14:00 16/07/2007

Việt Nam gần “đội sổ” về cạnh tranh công nghệ thông tin

Việt Nam, vốn được đánh giá cao trong lĩnh vực gia công phần mềm, chỉ đứng thứ 61/64 nước về chỉ số cạnh tranh công nghệ thông tin

Trong bảng xếp hạng này, Việt Nam chỉ đứng trên Iran (15,7), Nigeria (18,7) và Azerbaijan (18,8).
Trong bảng xếp hạng này, Việt Nam chỉ đứng trên Iran (15,7), Nigeria (18,7) và Azerbaijan (18,8).
Việt Nam, vốn được đánh giá cao trong lĩnh vực gia công phần mềm, chỉ đứng thứ 61/64 nước về chỉ số cạnh tranh công nghệ thông tin, với số điểm 19,9.

Cơ quan thông tin kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc tập đoàn báo chí Economist đã chấm điểm từ 1 đến 100 đối với từng quốc gia trên những tiêu chí như môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng thông tin và những tiến bộ trong nghiên cứu và phát triển.

Dẫn đầu là Mỹ với 77,4 điểm, tiếp đến là Nhật, Hàn Quốc, Anh, Australia và Đài Loan. Trong khi đó, Việt Nam chỉ đứng trên Iran (15,7), Nigeria (18,7) và Azerbaijan (18,8).

Denis McCauley, Giám đốc nghiên cứu toàn cầu của EIU, cho biết hầu hết những quốc gia thuộc Top 20 cũng được xếp hạng cao nhất về năng suất lao động trong công nghệ thông tin.

Theo EIU, các nước cũng cần cân bằng giữa chiến lược mở rộng cạnh tranh và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Trung Quốc và Ấn Độ đang tận dụng nguồn nhân lực khổng lồ và mức lương thấp để cạnh tranh, nhưng sẽ sớm phải đối mặt với sự đe dọa từ Nga, Brazil, Malaysia và Việt Nam.

Trong tương lai, các nhân viên IT không những phải giỏi chuyên môn mà còn cần biết quản lý dự án và phân tích chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có một vài quốc gia trên thế giới điều chỉnh chương trình giảng dạy.

"Công nghệ thông tin đang là động lức chính trong tiến trình phát triển kinh tế toàn cầu", Robert Holleyman, Giám đốc điều hành Hiệp hội phần mềm doanh nghiệp Business Software Alliance, nhận xét.

Ông nói thêm "Bảng xếp hạng của EIU sẽ khuyến khích chính phủ các nước đầu tư vốn vào những lĩnh vực có khả năng tăng cường sức mạnh cho công nghệ thông tin, từ đó thúc đẩy sự thịnh vượng của xã hội".