Vì sao phải cấm bán tôm hùm đất?
Việc kiểm soát tôm hùm đất hiện nay gặp khó khăn vì thường được nhập qua đường tiểu ngạch, đặc biệt là tại khu vực giao thương biên giới với Trung Quốc.

Trong công văn hỏa tốc do Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường ký gửi các địa phương, Tổng cục Hải Quan, Tổng cục Quản lý thị trường mới đây, Bộ này cho biết, gần đây các phương tiện thông tin đại chúng phản án tình trạng tôm càng đỏ Cherax quadricarinatus (còn gọi là tôm hùm đất, tôm hùm baby, crawfish…) được đưa vào Việt Nam tiêu thụ làm thực phẩm tại một số địa phương.Trước khi được bày bán tràn lan như hiện nay, tôm hùm đất đã có thời gian là một món ăn gây "sốt", được nhiều người yêu thích. Tôm hùm đất có kích thước to hơn ngón tay, sau khi chế biến có màu đỏ rất bắt mắt, ăn có vị ngọt, dai giống tôm sú. Tuy không có thớ thịt dày như các loại tôm hùm khác, tôm hùm đất lại có ưu điểm là phần thịt bùi, độ đạm cao và có nhiều phần vỏ mềm nhai được nên ăn vừa ngon vừa vui miệng.


Đây là loài ngoại lai xâm hại, nằm trong Phụ lục 18 ban hành theo thông tư 35/2018 (ngày 28/12/2018) của Bộ TN&M, quy định tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại. Do vậy, việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm qui định pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản.Đây là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt dộng về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao. Vì là giống ăn tạp, nên tôm hùm đất có khả năng thích nghi tốt với môi trường, dẫn tới có thể phát tán mầm dịch bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng cho tôm cũng như một số loài ký sinh trùng.Nhằm bảo vệ môi trường và tránh tác dụng xấu đến sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương, các cơ quan liên quan, tổ chức kiểm tra vả xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật dổi với các trường hợp vi phạm. Khi phát hiện loài tôm càng đỏ bị phát tán ra môi trường, phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm này theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học. Cùng đó, cần tuyên truyền, phổ biến về tác hại của loài tôm càng đỏ đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp, ngăn chặn sự phát tán của loài này ra môi trường tự nhiên.
GS Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho rằng nếu không ngăn chặn kịp thời, tôm hùm đất sẽ trở thành "đại họa" cho nền nông nghiệp và hệ sinh thái. Thực tế là, tôm hùm đất từng được nuôi thử nghiệm tại tỉnh Phú Thọ năm 2012. Sau đó xác định đây là loài ngoại lai nguy hại, các nhà khoa học đề nghị không nhân giống phát triển. "Chúng ăn tất cả thủy sinh, cạnh tranh nguồn thức ăn với sinh vật bản địa. Những loài tôm, cá đặc trưng của Việt Nam có thể biến mất khi tôm hùm đất xâm lấn", GS Huỳnh nói.
