phiên hội thảo kỹ thuật đã khai mạc tại Hà Nội. Những ý kiến, khuyến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp, phản hồi từ đại diện các bộ, ngành của Chính phủ Việt Nam chính là dữ liệu quan trọng cho báo cáo tại phiên cao cấp VBF 2023 diễn ra vào ngày 19/3. Theo Ban tổ chức, phiên cao cấp VBF 2023 có chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh".

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính quốc tế đồng tổ chức.

TẠO ĐIỀU KIỆN CHO DOANH NGHIỆP, HƯỚNG ĐẾN TĂNG TRƯỞNG XANH

Phát biểu khai mạc tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là một trong những trọng tâm của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Là một nước có trách nhiệm cộng đồng, Việt Nam đã tiếp cận với mô hình tăng trưởng xanh từ sớm. Cụ thể, từ năm 2012, Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn đến năm 2050. Quốc hội cũng ban hành nền tảng pháp luật, trong đó, sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp lý để tạo nền tảng cho phát triển tăng trưởng xanh, khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh. Trong đó, nhiệm vụ và hành động được xây dựng trên cơ sở lựa chọn tăng trưởng xanh cao, tính đến các giải pháp khả thi về kỹ thuật, có tính khả thi và phù hợp năng lực, đồng thời, có khả năng thực hiện và đẩy mạnh triển khai các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, thay vì chỉ tính đến các giải pháp có tính khả thi về kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững.

Điểm mấu chốt của chiến lược là cân bằng và hài hòa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với phát triển xã hội, hướng tới phát triển bền vững.

Thông điệp xuyên suốt của chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia cũng được nêu rõ, trên tinh thần đó, các bộ, ngành tích cực triển khai tăng trưởng xanh trong phạm vi nhiệm vụ để sửa đổi các nội dung pháp lý theo định hướng tạo điều kiện huy động tài chính, nguồn lực cho tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, phát thải cacbon thấp.

Cũng theo bà Ngọc, Việt Nam là quốc gia đang phát triển với nguồn lực hạn chế, nhưng đã có bước đi sớm trong quá trình này. Tuy nhiên, nguồn lực thực hiện cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam, cần có sự đồng hành của khu vực doanh nghiệp. Nguồn lực công - tư, khung khổ pháp lý, sự tham gia của khu vực công mở với mức độ như thế nào để đóng vai trò quan trọng thu hút đầu tư.

"Với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh" của VBF năm nay, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp những thông tin hữu ích và lắng nghe ý kiến thẳng thắn, kinh nghiệm thực tế, phản ánh trực diện những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Để từ đó, cộng đồng doanh nghiệp, cùng cơ quan quản lý cùng chung tay tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và doanh nghiệp phát triển", Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.

CÒN “GÁNH NẶNG" THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tại phiên họp, đại diện các bộ khẳng định hành lang pháp lý về đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận đánh giá cao.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi pháp luật cũng còn những vấn đề phát sinh, các bộ, ngành chức năng sẽ tiếp thu, tổng hợp, nghiên cứu đầy đủ các ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thuận lợi, thông thoáng hơn.

Chia sẻ tại phiên họp, ông Trần Anh Đức, Nhóm Công tác đầu tư và thương mại, cũng đánh giá cao nhiều điểm cải thiện tích cực trong cải thiện thủ tục liên quan đầu tư, đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, "vẫn còn một số quy định phức tạp, yêu cầu bản giấy trong khi các doanh nghiệp hiện nay hầu hết chuyển sang làm online", ông Đức nêu rõ bất cập.

Về thủ tục hành chính, theo ông Đức, nhiều doanh nghiệp đã có báo cáo phàn nàn về tình trạng nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp trong lĩnh vực như kinh doanh bán lẻ liên quan đến các sở Công Thương, Bộ Công Thương... Trong đó, nhiều thủ tục kéo dài, thậm chí hơn 6 tháng chưa được chấp thuận cấp phép. Vì vậy, cần cải tiến, chấp nhận thủ tục điện tử để giảm bớt chi phí hành chính cho doanh nghiệp.

