18:34 28/11/2013

Việt Nam là một trong 20 nước nhập sữa nhiều nhất

Song Hà

Đa số nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước là nhập khẩu từ nước ngoài

Bò nuôi tại trang trại của Tập đoàn TH. Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH, bà Thái Hương, hiện đàn bò sữa của TH đã lên tới trên 35.000 con, chiếm 20% tổng đàn bò cả nước.
Bò nuôi tại trang trại của Tập đoàn TH. Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH, bà Thái Hương, hiện đàn bò sữa của TH đã lên tới trên 35.000 con, chiếm 20% tổng đàn bò cả nước.
Sở hữu hàng loạt lợi thế và ưu ái về thiên nhiên, nhưng ngành sữa Việt Nam luôn nhập siêu cả về khối lượng lẫn kim ngạch, nằm trong nhóm 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất.

Thống kê trên được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo quốc tế “Ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững sữa tươi sạch tại Việt Nam”, do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (ATE) cùng Đại sứ quán Iasael tổ chức sáng 28/11.

Số liệu tại hội thảo này cho thấy tính đến đầu năm 2013, tổng đàn bò của Việt Nam đạt 166,99 nghìn con, trong đó có trên 120 nghìn con đang nuôi chủ yếu tại các hộ gia đình.

Đáng chú ý, với nhiều doanh nghiệp thu mua sữa từ các hộ gia đình, mặc dù tiêu chuẩn sữa mua vào do các nhà máy đưa ra không cao nhưng vẫn có từ 20 - 50% số sữa không đạt một trong các tiêu chuẩn chất lượng.

Thiếu nguyên liệu đầu vào, nên đa số nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước là nhập từ nước ngoài với sản lượng nhập khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại mỗi năm.

Đáng lo hơn, là trong số đó có đến 70% là sữa hoàn nguyên hay sữa pha lại với giá nhiều khi đắt hơn cả sữa tươi sạch.

Một tham luận tại hội thảo này cho rằng, sự phát triển của ngành sữa Việt Nam đang đi ngược xu hướng thế giới, khi phát triển ngành sữa trước khi đầu tư vào phát triển nguồn nguyên liệu. Cùng với đó là ngành sữa trong nước chưa xây dựng được hành lang pháp lý rõ ràng cũng như các quy chuẩn phân loại chất lượng sữa tươi.

Đáng chú ý, cho dù đã được “nhắc nhở” nhiều lần, song nhìn chung phần lớn các thông tin trên sản phẩm sữa vẫn còn mập mờ, khiến người tiêu dùng rơi vào ma trận thông tin, kiến thức phổ cập về các loại sản phẩm sữa vẫn còn hạn chế, thiếu minh bạch, công khai.

Chất lượng sữa chưa đảm bảo cũng dẫn đến việc người tiêu dùng mất lòng tin vào sản phẩm sữa nội, chuyển sang dùng sữa ngoại, từ đó gây tổn thất cho ngành sữa trong nước.

Theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, để ngành sữa trong nước không bị tụt hậu và đi ngược thế giới, không còn cách nào khác là phải ứng dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu sản xuất sữa. Dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sữa tươi trị giá 1,2 tỷ USD của tập đoàn TH đã được các chuyên gia đề cập đến như là một ví dụ điển hình.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH, bà Thái Hương cho biết, hiện đàn bò sữa của doanh nghiệp này đã lên tới trên 35.000 con, chiếm 20% tổng đàn bò cả nước, góp phần không nhỏ vào mục tiêu phát triển 500 nghìn con bò đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bà Hương cũng đề nghị các đơn vị, cơ quan quản lý cần sớm vào cuộc thông qua các chính sách, các ưu đãi về tín dụng, lãi suất, đất đai, thông tin… để ngành sữa trong nước có thể phát triển bền vững hơn.