10:42 17/11/2008

Vì sao đô thị mới Hà Nội ngập lụt?

Từ Nguyên

Nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ bình luận về nguyên nhân ngập lụt tại các khu đô thị mới của Hà Nội

GS. Đặng Hùng Võ
GS. Đặng Hùng Võ
Trận mưa lịch sử ở Hà Nội vừa qua đã cho thấy, thành phố sẽ còn nhiều việc phải làm, chứ không hẳn chỉ là chuyện nâng công suất trạm bơm thoát nước.

Mưa trong vòng ba ngày đêm liên tục, ấy vậy mà phần lớn các khu đô thị, các đường phố cũ của Hà Nội không bị ảnh hưởng úng ngập bao nhiêu. Trong khi đó, hầu hết các khu đô thị của thành phố mới được xây dựng trong vòng chục năm trở lại đây lại rơi vào tình trạng “biển nước”. Vậy nguyên nhân là từ đâu?

VnEconomy đã trao đổi với GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, một chuyên gia hàng đầu về vấn đề đất đai, đô thị để có thể phần nào thấy được nguyên nhân của ngập lụt tại các khu đô thị mới của Hà Nội.

Ông Đặng Hùng Võ nói:

- Trận lụt lịch sử của Hà Nội vừa qua cho thấy, việc đặt ra một độ cao chuẩn của thành phố để các công trình xây dựng phải có nền cao hơn độ cao đó, bảo đảm tránh được ngập lụt kể cả khi gặp phải trường hợp xấu nhất là hết sức cần thiết.

Vấn đề xác định một độ cao chuẩn cho thành phố đã được Tp.HCM đã xem xét rất nhiều lần, thì ngược lại, các cơ quan chức năng của Hà Nội lại chưa một lần bàn đến vấn đề này.

Chính vì vậy, qua trận mưa liên tục trong ba ngày liền khiến nhiều khu, đặc biệt là những khu dân cư mới của thành phố ngập lụt nặng thì các cơ quan chức năng cũng như người dân Thủ đô mới nhận ra một điều, trước đây họ không thể hình dung là Hà Nội lại có thể ngập đến thế.

Cũng chính vì vậy mà sau trận lụt, nhiều người cũng cho rằng, Hà Nội cũng nên có một cốt chuẩn để làm cơ sở khi xây dựng các khu dân cư, dịch vụ… vượt quá cốt chuẩn đó mới đảm bảo không bị ngập lụt.

Hiện nay, tất cả các tỉnh, thành trên cả nước đều có bản đồ địa hình chi tiết (về độ cao) và cũng có số liệu đo đạc thủy văn chi tiết (mức nước theo mùa). Riêng Hà Nội và Tp.HCM đã có bản đồ địa hình tỷ lệ 1/500.

Như vậy, độ cao của từng khu vực, từng đường phố, độ dốc… là đều đã có đầy đủ. Vấn đề là khi quy hoạch thì phải tính độ cao đến mức an toàn, trong trường hợp bị lũ xấu nhất thì cũng không để người dân bị ngập lụt. Tất nhiên, độ cao chuẩn được xác định kết hợp với giải pháp thoát nước của thành phố.

Một điểm cần phải lưu ý, trong khi các khu dân cư cũ của Hà Nội hầu như không bị ảnh hưởng của ngập lụt, thì hầu hết các khu đô thị mới của Hà Nội lại bị ngập nặng. Như vậy là trong quy hoạch Thăng Long, Đông Đô cũ, các tiền nhân đã tính toán rất kỹ điểm này.

Điều này đã cho thấy, trong quá trình phát triển đô thị gần đây, chúng ta chưa tính đến việc nên bày đặt khu dân cư vào đâu cho khỏi bị lụt. Những chỗ có thể bị ngập thì phải tôn cao nền kết hợp với giải pháp thoát nước hợp lý, nếu không bảo đảm điều kiện này thì chỉ nên quy hoạch vào những khu đất có nền tự nhiên cao hơn, không thể thiếu yếu tố này mà lại để người dân chịu ngập lụt.