Về các doanh nghiệp liên doanh, có nhiều doanh nghiệp liên doanh đã đến Việt Nam từ đầu thập niên 1990, đến nay, sau 30 năm hoạt động, nhiều doanh nghiệp cần được gia hạn. "Các doanh nghiệp mong có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp yên tâm được gia hạn dự án, hợp đồng kinh doanh. Thực hiện tốt điều này cũng khẳng định quan điểm của Việt Nam trong việc ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài", Trưởng nhóm Thương mại và Đầu tư VBF khẳng định

Về khung pháp lý với đất đai và bất động sản, ông Đức nêu rõ trong giai đoạn vừa qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, trong đó, có một phần nguyên nhân từ các vướng mắc về thủ tục.

 
Ông Trần Anh Đức, Nhóm Công tác đầu tư và thương mại VBF: "Có doanh nghiệp cho biết phải mất 3 - 5 năm, thậm chí hơn 5 năm để thực hiện xong hết thủ tục phát triển dự án bất động sản tại Việt Nam. Nhiều văn bản pháp lý có quy định chồng chéo gây khó khăn và kéo dài. Rất mong các cơ quan chức năng lắng nghe và tích cực tháo gỡ khó khăn, cải thiện pháp lý cho doanh nghiệp".
Ông Trần Anh Đức, Nhóm Công tác đầu tư và thương mại VBF: "Có doanh nghiệp cho biết phải mất 3 - 5 năm, thậm chí hơn 5 năm để thực hiện xong hết thủ tục phát triển dự án bất động sản tại Việt Nam. Nhiều văn bản pháp lý có quy định chồng chéo gây khó khăn và kéo dài. Rất mong các cơ quan chức năng lắng nghe và tích cực tháo gỡ khó khăn, cải thiện pháp lý cho doanh nghiệp".

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc ghi nhận các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp rất xác đáng, chạm vào những vấn đề mang tính cốt lõi, thực tiễn như đối với dự án hạ tầng các vấn đề hiện hữu hiện nay là bảo lãnh Chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ, áp dụng luật nước ngoài, chính sách đảm bảo đầu tư…

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh quan điểm rằng việc nâng cao năng lực cạnh tranh được Chính phủ Việt Nam xác định là chiến lược quốc gia. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã làm rất nhiều việc để thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục cho cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, giúp doanh nghiệp tham gia sâu rộng vào các hiệp định thế hệ mới, tạo sân chơi rộng mở hơn, năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Chính phủ cũng tập trung nguồn lực đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu để tăng cường kết nối, giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp… Mặc dù nguồn nhân lực còn bất cập nhưng Chính phủ Việt Nam cũng đã, đang có bước đi quan trọng để cải thiện.

Liên quan đến các vấn đề cụ thể được 6 nhóm công tác của VBF trao đổi tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nêu rõ với nhóm công tác môi trường, việc tiếp cận mới trong bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải chỉ là khâu nhỏ trong lộ trình thực hiện phát triển bền vững, đã đến lúc cần nghiên cứu quy định doanh nghiệp phải đáp ứng tỷ lệ tái chế nhất định…

Về nội dung với thuế tối thiểu toàn cầu, bà Ngọc khẳng định Chính phủ Việt Nam ủng hộ và sẽ có những bước đi thiết thực, hiệu quả. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác để nghiên cứu vấn đề này, dự kiến tuần tới sẽ tổ chức tọa đàm thảo luận lấy ý kiến các chuyên gia để có bức tranh tổng thể.

 

Sau 25 năm, VBF đã thực hiện rất hiệu quả vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan nhà nước. Phiên họp kỹ thuật đi sát vào những vấn đề vướng mắc cụ thể, tách biệt đâu là vấn đề thực thi, nếu ở thực thi thì nêu rõ vướng ở cấp nào, cơ quan cụ thể nào, từ đó có những khuyến nghị sát, chuẩn bị tốt nhất cho phiên cấp cao.