“Việt Nam là đối tác then chốt của Ấn Độ trong ASEAN”
Tổng thống Ấn Độ nhấn mạnh Việt Nam là trụ cột trong chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind cùng bày tỏ vui mừng thương mại song phương giữa hai nước tăng trưởng mạnh thời gian qua và Ấn Độ trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam; tin tưởng kim ngạch thương mại sẽ sớm đạt mục tiêu 15 tỷ USD.
Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 20/11, sau lễ đón, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Ram Nath Kovind đã có cuộc hội đàm với nhiều nội dung quan trọng được lãnh đạo hai bên thống nhất.
Cụ thể, hai bên nhất trí triển khai đầy đủ các cam kết chính trị ở cấp cao, tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, đẩy mạnh hợp tác trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, địa phương và giao lưu nhân dân.
Lãnh đạo hai nước đề nghị tăng cường xúc tiến đầu tư, nhất là trên các lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp chất lượng cao; khuyến khích Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) và Công ty Dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) chủ động hơn nữa trong tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Việt Nam, cũng như tìm kiếm mô hình hợp tác, kể cả với nước thứ ba. Hai bên cũng nhất trí tầm quan trọng của tăng cường kết nối và thúc đẩy các thủ tục để Vietjet có thể sớm khai thác đường bay thẳng Tp.HCM-New Delhi.
Khẳng định tiếp tục ủng hộ các địa phương, tổ chức hữu nghị, tổ chức nhân dân, giới học giả, nghiên cứu hai nước tăng cường hợp tác cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí, truyền thông hai nước gia tăng hoạt động tại mỗi nước.
Hai nhà lãnh đạo đều đánh giá quốc phòng - an ninh là hợp tác chiến lược, hiệu quả, thực chất và nhất trí đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, triển khai hợp tác giữa các quân binh chủng hai nước. Phía Ấn Độ bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức, huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, hỗ trợ Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh.
Cùng với đó là hoan nghênh tiến độ triển khai gói tín dụng 100 triệu USD đóng tàu tuần tra cao tốc cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam và nhất trí sớm tổ chức đối thoại an ninh biển lần đầu tiên.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Ram Nath Kovind khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc.
Tổng thống Ấn Độ nhấn mạnh Việt Nam là trụ cột trong Chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ, là đối tác then chốt của Ấn Độ trong ASEAN. Tổng bí thư, Chủ tịch nước hoan nghênh lập trường của Ấn Độ về biển Đông thời gian qua và đề nghị Ấn Độ tiếp tục ủng hộ chủ trương của Việt Nam và ASEAN về vấn đề này.
Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký và trao một số văn kiện như: Bản ghi nhớ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Truyền thông Ấn Độ về hợp tác trong lĩnh vực truyền thông; Bản ghi nhớ giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ về đẩy mạnh hợp tác hợp tác thương mại, đầu tư song phương; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam và Cục Ngoại vụ Bộ Ngoại giao Việt Nam…
Tại cuộc hội kiến sau đó với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi về tầm nhìn chung đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ đi vào chiều sâu.
Hai nhà lãnh đạo cũng chia sẻ, hợp tác quốc phòng- an ninh đang ngày càng hiệu quả và là trụ cột của quan hệ song phương và hoan nghênh tiến độ triển khai gói tín dụng 100 triệu USD đóng tàu tuần tra cao tốc cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo cho rằng hợp tác kinh tế-thương mại dù phát triển nhanh nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hai nước. Hai bên nhấn mạnh đây là lĩnh vực cần được đặt ưu tiên thúc đẩy trong thời gian tới để sớm đạt mục tiêu kim ngạch 15 tỷ USD và cao hơn nữa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn thiện chí của lãnh đạo Ấn Độ, đặc biệt là Thủ tướng Modi, sẵn sàng trao đổi để giảm các biện pháp phòng vệ thương mại, không để ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam.
Nhất trí hai nước có nhiều hoa quả, nông sản và thực phẩm có thể bổ sung cho nhau, hai nhà lãnh đạo đề nghị các bộ, ngành liên quan hai bên sớm trao đổi khả năng mở cửa thị trường lẫn nhau với các mặt hàng này cũng như các sản phẩm khác mà hai bên có tiềm năng.