14:47 24/02/2023

Việt Nam có triển vọng sản xuất hydrogen xanh

Chương Phượng

Nghiên cứu dựa trên tính toán các nhà máy điện mặt trời và điện gió, Viện Năng lượng Việt Nam và UNDP dự tính Việt Nam có triển vọng sản xuất được ít nhất 11,49 triệu tấn hydrogen xanh trong năm 2030, và đến năm 2050 có thể lên đến 18,78 triệu tấn…

Phối cảnh nhà máy điện phân TGS Green Hydrogen.
Phối cảnh nhà máy điện phân TGS Green Hydrogen.

Ngày 23/2/2023 tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Viện Năng lượng tổ chức Hội thảo tham vấn Đánh giá tổng thể về sản xuất hydro xanh từ các nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió và tiềm năng sử dụng ở Việt Nam.

TIỀM NĂNG SẢN XUẤT HÀNG CHỤC TRIỆU TẤN HYDROGEN XANH

Ông Lê Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho biết UNDP và Viện Năng lượng đã và đang triển khai đề tài nghiên cứu chung tiềm năng sản xuất hydro xanh ở 2 vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Khu vực Tây Nam Bộ, tiềm năng giảm phát thải CO2 khi sử dụng hydro xanh đến năm 2050 cho lĩnh vực năng lượng.  

Trong nghiên cứu chung của UNDP và Viện Năng lượng đã có các bước sơ bộ để đánh giá vai trò tiềm năng của sản xuất hydrogen xanh từ điện phân nước, ứng dụng của hydrogen xanh nhằm giảm phát thải nhà kính trên diện rộng và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh tại Việt Nam.

Việt Nam có triển vọng sản xuất hydrogen xanh  - Ảnh 1

Việt Nam đã cam kết cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực cho mục tiêu đảm bảo giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,50C tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) là giảm phát thải ròng carbon của quốc gia về 0 vào năm 2050. Cam kết này được thống nhất trong chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thông qua nội dung các nghị quyết, luật, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch.

 

"Hydro xanh và những dẫn xuất của hydro xanh đang được thế giới quan tâm và kỳ vọng là giải pháp có vị trí ngày càng quan trọng trong lộ trình chuyển dịch năng lượng do những đặc tính ưu việt về giảm phát thải các khí ô nhiễm và CO2 trong vòng đời sản phẩm, dù là nhiên liệu của quá trình chuyển hóa năng lượng hay là nguyên liệu đầu vào của những ngành sản xuất công nghiệp".

Ông Lê Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng.

"Việc thực hiện nghiên cứu đánh giá tổng thể việc sản xuất hydro xanh từ các nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió và các tiềm năng sử dụng hydro xanh ở Việt Nam sẽ hỗ trợ cho các bên liên quan của Việt Nam như cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư và các tổ chức trung gian, nhà tài trợ, chuyên gia… có thêm được góc nhìn tổng thể về vai trò của hydro xanh, cùng các luận cứ cần thiết khi đưa ra quyết định”, ông Lê Việt Cường nhấn mạnh.

Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho hay đánh giá sơ bộ từ nghiên cứu, UNDP và Viện Năng lượng đã có 3 phát hiện chính.

Thứ nhất, dựa trên năng lượng tái tạo được cung cấp từ nguồn tạo năng lượng mặt trời và gió phi tập trung, từ nguồn cung cấp năng và nguồn cung cấp năng lượng hỗn hợp bao gồm từ điện lưới và từ nhà máy điện mặt trời và điện gió xa bờ, khi các máy điện phân chạy 90% công suất liên tục năm thì Việt Nam có thể sản xuất được ít nhất 11,49 triệu tấn hydrogen xanh trong năm 2030, và đến 2050 có thể lên đến 18,78 triệu tấn.

Thứ hai, chi phí sản xuất hydrogen dự báo sẽ giảm, xuất phát từ chi phí các công nghệ đầu vào chủ chốt giảm mạnh như pin trữ điện.

