19:02 06/07/2021

Việt Nam trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ hai thế giới

Chu Khôi

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, lượng xuất khẩu viên nén của Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 3,2 triệu tấn, lớn thứ 2 thế giới. Gần 100% lượng viên nén từ Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc...

Viên nén có triển vọng trở thành ngành xuất khẩu tỷ USD.
Viên nén có triển vọng trở thành ngành xuất khẩu tỷ USD.

Viên nén được sản xuất từ nguyên liệu phế phụ phẩm của ngành nông lâm ngư nghiệp, đây là nguồn sinh khối rất đa dạng. Cụ thể, các nguyên liệu sản xuất viên nén hiện nay  chủ yếu từ: phế phụ phẩm của ngành chế biến gỗ (vỏ bào, mùn cưa, vụn vỏ cây rừng, các mẩu gỗ thừa…); phế phụ phẩm của ngành trồng trọt (vỏ trấu sau khi xay thóc, bã mía, thân cây ngô, mía, các thân cây cỏ khô, vỏ hạt cà phê…).

Hiện nay, nhiều nước trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc đang sử dụng viên nén là nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện.

GIÁ TRỊ XUẤT KHẨU TĂNG 15,3 LẦN TRONG 7 NĂM

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với Tổ chức Forest trends vừa công bố báo cáo nghiên cứu về tình hình sản xuất và xuất khẩu viên nén tại Việt Nam. Nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 3/2021 đến tháng 6/2021.

TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Forest  trends, cho biết tại Việt Nam trong giai đoạn 2013-2020, lượng viên nén xuất khẩu tăng trên 18,2 lần, từ 175,5 tấn năm 2013 lên 3,2 triệu tấn năm 2020. Giá trị xuất khẩu viên nén tăng 15,3 lần, từ gần 23 triệu USD năm 2013, lên 351 triệu USD năm 2020. Lượng viên nén sản xuất tại Việt Nam chỉ một  lượng rất nhỏ được sử dụng để sấy gỗ, còn lại hầu hết đem xuất khẩu.

Lượng và giá trị viên nén xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2013-2020
Lượng và giá trị viên nén xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2013-2020

Nghiên cứu cho thấy, giá viên nén xuất khẩu giảm dần qua các năm, đối lập với  xu thế tăng về lượng và kim ngạch xuất khẩu. Nguyên nhân giá viên nén xuất khẩu liên tục giảm là do ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào khâu sản xuất viên nén, từ đa dạng nguồn nguyên liệu phế phụ phẩm của ngành nông lâm ngư nghiệp.

Năm 2020, cả nước có 74 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu viên nén. Trong số đó, các doanh nghiệp xuất khẩu quy mô lớn xuất khẩu trên 50.000 tấn/doanh nghiệp) là 17 doanh nghiệp); số doanh nghiệp có quy mô vừa (lượng xuất từ 20,000 – 49.000 tấn/doanh nghiệp) là 10 doanh nghiệp; còn lại là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ (dưới 20.000 tấn/doanh nghiệp).

 
Hiện Việt Nam có có khoảng 80 nhà máy và cơ sở tư nhân sản xuất viên nén, với tổng công suất  khoảng gần 4,5 triệu tấn/năm, trong đó chủ yếu tập trung tại vùng Đông Nam Bộ, tiếp đến là vùng Đông Bắc.

Nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào để sản xuất viên nén chủ yếu được sử dụng từ gỗ phụ phẩm như mùn cưa, dăm bào, cành ngọn của gỗ rừng trồng (keo, bạch đàn, cao su), cây phân tán… Nguồn nguyên liệu này được đưa vào quá trình ép dưới áp lực cao để tạo ra sản phẩm.

Các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ ở các địa phương mua bất kỳ nguồn gỗ nguyên liệu phế phụ phẩm nào có được ở địa phương, để sản xuất viên nén. Các hoạt động thu mua này thường được thực hiện qua hệ thống các đại lý. Một số doanh nghiệp lớn có nguồn nguyên liệu rừng trồng, bao gồm cả nguồn rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).

Nghiên cứu về cung cầu viên nén trên thế giới, Forest  trends và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đưa ra dự báo, nhu cầu tiêu thụ viên nén trên thế giới sẽ liên tục tăng nhanh. Dự báo tốc độ tăng nhu cầu khoảng 250% trong thập kỷ 2021-2030, từ 14 triệu tấn năm 2017 lên con số 36 triệu tấn vào năm 2030. Không chỉ Nhật Bản và Hàn Quốc, nhiều quốc gia châu Âu cũng đã sử dụng viên nén là nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện.

 LÊN CHIẾN LƯỢC ĐƯA VIÊN NÉN THÀNH NGÀNH XUẤT KHẨU TỶ ĐÔ

TS, Tô Xuân Phúc nhận định, nghành  sản xuất và xuất khẩu viên nén mới hình thành và phát triển tại Việt Nam với thời gian chưa đến 10 năm, nhưng đây lại là ngành hứa hẹn đem về tỷ USD trong tương lại gần. Nhu cầu tiêu thụ viên nén trên thế giới liên tục tăng, là động lực cho các hoạt động sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam mở rộng.

Tuy vậy, TS. Tô Xuân Phúc cho rằng, sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam hiện tại đang tiểm ẩn một số vấn đề cần quan tâm.

Thứ nhất, nguồn nguyên liệu đầu vào chưa được kiểm soát, điều này dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng bộ, thậm chí sản phẩm có chất lượng kém. Vấn đề này sẽ đẩy giá xuất khẩu viên nén xuống thấp. Nguyên liệu đầu vào không được kiểm soát cũng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới tài nguyên rừng, với nguồn nguyên liệu đầu vào có thể được thu lượm từ các cây, cành nhỏ từ rừng.

Thứ hai, mặc dù đã trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu quan trọng, sản xuất và xuất khẩu viên nén chưa nhận được sự quan tâm của cơ quan quản lý.

Thứ ba, hiện chưa có cơ chế kết nối các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trong ngành, chưa có tiếng nói chung trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Thứ tư, cạnh tranh nguồn nguyên liệu đầu vào không chỉ xảy ra với các doanh nghiệp cùng sản xuất viên nén mà còn xảy ra giữa các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này và các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm khác như dăm gỗ và ván ép. Nhiều tín hiệu cho thấy trong tương lai cạnh tranh nguồn nguyên liệu đầu vào sẽ diễn ra khốc liệt hơn.

Thứ năm, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu viên nén, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ không hiểu thông tin về thị trường xuất khẩu, do đó không nắm bắt được thị hiếu mua và sử dụng viên nén, cũng như nguồn nguyên liệu đặc trưng.

Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều phế phụ phẩm ngành nông nghiệp rất tốt để sử dụng sản xuất viên nén, như vỏ trấu từ các nhà máy xay sát, rơm rạ và thân các cây trồng phơi khô. Thế nhưng phần lớn nguyên liệu này đang bị đốt bỏ rất lãng phí. Nguyên nhân do chưa hình thành hệ thống thu gom vỏ trấu, rơm rạ, thân các cây trồng phơi khô để chuyển đến các nhà máy sản xuất viên nén.

Từ những phân tích trên, các chuyên gia của Forest trends khuyến nghị Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nhìn nhận và quan tâm nghiên cứu lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu viên nén, từ đó có chiến lược đưa lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế xuất khẩu tỷ USD trong tương lai gần, qua đó gia tăng giá trị cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp.