18:25 08/02/2010

Việt Nam có thể kiện Mỹ ra WTO

Y Nhung

Việt Nam đã chính thức gửi tham vấn đối với việc áp dụng thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh của Bộ Thương mại Mỹ

Phải chịu mức thuế cao đã khiến tôm đông lạnh của Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng loại.
Phải chịu mức thuế cao đã khiến tôm đông lạnh của Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng loại.
Cho rằng Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã có những phán quyết thiếu công bằng đối với tôm đông lạnh của Việt Nam, thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã gửi yêu cầu tham vấn với DOC về việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm này.

Ông Trần Anh Sơn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết bản tham vấn đã được Việt Nam gửi đi vào đầu tháng 2 vừa qua.

Theo đó, trong vòng 60 ngày hai bên sẽ thảo luận để giải quyết vấn đề này. Nếu không đạt được thỏa thuận, Việt Nam sẽ được tự do đề nghị WTO thành lập một ủy ban giải quyết tranh chấp để phán quyết yêu cầu của mình.

Trước đó, trong quá trình tiến hành điều tra rà soát thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam, DOC đã ra những quyết định có dấu hiệu vi phạm hiệp định về chống bán phá giá của WTO, gây thiệt hại lớn cho ngành tôm Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân khiến Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có văn bản đề xuất Chính phủ khởi kiện DOC lên WTO.

Đại diện của VASEP cho biết, DOC đã áp dụng phương pháp “quy về không” (zeroing) để tính biên độ phá giá đối với sản phẩm tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam phải chịu thuế chống bán phá giá từ 4,13 - 25,76% khi đưa hàng vào thị trường này.

Trên thực tế khi Việt Nam xuất khẩu tôm vào Mỹ, giá tôm phụ thuộc vào cỡ tôm, cỡ càng to thì giá càng cao. Việt Nam phần lớn xuất tôm to, cho nên giá bình quân khá cao. Chính vì thế trước đây thuế suất của Hoa Kỳ áp dụng đối với sản phẩm này của Việt Nam là tương đối thấp, so với các nước khác.

Nhưng không phải lô tôm nào nước ta xuất sang Mỹ cũng đạt mức giá cao vì cũng có những lô tôm cỡ nhỏ nên giá phải  thấp hơn. Trong khi cách tính của DOC là lô nào giá cao hơn so với giá trung bình của cỡ tôm đó, họ bỏ qua không xem xét. Đối với những lô giá thấp hơn thì bị quy là bán phá giá. “Như vậy là không công bằng và  không theo các nguyên tắc của WTO”, đại diện VASEP cho hay.

Hơn nữa, quyết định của DOC đã làm cho các doanh nghiệp Việt Nam bị mất đi lợi thế cạnh tranh với các nước xuất khẩu tôm khác vào Mỹ như Thái Lan mức thuế là 3,18%, Ấn Độ là 1,6%...

Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia, cho biết đây là vụ việc đầu tiên liên quan đến việc kiện một nước ra WTO của Việt Nam, vì vậy các bước tiến hành phải rất thận trọng. "Phải nói rất rõ rằng trước khi quyết định tiến hành vụ kiện, các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã tính toán, phân tích rất kỹ các vấn đề liên quan và nhận thấy khả năng có kết quả tốt là lớn nên chúng ta mới tiến hành", ông nói.