Vì sao Đồng Nai giải ngân vốn đầu tư công quá thấp?
Tính đến ngày 22-9, trong tổng vốn đầu tư công hơn 14.700 tỷ đồng của năm 2023, Đồng Nai mới chỉ giải ngân được gần 4.000 tỷ đồng, đạt hơn 27% kế hoạch. Đây là tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước...
Ngày 28-9, ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư để nghe báo cáo tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh này trong 9 tháng đầu năm 2023.
Theo Sở Kế hoạch đầu tư Đồng Nai, tính đến ngày 22-9, trong tổng vốn đầu tư công hơn 14.700 tỷ đồng của năm 2023, Đồng Nai mới chỉ giải ngân được gần 4.000 tỷ đồng, đạt hơn 27% kế hoạch. Đây là tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước.
Trong đó, đối với nguồn vốn do UBND tỉnh giao kế hoạch có 22 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đạt thấp, dưới tỷ lệ bình quân chung của Đồng Nai. Hiện nay vẫn còn 4 đơn vị được giao vốn từ đầu năm và 2 đơn vị được giao bổ sung vốn vào tháng 8-2023 chưa giải ngân được nguồn vốn. Đối với nguồn vốn do UBND huyện giao chỉ tiêu kế hoạch, có 5 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, dưới mức bình quân chung của cấp huyện.
Nguyên nhân dẫn đến việc tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt thấp thời gian qua chủ yếu do các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; xác định giá đất cụ thể, năng lực của các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công còn hạn chế.
Tại buổi làm việc, ông Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, đánh giá, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm là quá thấp. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, kéo theo đó là hệ quả về kinh tế rất lớn.
Chính vì vậy, từ nay đến cuối năm phải tập trung, quyết liệt thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công. Sở Kế hoạch đầu tư Đồng Nai tổng hợp, có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để kiến nghị, bổ sung sửa đổi các luật nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Võ Tấn Đức Quyền, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, yêu cầu các địa phương trong thời gian còn lại của năm 2023 phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng. Rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy, con người thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng quy trình phối hợp theo hướng chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ. Thành lập các tổ vận động bàn giao mặt bằng để làm công tác vận động người dân bàn giao mặt bằng. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm chính đối với tiến độ công tác giải phóng mặt bằng các dự án.
Các chủ đầu tư, các sở ngành và địa phương phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đẩy nhanh thời gian hoàn thành các thủ tục liên quan. Từ đó, nâng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.