09:53 10/10/2019

Việt Nam tăng cường nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc, giảm nhập từ Thái Lan

Duyên Duyên

Việt Nam đã nhập khẩu gần 1,3 tỷ USD mặt hàng rau quả trong 8 tháng đầu năm 2019, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét về tốc độ tăng trưởng, thị trường Israel có tốc độ tăng trưởng cao nhất với 100,99%, đạt 2,99 triệu USD.
Xét về tốc độ tăng trưởng, thị trường Israel có tốc độ tăng trưởng cao nhất với 100,99%, đạt 2,99 triệu USD.

Kim ngạch nhập khẩu hàng rau quả từ Thái Lan sụt giảm, trong khi nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc và Mỹ lại tăng cao, với mức tăng lần lượt 24% và 72%.

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 8/2019 Việt Nam đã nhập khẩu 120,44 triệu USD hàng rau quả, giảm 13,5% so với tháng 7/2019.

Tuy nhiên tính chung từ đầu năm đến hết tháng 8/2019 Việt Nam đã nhập 1,26 tỷ USD mặt hàng này, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Về thị trường nhập khẩu, Thái Lan vẫn là quốc gia cung cấp rau quả nhiều nhất cho Việt Nam khi chiếm đến 83,72% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này. 

Theo đó, Việt Nam đã nhập khẩu 428,8 triệu USD hàng rau quả từ Thái Lan trong 8 tháng qua, sụt giảm 16,73% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng tháng 8/2019 Việt Nam cũng đã nhập 7,9 triệu USD hàng rau quả của Thái Lan, giảm mạnh 40,38% so với tháng 7/2019 và giảm 92,17% so với tháng 8/2018.

Thị trường cung cấp rau quả lớn thứ hai cho Việt Nam là Trung Quốc với kim ngạch gần 310 triệu USD trong 8 tháng đầu năm, tăng 23,68% so với cùng kỳ năm 2018.

Ngoài Trung Quốc, Việt Nam còn đẩy mạnh nhập khẩu rau quả từ Mỹ với kim ngạch 188 triệu USD, tăng mạnh 72% so với năm ngoái. Hiện, Mỹ cũng là thị trường cung cấp rau quả nhiều thứ 3 cho Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu mặt hàng này nhiều từ các thị trường như Australia, Newzeland… 

Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm trước Việt Nam còn đẩy mạnh nhập khẩu rau quả từ các thị trường mới như Lào, Campuchia, Canada…

Cụ thể, nhập khẩu rau quả từ Campuchia đạt trị giá 31,72 triệu USD; Lào 7,96 triệu USD và Canada 5,63 triệu USD.

Xét về tốc độ tăng trưởng, thị trường Israel có tốc độ tăng trưởng cao nhất với 100,99%, đạt 2,99 triệu USD.

Tiếp đó là thị trường Myanmar với mức tăng 97,79%, đạt 40,52 triệu USD; Chile và Malaysia đều tăng trên 60%.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam giảm mạnh nhập khẩu từ Brazil (giảm 17,74%) và Thái Lan (giảm 16,7%).