10:12 22/07/2008

Việt Nam mời tham vấn quốc tế: Mới và cũ

Hoài Ngân

Trong ký ức của nhiều lãnh đạo và chuyên gia, những câu chuyện liên quan đến việc tham vấn chuyên gia nước ngoài vẫn còn đó

Ý kiến tư vấn của các chuyên gia quốc tế có một vai trò quan trọng trong nỗ lực phát triển của Việt Nam.
Ý kiến tư vấn của các chuyên gia quốc tế có một vai trò quan trọng trong nỗ lực phát triển của Việt Nam.
Theo công văn số 4585/VPCP-QHQT, Việt Nam sẽ mời các chuyên gia kinh tế quốc tế có uy tín vào trao đổi, tư vấn chính sách cho các cơ quan Chính phủ.

Cũng theo nội dung công văn nói trên, các chuyên gia quốc tế cũng sẽ tham gia tư vấn cho các doanh nghiệp của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế. Thủ tướng cũng giao Bộ Ngoại giao làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan liên quan lựa chọn mời các chuyên gia kinh tế quốc tế vào Việt Nam tổ chức trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn giúp đỡ Việt Nam.

Bản tin này được đăng trang trọng trên website Chính phủ trong bối cảnh nhóm nghiên cứu Việt Nam của đại học Havard liên tục có ba bản báo cáo đáng chú ý về kinh tế Việt Nam, dễ đưa đến nhận định rằng các lãnh đạo Chính phủ đang có thay đổi trong cách nhìn nhận và đánh giá về đóng góp của những chuyên gia tư vấn độc lập, và rằng sự thay đổi đó là đáng kể.

Nhưng trên thực tế, chuyện tham vấn các chuyên gia nước ngoài đối với chính sách tổng thể hay trong từng lĩnh vực cụ thể đã được thực hiện từ trước đó rất nhiều. Có chăng, do hoàn cảnh lịch sử, hoặc do truyền thông hạn chế, đông đảo công chúng đã không được biết đến. Giờ đây, trong ký ức của nhiều lãnh đạo và chuyên gia, những câu chuyện liên quan đến việc tham vấn chuyên gia nước ngoài vẫn còn đó.

Từ đầu những năm 80, khi đất nước đang bắt đầu bước vào một thời kỳ khủng hoảng, lãnh đạo Đảng và nhà nước đã quyết định sẽ phải tham vấn ý kiến của các chuyên gia kinh tế nước ngoài. Thời điểm đó, tham vấn ý kiến của các “cố vấn” Liên Xô và các nước trong khối xã hội chủ nghĩa là chuyện bình thường, nhưng tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong khối “đối địch” là chuyện hiếm có.

Chuyên gia tư vấn Bùi Kiến Thành là một trong những người được tham vấn đầu tiên cho dù trước đó ông đã từng làm việc cho chế độ cũ và lúc đó sống ở Pháp với tư cách một Việt Kiều. Ngay từ những năm 1980, lãnh đạo nhà nước ta đã cử người qua Pháp liên lạc với ông để xin ý kiến tư vấn. Đối với ông Thành, đó quả là một bất ngờ lớn vào thời điểm đó bởi vì ông không hiểu được tại sao chính phủ cộng sản lại tham vấn ông về kinh tế.

Với tấm lòng vì quê hương, ông Thành đã cùng chuyên gia của Việt Nam trao đổi tình hình trên cơ sở phân tích tình hình thực tế ở trong nước. “Lúc đó, tôi cố gắng thuyết phục họ rằng vấn đề cơ bản của một nền kinh tế là phải thúc đẩy được sản xuất và người dân phải có quyền tư hữu. Thuyết phục nhưng vẫn lo ngại và phải dặn người cán bộ đó rằng, anh cứ về trình bày với cấp trên, rằng đây là ý kiến của anh Thành, anh ấy là tư vấn độc lập, anh ấy có ý kiến như vậy, còn cấp trên ghi nhận hay không thì tùy”.

Lúc đó, ông lo rằng đưa ra vấn đề tư hữu, rất khó được chấp nhận. Nhưng trên thực tế, nhiều ý kiến như vậy đã được chấp nhận và trở thành cơ sở cho những quyết sách quan trọng về kinh tế trong suốt thập kỷ 80.

Việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 là một ví dụ khá điển hình. Thời điểm đó, mở cửa hay không mở cửa là một chủ đề tranh luận gay gắt. Một nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam từng nói: “vấn đề đối với Việt Nam là vốn, vốn, và vốn”. Một vị phó thủ tướng, khi nói về cách giải quyết cơn khủng hoảng những năm đó, đã “lẩy Kiều” rằng: “Có ba trăm triệu việc này mới xong”.

Ý ông là, ngân sách cần một khoản tiền 300 triệu Đô la Mỹ để giải quyết khó khăn kinh tế, nhưng lúc đó, không thể huy động được nguồn vốn này. Và một giải pháp cho nền kinh tế lúc đó là mở cửa nhanh chóng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Giáo sư Lưu Văn Đạt, một trong những người chấp bút dự thảo Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, còn giữ những ký ức hết sức thú vị về việc xây dựng văn bản quan trọng này. Theo ông, phải mất rất nhiều thời gian và công sức để thuyết phục được các lãnh đạo cấp cao rằng, văn bản này làm ra để điều chỉnh hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, thì không thể không tham vấn họ.

Ngay cả khi xây dựng luật, việc có cho phép nhà đầu tư nước ngoài lập cơ sở sản xuất 100% vốn nước ngoài hay không cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng nếu không cho phép loại hình 100% vốn nước ngoài, sự mở cửa sẽ là nửa vời và họ sẽ không vào. Các chuyên gia quốc tế đã ghi nhận điều này và góp ý thẳng thắn với phía Việt Nam.

Ông Newman, cố vấn pháp lý của UNIDO (Cơ quan phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc) là một trong những người nước ngoài đã tích cực góp ý cho dự thảo luật đầu tư nước ngoài năm 1987. Bản đánh máy những ý kiến góp ý của ông từ thời điểm đó ghi lại những kiến nghị mà hầu hết sau đó đã được đưa vào luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Giờ đây, văn bản này đang được lưu giữ như là một trong những minh chứng cho tầm nhìn của các nhà lãnh đạo trong việc tranh thủ sự đóng góp của các chuyên gia quốc tế ngay trong những thời điểm khó khăn. Theo Giáo sư Lưu Văn Đạt, sẽ còn nhiều câu chuyện tham vấn khác, trong những lĩnh vực khác, được tiết lộ vào những thời điểm thích hợp.  

Mới đây nhất, Giáo sư Dwight Perkins, Chủ nhiệm chương trình Việt Nam thuộc Đại học Harvard, trong hội thảo tư vấn cho Việt Nam đầu tháng này đã nói rằng ngay từ năm 1989, Đại học Harvard đã tham gia đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu sâu về kinh tế Việt Nam. Trong từng thời điểm cụ thể, Việt Nam vẫn sẽ cần những ý kiến tư vấn nghiêm túc và độc lập, trên tinh thần tôn trọng cả những ý kiến khác biệt, cho dù những ý kiến đó có thể “nghịch nhĩ”.

Giáo sư David Dapice hiện được biết đến như là một trong những chuyên gia nước ngoài hàng đầu về kinh tế Việt Nam, cũng là người từng có nhiều ý kiến tư vấn rất xác đáng về chính sách kinh tế Việt Nam. Từ nhiều năm nay, ông vẫn tiến hành các nghiên cứu và đưa ra các bản kiến nghị, cho dù nhiều ý kiến trong số đó, chẳng hạn những cảnh báo về đầu tư của các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước, đã không được lắng nghe. Giờ đây, ai cũng thấy rằng những ý kiến ông đưa ra từ những năm đầu thập kỷ là rất xác đáng.

David Dapice vẫn đang mải mê với công việc của ông, với niềm tin rằng những ý kiến của mình sẽ được ghi nhận một cách nghiêm túc. Tham gia trong toàn bộ quá trình soạn thảo các báo cáo của Đại học Havard gửi Chính phủ gần đây, ông xứng đáng được coi là một trong những nhà tư vấn quốc tế hàng đầu cho Việt Nam hiện nay. Điều công chúng chờ đợi là những ý kiến đó sẽ được ghi nhận và áp dụng ra sao, và nếu không, sẽ được phản biện như thế nào.