09:00 21/10/2011

Vì sao vàng “chạy” cùng chiều chứng khoán?

Diệp Anh

Giá vàng thế giới những phiên gần đây liên tục sụt giảm, chuyển động cùng chiều với các tài sản rủi ro khác như chứng khoán, dầu thô

Đêm qua (20/10), giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 34,1 USD xuống 1.612,9 USD/ounce.
Đêm qua (20/10), giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 34,1 USD xuống 1.612,9 USD/ounce.
Giá vàng thế giới những phiên gần đây liên tục sụt giảm, chuyển động cùng chiều với các tài sản rủi ro khác như chứng khoán, dầu thô, bất chấp châu Âu tiếp tục sa lầy vào cuộc khủng hoảng nợ và chưa biết tới ngày nào rút được chân ra.

Kết thúc phiên giao dịch đêm qua (20/10), giá vàng giao ngay giảm 1,9% xuống 1.610,09 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 34,1 USD xuống 1.612,9 USD/ounce. Như vậy, với 4 phiên giảm giá liên tục vừa qua, giá vàng đã bốc hơi 4%.

Mặc dù không giảm đồng loạt, nhưng phiên trồi sụt đêm qua cũng cho thấy sự bấp bênh của thị trường chứng khoán Mỹ. Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,32% lên 11.541,78 điểm. S&P 500 nhích 0,46%, lên 1.215,39 điểm. Ngược chiều, Nasdaq hạ 0,21%, xuống 2.598,62 điểm.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 11 giảm 81 xu, tương ứng 0,9%, xuống 85,30 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York. Đây là mức đóng cửa thấp nhất của dầu kỳ hạn trong khoảng 1 tuần. Trong phiên, có lúc giá dầu thô loại này rớt xuống 84,1 USD/thùng.

Lâu nay nhà đầu tư vẫn coi vàng là tài sản an toàn mỗi khi chứng khoán, dầu thô lao dốc do triển vọng kinh tế yếu kém, nên việc cả ba loại hàng hóa này diễn biến cùng chiều vài phiên liên tiếp vừa qua có thể coi là một điều lạ.

Giải thích nguyên nhân này, Hou Xinqiang, chuyên gia phân tích tại Jinrui Futures có trụ sở ở Trung Quốc nhận định, tất cả các hàng hóa hiện đều chịu áp lực giá xuống, do các nhà giao dịch trở nên bi quan về những gì đang diễn ra ở châu Âu.

Nhiều nhà phân tích kinh tế và hàng hóa khác cũng đồng thuận cho rằng, mối quan hệ đảo nghịch truyền thống giữa vàng và các tài sản rủi ro đang mai một dần. Hay nói cách khác, vàng đang giảm dần vai trò là "nơi trú ẩn an toàn" trong thời kỳ thị trường hỗn độn.

Cũng theo chuyên gia của Jinrui Futures, giá các hàng hóa có thể sẽ tiếp tục giảm trong thời gian ngắn hạn, khi bức tranh kinh tế vĩ mô vẫn u ám. Tuy nhiên, ông cho rằng, giá vàng sẽ tương đối vững hơn, bởi vai trò là một "nơi trú ẩn an toàn" của vàng vẫn được coi trọng.

Hôm qua, Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Âu, ra tuyên bố cho biết, lãnh đạo nước này và Đức sẽ có cuộc gặp vào tối 22/10 để chuẩn bị cho cuộc họp vào hôm sau. Tại cuộc họp ngày 23/10, các lãnh đạo châu Âu sẽ bàn thảo về giải pháp chữa trị khủng hoảng nợ.

Tuy nhiên, tuyên bố này lại nói rằng, việc thông qua gói giải pháp cứu trợ mới sẽ được tính đến tại một cuộc họp thượng đỉnh khác, dự kiến sẽ được tổ chức trong tuần kế tiếp với thời hạn muộn nhất là vào ngày 26/10 (thứ 4 tuần tới).

Tuyên bố của Pháp được đưa ra sau khi có tin cho biết, nước này và Đức đang bất đồng trong việc hoạch định phương cách giải cứu các ngân hàng trong khu vực tránh bị ảnh hưởng bởi tình trạng vỡ nợ của Hy Lạp, đồng thời không để xảy ra tình trạng đóng băng trên thị trường tín dụng tương tự năm 2008.

Những lo ngại cùng những câu hỏi chưa được giải đáp về nợ công châu Âu là nguyên nhân chính khiến các thị trường hàng hóa rủi ro như vàng, dầu, chứng khoán đêm qua chao đảo dữ dội. Nhà đầu tư lại một phen hoảng hốt, khi mà trước đó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo những nguy cơ khi sự dùng dằng này còn kéo dài.

Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick, khủng hoảng nợ châu Âu có thể lây lan sang các thị trường mới nổi hiện đang là động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Ông cũng nhấn mạnh ngân sách của các quốc gia nghèo vẫn đang trong quá trình phục hồi từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2009.

Ông cho rằng, hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu diễn ra vào ngày 23/10 cũng như cuộc họp của các nhà lãnh đạo G-20 tại Pháp vào tháng 11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để biết được liệu các hành động của châu Âu có đủ mạnh để hoàn thành cam kết, xoa dịu mối quan ngại của các thị trường về khu vực này.

Ông cho biết thêm, trước mắt châu Âu đang đối mặt với 3 thách thức lớn. Đó là việc tái cấp vốn cho các ngân hàng, giảm thâm hụt ngân sách tại các quốc gia căng thẳng về tài chính và giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp. Do đó, châu Âu cần sớm có quyết sách để thực hiện trong những tuần tới, bất kể những chính sách này được đưa ra là vì Mỹ hay các quốc gia đang phát triển.

Trong khi đó, cũng liên quan tới tài chính châu Âu, hôm qua cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) cảnh báo rằng, Pháp là một trong số các quốc gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể bị hạ xếp hạng tín nhiệm nếu kịch bản nền kinh tế rơi vào tình trạng căng thẳng xảy ra.

Ngoài Pháp, S&P còn cảnh báo Tây Ban Nha, Ireland và Bồ Đào Nha có thể bị hạ một hoặc 2 bậc xếp hạng tín nhiệm trong cả hai kịch bản xấu của tổ chức này. Trong kịch bản thứ nhất, kinh tế sẽ tăng trưởng chậm chạp và rơi vào suy thoái kép do đầu tư công nghiệp và niềm tin tiêu dùng sụt giảm, còn kịch bản thứ hai có thêm cú sốc lãi suất.

S&P cho biết trong báo cáo công bố hôm qua rằng, “thâm hụt ngân sách ngày càng phình to và chi phí tái cấp vốn ngân hàng có thể đẩy chi phí vay mượn tăng vọt trong cả hai kịch bản trên. Hậu quả là các điều kiện tín dụng sẽ giảm sút nghiêm trọng”.

Chuyển qua tình hình kinh tế Mỹ, mặc dù không thực sự sáng, nhưng các báo cáo công bố hôm qua cho thấy có tín hiệu đáng mừng về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất hành tinh. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số người thất nghiệp tuần qua đã giảm 6.000 người xuống 403.000.

Cùng ngày, tổ chức phi lợi nhuận Conference Board công bố các chỉ số kinh tế hàng đầu của Mỹ tăng 0,2% trong tháng 9, sau khi đã tăng 0,3% trong tháng 8. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ, doanh số nhà qua sử dụng trong tháng 9 của nước này giảm 3%.