16:55 19/10/2022

Việt Nam giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị

Hà Lê

Với những nỗ lực không ngừng trong suốt nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bình đẳng giới. Điều này thể hiện rõ nhất ở sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.

Các nữ đại biểu trao đổi bên lề Đại hội Đảng
Các nữ đại biểu trao đổi bên lề Đại hội Đảng

Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý.

TỶ LỆ CÁN BỘ NỮ LÀ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ TĂNG 

Hiện nay, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được tăng lên về số lượng và chất lượng. Trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 19 nữ (9,5%), Quốc hội khóa XV đạt tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu, cao nhất từ trước đến nay; Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh có 16%  nữ, hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 29% đại biểu nữ… Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%.

Phụ nữ dân tộc thiểu số mở rộng kinh doanh và thoát nghèo 
Phụ nữ dân tộc thiểu số mở rộng kinh doanh và thoát nghèo 

Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%. Tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đều tăng so với nhiệm kỳ 2010-2015 ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã.

Nhiệm kỳ 2010-2015, tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 25,17%, cấp huyện 24,62%, cấp xã 21,71%; tỷ lệ này đã được nâng lên ở nhiệm kỳ 2016-2021 tương ứng là 26,54%, 27,85% và 26,59%.

Đến cuối nhiệm kỳ 2011-2015, tỷ lệ UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã lần lượt là: 32,14%; 32,64%; 21,95%.

Ngoài ra, thành tựu về bình đẳng giới còn được thể hiện ở khía cạnh giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao.

TỶ LỆ DOANH NGHIỆP DO PHỤ NỮ LÀM CHỦ XẾP THỨ 9/58 QUỐC GIA

Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, xếp thứ 9/58 quốc gia, nền kinh tế được nghiên cứu; nhiều doanh nhân nữ có uy tín và xếp hạng cao trong khu vực và thế giới.

Nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học tăng lên đáng kể. Nhiều phụ nữ là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, có 20 tập thể và 49 nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực đã được trao tặng giải thưởng Kôvalépxkaia trong 35 năm qua, hàng nghìn nữ trí thức có nhiều thành công trong nước và quốc tế về nghiên cứu khoa học, mang lại giá trị kinh tế cao và tính nhân văn cao cả, sâu sắc.

 

Việt Nam cử nữ sĩ quan đầu tiên tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan vào năm 2018. Từ đó đến nay tỷ lệ nữ trong Lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tăng đều và hiện ở mức cao hơn so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, các nữ đại sứ, nữ cán bộ ngoại giao, nữ công an, nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã trở thành các "sứ giả" của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của nước ta trong hoạt động đối ngoại…

Việt Nam cũng đã cử các nữ sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Con số này hiện chiếm khoảng 16% lực lượng của Việt Nam và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, cao hơn tỷ lệ khuyến khích của Liên hợp quốc.

Bà Caitlin Wiesen Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), khẳng định những đóng góp của Việt Nam trong Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với sự cam kết nhằm thúc đẩy sự tham gia của các nữ quân nhân trong các hoạt động này. 

Báo cáo Tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ chủ trì cũng khẳng định các nỗ lực và thành tích của Việt Nam.

Theo bà Irene Ohler, Chủ tịch Ban Phụ nữ trong vai trò lãnh đạo (Women in Leadership Committee) của AmCham Việt Nam và nhà sáng lập của tổ chức Lightpath Leadership (là công ty tư vấn phát triển năng lực lãnh đạo), các chương trình chính sách về bình đẳng giới của Chính phủ Việt Nam đã được xây dựng rất toàn diện và kịp thời. 

TIẾP TỤC THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG VÀ TRAO QUYỀN CHO PHỤ NỮ

Mới đây tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Phụ nữ Việt Nam, chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cần tiếp tục nhận thức đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới.

 

Bà Irene Ohler, Chủ tịch Ban Phụ nữ trong vai trò lãnh đạo (Women in Leadership Committee) của AmCham Việt Nam: Khi nói về bình đẳng giới tại Việt Nam tôi cho rằng có nhiều tin vui và thành tựu.

“Chúng ta còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người phụ nữ, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước, không để ai bị bỏ lại phía sau; cùng giải quyết và cùng có trách nhiệm trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thời gian qua Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến bình đẳng giới;  lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững vào tất cả các cả các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, làm nền tảng cần thiết cho một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, phát triển toàn diện và bền vững.

Đáng chú ý nhất là năm 2019, Việt Nam đã thông qua Bộ luật Lao động với 11 đặc quyền pháp luật dành cho lao động nữ. Điều này đã bổ sung cơ chế chính sách thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam cho phù hợp với tình hình mới, thay đổi cách tiếp cận “bảo vệ lao động nữ” ở các quy định hiện hành sang cách tiếp cận “thúc đẩy bình đẳng giới”, giúp Việt Nam có thể trở thành quốc gia dẫn đầu trong khu vực trong việc tôn trọng các quyền cơ bản trong lao động nữ, phù hợp với các công ước quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.

Việc ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 lại một lần nữa đưa mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

 

Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ.

Việt Nam hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.