08:00 12/07/2023

Vì sao sinh viên “thờ ơ” với nông nghiệp

Chu Khôi

Trong các ngành nông lâm ngư nghiệp, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ trình độ sơ cấp trở lên mới chiếm tỷ lệ thấp, dưới 5%. Giai đoạn 2016-2022, số lượng học sinh, sinh viên đăng ký các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm hơn 30% so với giai đoạn 2011-2015…

Đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp đang chứng kiến sự suy giảm nhanh của số lượng học sinh, sinh viên theo học.
Đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp đang chứng kiến sự suy giảm nhanh của số lượng học sinh, sinh viên theo học.

Chủ trì “Hội nghị hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, ngày 11/7, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: "Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của ngành. Đây cũng là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các trường, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nông nghiệp".

SINH VIÊN, HỌC SINH NGÀNH NÔNG NGHIỆP SUY GIẢM VỀ SỐ LƯỢNG

Thông qua hội nghị này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn sẽ có nhiều thoả thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức và các cơ sở đào tạo tạo trong và ngoài Bộ. Với các mục tiêu: Kết nối nhu cầu tuyển dụng lao động giữa các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo; Hỗ trợ và khuyến khích sinh viên đăng ký học các ngành nông nghiệp, đặc biệt là các ngành khó tuyển sinh; Nâng cao chất lượng đào tạo; Đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của xã hội về cơ hội việc làm, cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh".
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh".

Báo cáo tại hội nghị, ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết đến nay trên cả nước có khoảng 50 cơ sở đào tạo đại học có đào tạo các chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiêp, thuỷ sản và thuỷ lợi. Riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 4 cơ sở đào tạo đại học và 28 trường cao đẳng.

 

Năm 2022, tỉ lệ số sinh viên đăng ký theo học các ngành nông lâm ngư nghiệp chiếm chưa đến 2% trong tổng số khoảng 520.000 sinh viên nhập học trên toàn quốc và có xu hướng tiếp tục giảm. Một số ngành như khoa học đất, khuyến nông, khai thác thủy sản, quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo; lâm sinh, lâm học, quản lý tài nguyên rừng… có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký theo học.

Trong thời gian qua, bằng các nguồn kinh phí khác nhau, các cơ sở đào tạo đã cố gắng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; đổi mới công tác tuyển dụng, thu hút, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên; rà soát, cập nhật và phát triển chương trình đào tạo, qua đó chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, đào tạo nhân lực ngành nông lâm ngư nghiệp đang phải chứng kiến suy giảm nhanh của số lượng học sinh, sinh viên theo học. Cụ thể, trình độ cao đẳng có xu hướng suy giảm từ 6.042 học sinh năm 2016 xuống còn 4.305 học sinh vào năm 2021. Một số trường đạt dưới 50% chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo so với số lượng chỉ tiêu đăng ký.

Thực tế, lao động ngắn hạn, lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ trình độ sơ cấp trở lên được đào tạo còn chiếm tỉ lệ thấp, dưới 5%. Tỷ lệ học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giai đoạn 2016-2021 giảm hơn 30% so với giai đoạn 2011-2015.

ĐÀO TẠO NHÂN LỰC ĐI ĐÚNG QUỸ ĐẠO THỊ TRƯỜNG

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Ngô Hồng Giang cho rằng một phần do thu nhập của lao động trong ngành nông, lâm và thuỷ sản còn thấp, chỉ bằng khoảng 50% so với các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa ảnh hưởng đến tâm lý đề cao những ngành phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, một số trường còn tư duy bao cấp, chưa chủ động đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu người học và thị trường lao động.

“Người học các ngành nông nghiệp chủ yếu là con, em nông dân sinh sống ở nông thôn, miền núi, vùng khó khăn. Cùng với đó, điều kiện làm việc trong ngành vất vả, vị thế kém hấp dẫn so với các ngành khác, thu nhập của lao động làm việc trong ngành rất thấp, chỉ bằng 39% trung bình cả nước”, ông Ngô Hồng Giang phân tích.

 

"Dù sinh viên học bất cứ ngành nào cũng phải bước vào đời sống xã hội nên các trường cần "mở rộng cửa" đưa xã hội vào trường học. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục làm việc với các trường, các doanh nghiệp để việc đào tạo nguồn nhân lực đi đúng quỹ đạo thị trường”.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nông lâm ngư nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản từ 4,6% năm 2020 lên 10% vào năm 2030.

Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ tuyển sinh bình quân hàng năm: 200 nghiên cứu sinh; 2.500 học viên cao học; 20.000 sinh viên đại học; 8.000 sinh viên cao đẳng, 20.000 học sinh trung cấp và 40.000 học sinh sơ cấp.

Để đạt được các mục tiêu này, thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Đó là, sắp xếp, kiện toàn hệ thống các trường, đổi mới nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành.

Đồng thời, triển khai thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và phối hợp thực hiện các chương trình dự án có liên quan của Bộ. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng Đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bên cạnh đó, nghiên cứu và mở rộng mô hình thí điểm đào tạo nhân lực nông nghiệp trình độ trung cấp trong các trường cao đẳng của Bộ theo mô hình Nhật Bản dành cho học sinh hết phổ thông cơ sở.

 
Vì sao sinh viên “thờ ơ” với nông nghiệp  - Ảnh 1

Trong khuôn khổ Hội nghị, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp tác với 10 doanh nghiệp hoạt động. Các doanh nghiệp cam kết bố trí lực lượng chuyên gia, cán bộ kỹ thuật giỏi tham gia đào tạo kỹ năng mềm, hỗ trợ khởi nghiệp hoặc hướng dẫn sinh viên.

Trong đó, ông  Vũ Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam cùng bà Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác nhằm mục tiêu phát huy tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu hợp tác để thúc đẩy sự phát triển của mỗi bên và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.

Theo Nội dung hợp tác, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam sẽ tiếp nhận sinh viên các ngành đào tạo phù hợp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam được tham quan, thực tập tại các cơ sở trực của Công ty. Hai bên hợp tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu xã hội nói chung, nhu cầu nguồn nhân lực của Công ty C.P nói riêng.

Hai bên phối hợp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng nghề nghiệp cho người học; đặt hàng mô hình đào tạo về kiến thức, kỹ năng người học cần có theo yêu cầu cụ thể phù hợp với đặc thù văn hóa, truyền thống kinh doanh của doanh nghiệp.

Công ty C.P cũng sẽ trao tặng học bổng tài trợ cho đối tượng là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập của Học viện nông nghiệp Việt Nam.