23:27 05/06/2019

Việt Nam - Italia sẽ ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương

Bảo Quyên

Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa hai nước vào thị trường của nhau và sẽ phấn đấu tăng kim ngạch song phương từ gần 5 tỷ USD lên 6 tỷ USD năm 2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Italia Giuseppe Conte hội đàm ngày 5/6.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Italia Giuseppe Conte hội đàm ngày 5/6.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đã có cuộc hội đàm, trong đó hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ cùng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực Italia có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu.

Tại cuộc hội đàm diễn ra sau lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Italia, thành viên quan trọng của Liên minh châu Âu (EU).

Về phía mình, Thủ tướng Giuseppe Conte khẳng định Chính phủ Italia coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác hàng đầu ở Đông Nam Á, thể hiện qua việc chọn Việt Nam là nơi tổ chức Đối thoại cấp cao về quan hệ kinh tế ASEAN-Italia lần thứ ba.

Trao đổi về quan hệ song phương, hai Thủ tướng đánh giá quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Italia phát triển hiệu quả và năng động trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược tháng 1/2013.

Hai Thủ tướng đánh giá quan hệ hai nước còn rất nhiều tiềm năng để phát triển sâu rộng hơn nữa và nhất trí hai bên cần tiếp tục tăng cường trao đổi và tiếp xúc ở các cấp, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, an ninh-quốc phòng, hợp tác phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, kết nối địa phương.

Củng cố các cơ chế hợp tác hiện có như Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao, Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng và Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam-Italia; triển khai các chương trình hợp tác và các thỏa thuận đã đạt được.

Về kinh tế, hai Thủ tướng đánh giá cao việc quan hệ thương mại đầu tư Việt Nam-Italia phát triển tích cực trong thời gian gần đây, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN; nhất trí sẽ cùng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực Italia có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như cơ khí chế tạo, cơ sở hạ tầng, dệt may, da giày, chế biến gỗ, công nghiệp phụ trợ, vật liệu xây dựng, dầu khí, năng lượng tái tạo, chế biến thực phẩm...

Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa hai nước vào thị trường của nhau và sẽ phấn đấu tăng kim ngạch song phương từ gần 5 tỷ USD lên 6 tỷ USD năm 2020 và 10 tỷ USD vào các năm sau đó.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sáng kiến tổ chức Đối thoại cấp cao về quan hệ kinh tế Italia-ASEAN lần thứ 3 tại Hà Nội, coi đây là một cơ hội quan trọng để Italia thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư với Việt Nam và các nước ASEAN, ủng hộ việc Italia tăng cường quan hệ với các nước ASEAN. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam, với vị trí trung tâm trong mạng lưới FTA rộng lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sẽ là cửa ngõ cho các doanh nghiệp Italia vươn ra thị trường Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương.

Hai Thủ tướng đã nhất trí tầm quan trọng của các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Thủ tướng Giuseppe Conte khẳng định ủng hộ việc sớm ký và phê chuẩn các hiệp định nói trên, góp phần thúc đẩy quan hệ đầu tư, thương mại tại thị trường của nhau, đáp ứng lợi ích của tất cả các bên.

Hai Thủ tướng cũng đã trao đổi về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, ASEM, ASEAN-EU.

Lãnh đạo hai nước khẳng định tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự hàng hải và hàng không ở biển Đông đối với khu vực và quốc tế, cũng như việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).