15:32 25/07/2019

Về An Giang nhớ nếm thử món tung lò mò

Băng Hảo

Châu Đốc ở An Giang không chỉ nổi tiếng bởi núi Sam, miếu Bà Chúa Xứ… mà còn nức tiếng với những món ăn truyền thống đặc sắc của người Chăm.


Thoạt nhìn, tung lò mò có vẻ giống như món lạp xưởng của người Kinh và người Hoa, nhưng hương vị lại rất khác biệt. Tung lò mò được người Việt quanh vùng Châu Đốc đọc chệch từ tiếng Chăm là "tung lamaow" nghĩa là ruột bò. Người Chăm Islam Châu Đốc kiêng cữ thịt heo nên thịt bò là món ăn chủ yếu và phổ biến trong các dịp lễ theo nghi thức tôn giáo.Vào đến khu vực người Chăm sinh sống ở Châu Đốc, bạn sẽ thấy trước sân nhà nào cũng phơi đầy những "dây cuộn" dài màu đỏ thẫm trên những cây sào hay sạp gỗ tre. Đó chính là món tung lò mò nổi tiếng của người Chăm. Tung lò mò có hai loại, loại chua và không chua. Loại chua được bỏ thêm cơm để tạo hèm cho vị chua nhẹ nên có mùi và vị rất lạ miệng. Loại không chua dành cho những người không quen khẩu vị.
Về An Giang nhớ nếm thử món tung lò mò - Ảnh 1.
Về An Giang nhớ nếm thử món tung lò mò - Ảnh 2.
Món tung lò mò được thực hiện một cách tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu cho đến cách chế biến. Để làm ra món tung lò mò theo đúng gốc của người Chăm, người ta phải dùng những phần thịt tận thu (thu cho kì hết, không bỏ sót hoặc để lãng phí) của con bò như thịt vụn dính trên xương, mỡ bò, ruột bò. Tuy nhiên, nếu muốn được tung lò mò ngon nhất vẫn phải chọn lấy miếng thịt bò chất lượng từ đùi, bắp hoặc thịt nạc lóc từ xương bò.Sau khi chọn được nguyên liệu thì dùng rượu và gừng để khử mùi cho thịt bò. Sau đó, loại bỏ hết gân bò còn thịt thì xắt nhuyễn ra hoặc đem xay nhỏ. Khi làm tung lò mò, thịt và mỡ bò phải được chia theo tỷ lệ hai phần thịt và một phần mỡ. Mỡ bò dùng làm lạp xưởng phải là loại mỡ sa, mỡ chày vừa mỏng, vừa không nặng mùi.Để làm món ăn này, người ta sử dụng ruột bò làm bao bên ngoài. Ruột bò được lộn bề trái, cạo, rửa nước muối thật sạch rồi lộn lại, phơi hơi se. Gia vị để chế biến gồm tiêu, tỏi, cơm nguội và vài nguyên liệu truyền thống bí truyền của người Chăm. Đợi thịt thấm đều thì dồn vào ruột bò, thắt từng khúc dài khoảng 3 đốt tay, tròn cỡ ngón chân cái, phơi trước sân chừng 3 nắng là có thể dùng được.
Về An Giang nhớ nếm thử món tung lò mò - Ảnh 3.
Theo truyền thống, người Chăm thường nướng hoặc hấp tung lò mò. Sau khi phơi xong, lạp xường bò được cắt khoanh nhỏ để lên vỉ, nướng trên bếp than. Khi từng khoanh tung lò mò được nướng lên thì lớp ruột bò bên ngoài căng cứng và rịn ra một lớp mỡ bóng và ướt, cùng một mùi thơm ngất ngây kích thích vị giác. Đặc sản này thường được ăn kèm với dưa chua, rau, chuối sống. Ngoài ra, có thể dùng tung lò mò với rượu thốt nốt.Tung lò mò được cắt khoanh nhỏ để lên vỉ, nướng trên bếp than, hương thơm tỏa ngào ngạt. Cắt nhỏ miếng tung lò mò rồi gắp một miếng đang nóng hổi chấm với nước tương, bạn sẽ cảm nhận được đủ dư vị lạ trong miệng: vị chua nhẹ của lạp xưởng đến vị ngọt mặn, cay của tiêu, mùi thơm của thịt bò nướng, vị béo bùi của mỡ bò... tạo nên một hương vị độc đáo cứ lan tỏa trên đầu lưỡi.
Về An Giang nhớ nếm thử món tung lò mò - Ảnh 4.
Về An Giang nhớ nếm thử món tung lò mò - Ảnh 5.
Ngoài tung lò mò thì đến Châu Đốc cũng không nên bỏ qua món bún cá Long Xuyên, mắm Châu Đốc, gỏi sầu đâu, bò cạp chiên giòn, bánh bò đường thốt nốt hay các món chế biến từ thịt bò tơ nguyên con vùng Bảy Núi…