Thứ nữa, cần phải nói thêm vấn đề xây dựng hạ tầng thoát nước của đô thị phải tính toán đủ cho tình trạng ngập lụt xấu nhất. Ở các nước, giá nhà chung cao là bởi vì công trình hạ tầng của họ rất tốn kém, tức là họ bảo đảm không bao giờ có cảnh rủi ro do ngập lụt, mất nước, mất điện… Ở ta, nhiều nhà đầu tư chỉ tính tới diện tích nhiều, xây dựng nhanh, tốn kém ít để làm ra cho mình nhiều lợi nhuận.

Tiếp theo, công nghệ, kỹ thuật xây dựng cũng cần phải được tính đến sao cho dù mưa liên tục cũng không ảnh hưởng tới đời sống cư dân. Không thể có tình trạng xây dựng các tầng ngầm dưới đất để rồi khi mưa lớn thì trở thành bể chứa nước, hàng trăm ôtô ở đó phải chịu ngâm nước trong tầng hầm.

Nhưng khi xây dựng một khu đô thị thì chắc là cơ quan quản lý phải có quy định đối với chủ đầu tư về độ cao cốt nền, thưa ông?

Độ cao an toàn là một yếu tố phải tính đến ngay từ quy hoạch đô thị, sau đó cần được xét duyệt cụ thể cho từng công trình xây dựng kết hợp với giải pháp thoát nước.

Trong các quy định của ta, có tiêu chuẩn về độ cao nhưng chủ yếu là xem xét tới việc phù hợp với cảnh quan đô thị là chính. Một độ cao an toàn tránh ngập lụt dường như vẫn chưa được đề cập thật tấu đáo. Tp.HCM bị ngập lụt nhiều, chính quyền thành phố đã nhiều lần thảo luận, bàn bạc đến một cốt chuẩn cho thành phố nhưng rồi vẫn chưa xác định được cốt chuẩn đó là bao nhiêu.

Vậy, vì sao đến thời điểm này vẫn chưa có một tiêu chuẩn nào cho các khu đô thị về độ cao san nền?

Phải nói là chúng ta chưa quan tâm nhiều tới công tác điều tra cơ bản và sử dụng các số liệu điều tra cơ bản vào quản lý. Đây là một thiếu sót trong nghiệp vụ quản lý, chưa quan tâm tới những tình huống xấu nhất có thể xẩy ra do tác động của các tai biến thiên nhiên.

Khi quy hoạch các đô thị, khu dân cư, chưa đặt được ra những tiêu chuẩn có liên quan tới bão, lũ, lụt, động đất... Chính vì vậy, thật vô lý khi ngập lụt xảy ra thì lại đổ cho các trạm bơm đã quá tải. Giải pháp phải đồng bộ, khả năng ngập lụt xấu nhất phải gắn với giải pháp thoát nước của toàn thành phố và từng khu vực.

Ông nói như vậy có nghĩa là dù sao thì trách nhiệm vẫn thuộc về các cơ quan quản lý, thưa ông?

Đúng vậy, dù lỗi ở đâu thì các cơ quan quản lý, người quản lý đều phải chịu trách nhiệm. Bởi đơn giản, dù ngay trong trường hợp lỗi thuộc chủ đầu tư, có ăn bớt độ cao khi san nền thì cơ quan quản lý phải thực hiện công tác kiểm tra thường xuyên để phát hiện và uốn nắn kịp thời.
 
Độ cao san nền chắc chắn có "vấn đề"

Hiện có ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến các khu đô thị mới bị ngập là còn do các chủ đầu tư ăn bớt độ cao san nền khi thi công, thưa ông?

Hiện nay, chưa có số liệu điều tra về vấn đề này nên cũng chưa thể khẳng định là khu nào đúng với độ cao được duyệt, khu nào bị ăn bớt độ cao.

Tuy nhiên, nếu điều tra thì chắc chắn chúng ta sẽ tìm được độ cao được duyệt là bao nhiêu và độ cao thực hiện là bao nhiêu, người duyệt có làm đúng hay không, hay là do chủ đầu tư không thực hiện đúng bản đã duyệt.