Thứ ba, cần nhấn mạnh vai trò quan trọng của các chính phủ quốc gia trong việc đặt các mục tiêu, xây dựng chiến lược, quy định và cung cấp các ưu đãi dựa trên thị trường để giảm carbon. Báo cáo nghiên cứu cuối cùng sau khi được hoàn thiện sẽ được UNDP và Viện Năng lượng công bố tại hội thảo tiếp theo vào thời điểm phù hợp.

GIẢI PHÁP QUAN TRỌNG ĐỂ THỰC THI CAM KẾT “NET ZERO”

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định trong năm 2022, nền kinh tế phát triển nhanh chóng của Việt Nam đạt mức tăng trưởng hơn 8%, là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 1997 và là sự “ghen tị” của một số quốc gia khi mức trung bình toàn cầu chỉ đạt mức 3,3%.

 

"Sản xuất và sử dụng hydro xanh vẫn còn là lĩnh vực mới ở Việt Nam, nhưng chủ đề năng lượng trung gian đang ngày càng thu hút sự quan tâm. Đáng chú ý là Công ty TNHH TGS Green Hydrogen đang dự định xây dựng nhà máy điện phân đầu tiên với nguồn đầu tư 840 triệu USD, báo hiệu rằng cần sớm có các nỗ lực xây dựng chiến lược quốc gia chặt chẽ”.

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp lớn mạnh của Việt Nam, nền kinh tế đang gặp các thách thức về tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng với tốc độ khoảng 10 đến 12% hàng năm nhằm đảm bảo tránh tình trạng thiếu điện cục bộ và tăng cường an ninh năng lượng.

Đề cập về các loại hình sản xuất điện tại Việt Nam, ông Patrick Haverman cho rằng than đá và dầu - các tác nhân chính của khủng hoảng khí hậu, dự kiến sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong sản xuất điện thập kỷ tới.

“Ngành năng lượng vẫn sẽ là nguồn đóng góp quan trọng với ước tính chiếm khoảng 70% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam vào năm 2030, với dự báo mức phát thải CO2 là 101 triệu tấn. Do đó, năng lượng có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình thực hiện những cam kết quốc tế của Việt Nam về biến đổi khí hậu", ông Patrick Haverman nhấn mạnh".

Ông Patrick Haverman cũng cho rằng Chính phủ Việt Nam đã nhìn thấy tiềm năng tác động của biến đổi khí hậu và nỗ lực thực hiện các giải pháp thông qua cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26, cùng với đó gia tăng 4 lần công suất năng lượng mặt trời và gió từ năm 2019. Đồng thời, công bố Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng trị giá 15,5 tỷ USD với liên minh các đối tác quốc tế (JETP), một vài đại diện của các đối tác khác.

Trong bối cảnh này, để đạt được mục tiêu kể trên, cần tận dụng tốt các nguồn năng lượng thay thế hữu hiệu trong đó có hydro xanh từ mặt trời và gió. Hydro xanh được coi là năng lượng không carbon, có thể lưu trữ năng lượng, sau đó được giải phóng một cách có kiểm soát ở nơi khác giống như với pin lithium lưu trữ điện.

Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho hay trên toàn cầu, hydro xanh sản xuất từ điện phân nước chỉ đóng góp 0,03% trong tổng lượng điện sản xuất năm 2020. Tuy nhiên, cải thiện các công nghệ điện phân và chi phí năng lượng tái tạo thấp có thể giúp hydro xanh có giá cạnh tranh trong năm 2030.

Hydro xanh rất hữu ích trong việc chống lại biến đổi khí hậu vì có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch trong các ứng dụng mà quá trình khử carbon phức tạp như vận tải hàng hải và hàng không hoặc các quy trình công nghiệp nhất định. Hơn nữa, có tiềm năng lớn như một hệ thống lưu trữ năng lượng theo mùa (dài hạn), có thể tích lũy năng lượng trong một thời gian dài, sau đó sử dụng theo nhu cầu.

 “Việt Nam là một trong những nước có ưu thế sản xuất điện Hydrogen xanh, vì là quốc gia với tiềm năng năng lượng tái tạo lớn, các mối quan hệ thương mại ưu đãi, chính trị ổn định và gần các nhà xuất khẩu lớn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nên sẽ hưởng lợi”, ông Patrick Haverman đánh giá.