09:09 27/02/2023

Vì đâu tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu tại Thanh Hóa chỉ đạt 1,08%?

Thiên Anh

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, năm 2022 trên địa bàn tỉnh này đã thực hiện tổng cộng 8080 gói thầu, bao gồm cả các gói thầu mua sắm, sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên. Đáng chú ý, tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu chỉ đạt 1,08%...

Trụ sở Sở KH&ĐT Thanh Hóa
Trụ sở Sở KH&ĐT Thanh Hóa

Theo thống kê, tổng số lượng các gói thầu đấu qua mạng tại Thanh Hóa là: 1.686 gói thầu, đạt tỷ lệ 99% tổng số các gói thầu đấu thầu rộng rãi và chào hàng cạnh tranh; theo số liệu báo cáo của các đơn vị, tỷ lệ đấu thầu qua mạng đối với các gói thầu thuộc hạn mức đấu thầu qua mạng đạt 100%.

NHIỀU VI PHẠM THẦU BỊ XỬ LÝ

Với 8080 gói thầu lớn nhỏ, tổng giá trị các gói thầu 15.802.113 triệu đồng, tổng giá trị trúng thầu 15.631.559 triệu đồng, giảm 170.554 triệu đồng, tương ứng tỷ lệ 1,08%.

Trong đó, phân loại theo lĩnh vực đấu thầu, gồm: 202 gói phi tư vấn; 5.492 gói tư vấn; 162 gói mua sắm hàng hóa; 2.223 gói xây lắp và 01 gói hỗn hợp.

Phân loại theo hình thức lựa chọn nhà thầu, gồm: 1.223 gói đấu thầu rộng rãi; 01 gói thầu đấu hạn chế; 6.263 gói chỉ định thầu; 479 gói chào hàng cạnh tranh; 07 gói mua sắm trực tiếp; 105 gói tự thực hiện; 02 gói thầu lựa chọn trong trường hợp đặc biệt; không có gói thầu có sự tham gia của cộng đồng.

Theo phân loại dự án, gồm: 12 gói thuộc dự án nhóm A; 467 gói thuộc dự án nhóm B; 7.295 gói thuộc dự án nhóm C; 306 gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên; 01 gói thầu mua sắm tập trung.

Các thông tin về đấu thầu (như thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu; thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng, kết quả lựa chọn nhà thầu; kết quả mở thầu đối với đấu thầu qua mạng…) đều được chủ đầu tư, bên mời thầu đăng tải thông tin trên Báo Đấu thầu hoặc Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đấu thầu. Tuy nhiên, còn có một số chủ đầu tư đăng tải thông tin về kết quả lựa chọn nhà thầu chưa đảm bảo về thời gian theo quy định.

Số gói thầu đấu thầu qua mạng bị hủy thầu là 17 gói thầu. Lý do hủy thầu do không có nhà thầu tham dự thầu hoặc không có hồ sơ tham dự thầu đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu được thực hiện đảm bảo về trình tự, thủ tục theo quy định; đấu thầu qua mạng từng bước tạo lập môi trường đấu thầu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ đầu tư, bên mời thầu đăng tải thông tin về đấu thầu chậm so với quy định hoặc đăng tải thiếu thông tin; việc phê duyệt hồ sơ mời thầu một số gói thầu chưa đầy đủ nội dung, hoặc đưa một số tiêu chí quá cao so với yêu cầu dự án; còn hiện tượng đánh giá hồ sơ đề xuất, hồ sơ dự thầu mang tính chủ quan, máy móc; một số nhà thầu kê khai chưa trung thực trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất.

Qua thanh tra, kiểm tra, đã xử lý vi phạm 06 tổ chức, 03 cá nhân; phạt vi phạm hành chính 04 tổ chức; kiến nghị cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với 01 tổ chức và 03 cá nhân.

Cụ thể, xử phạt vi phạm hành chính 04 tổ chức với số tiền là 65 triệu đồng, kiến nghị Chủ tịch UBND huyện cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 năm đến 05 năm đối với 01 tổ chức, 03 cá nhân; 01 nhà thầu bị Chủ tịch UBND tỉnh xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu (nhà thầu thi công) với hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian 03 năm (Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng công trình giao thông Hà Nam và Công ty Cổ phần xây dựng Hồng Hải). 

Ngoài ra, một số đơn vị, trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký kết thực hiện hợp đồng, đã tiến hành giải quyết 12 kiến nghị và xử lý vi phạm trong đấu thầu.

TỶ LỆ TIẾT KIỆM SAU ĐẤU THẦU CHỈ ĐẠT 1,08%

Về nguyên nhân tiết kiếm sau đấu thầu có xu hướng giảm, đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho rằng, năm 2022, giá cả nguyên vật liệu đầu vào của ngành xây dựng tăng cao, chi phí nhân công xây dựng cũng tăng trong bối cảnh thiếu nhân lực trong và sau dịch Covid-19.

Trong khi đó, các đơn giá định mức công việc, nhân công của Nhà nước chưa kịp điều chỉnh. Do chi phí tăng mạnh, nên tại thời điểm dự thầu, nhà thầu ít khi giảm giá chào thầu. Thậm chí, có tình trạng gói thầu phải đấu thầu nhiều lần mới chọn được nhà thầu vì giá dự thầu vượt xa giá gói thầu. Mỗi lần đấu thầu lại, chủ đầu tư phải điều chỉnh tăng giá gói thầu cho sát với thị trường.

Nguyên nhân nữa khiến tỷ lệ tiết kiệm đi xuống là tỷ lệ cạnh tranh trong đấu thầu thấp, đặc biệt là ở các gói thầu xây lắp. Kết quả khảo sát trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ghi nhận khá phổ biến tình trạng đấu thầu thiếu tính cạnh tranh, mỗi gói thầu xây lắp chỉ có 1 nhà thầu tham gia đấu thầu và trúng thầu.

Ngoài ra, năm 2022 xảy ra việc khởi tố, xử lý kỷ luật nhiều cá nhân, tổ chức làm công tác đấu thầu nên các chủ đầu tư có xu hướng làm “chặt” dự toán gói thầu, khi xây dựng đơn giá, định mức đều có xu hướng lấy mức thấp trong khoảng giới hạn cho phép của cơ quan chức năng. Do đó, khi đưa ra tổ chức đấu thầu, nhà thầu khó lòng giảm giá sâu so với dự toán được phê duyệt.

Bên cạch đó, vẫn còn hiện tượng nhà thầu bỏ giá thấp bị đơn vị tư vấn chấm trượt, đơn vị bỏ giá cao được lựa chọn vì nhiều lý do khác nhau, trong đó chủ yếu do các yếu tố về kỹ thuật, kinh nghiệm và nhân sự.

Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu năm 2022 tại Thanh Hóa không cao.