Nhưng có thể thấy rõ một điều là rất nhiều khu đô thị mới đã phải chịu cảnh úng ngập thì chắc chắn sẽ có lỗi về độ cao san nền, vấn đề là lỗi đó thuộc về hoặc người ban hành quy định, hay người duyệt thiết kế, hoặc chủ đầu tư thực hiện.

Đối với nhà đầu tư ăn xổi thì người ta chỉ tính đến lợi nhuận nên họ sẽ không bao giờ tính đến kịch bản khi ngập lụt nặng xẩy ra. Còn nhà đầu tư nghiêm túc thì không những họ sẽ không ăn bớt độ san nền mà họ còn phải tính kỹ cao trình mặt nền của khu đó là bao nhiêu, mực nước lụt cao nhất của khu đấy là bao nhiêu, giải pháp thoát nước thế nào để có căn cứ san nền, bảo đảm quyền lợi của người dân.

Nhưng nếu phát hiện ra chủ đẩu tư ăn bớt độ san nền thì người dân có thể kiện được không ông?

Tất nhiên là có thể kiện nếu phát hiện được chủ đầu tư ăn bớt so với thiết kế được duyệt. Nếu chủ đầu tư không ăn bớt gì thì cũng khó kiện khi trong hợp đồng mua nhà ở trước đây không ghi điều khoản gì về những rủi ro có thể trong tương lai.

Thường người dân không thông thạo về pháp luật hợp đồng nên không mấy ai để ý tới đến điều khoản dài dòng này. Một nhẽ khác, thiếu nguồn cung về nhà nên chen chân mua được là tốt rồi, thêm nhiều điều khoản phức tạp vào hợp đồng thì khó mà mua được. Người mua nhà ở tại nước ta vẫn bị thiệt thòi như vậy.

Nhưng với khá nhiều khu đô thị mới bị ngập lụt nặng thì ông có quan điểm như thế nào về tính “nghiêm túc” của chủ đầu tư trong việc đảm bảo cốt nền của các khu đô thị?

Đợt mưa vừa rồi là một bài học lớn để chúng ta thực hiện tổng rà soát lại các khâu quản lý đô thị, từ khâu điều tra cơ bản, xây dựng quy hoạch và phê duyệt quy hoạch các cấp, các ngành, tới khâu phê duyệt cho từng dự án xây dựng, quy trình giám sát thi công và kiểm tra thực hiện đối với chủ đầu tư... Nhiều tiêu chí phát triển đô thị phải tính toán lại trong mối quan hệ với sự tác động của tự nhiên, môi trường, xã hội, và gắn với các tiến bộ công nghệ trong xây dựng.

Một trong các tiêu chí cần đề cập tới là xác định độ cao chuẩn của các công trình xây dựng trong đô thị nhằm bảo đảm an toàn khi lụt xấu nhất xẩy ra gắn với giải pháp thoát nước cho toàn thành phố và mạng thoát nước cho từng khu vực.

Đối với nhà đầu tư, họ là người kinh doanh, họ không làm trái pháp luật là được. Khi cốt nền đã được duyệt mà họ làm đúng tức là họ không sai. Còn đối với những chủ đầu tư nào cố tình làm sai cốt đã được duyệt thì cơ quan chức năng phải có trách nhiệm phát hiện, xử lý.

Nhưng nhiều chủ đầu tư cho rằng: khu đô thị của họ không dám tôn cao vì sợ các khu dân cư xung quanh ngập lụt, thưa ông?

Khu đô thị của một nhà đầu tư nào đó và các khu dân cư xung quanh đều nằm trong tổng thể quy hoạch của thành phố. Quy hoạch phải bảo đảm không khu nào bị ngập lụt cả. Quy hoạch về độ cao nền được duyệt thì cứ vậy mà làm, có gì mà phải lo "xa" đến vậy. Độ cao nền duyệt sai thì người quản lý phải chịu trách nhiệm.