17:45 16/06/2023

Việt Nam và Ấn Độ còn nhiều dư địa hợp tác trong lĩnh vực nông sản

Chu Khôi

Việt Nam và Ấn Độ đều là hai quốc gia phát triển mạnh về nông nghiệp, với con số xuất khẩu nông lâm thủy sản tương đương nhau, trên 50 tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng giao thương nông sản giữa hai nước được đánh giá là còn quá thấp, chỉ đạt chưa đến 2 tỷ USD mỗi năm....

Đoàn công tác Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ/ ảnh Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đoàn công tác Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ/ ảnh Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Từ ngày 14-17/6/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan dẫn đầu đoàn công tác thăm song phương Ấn Độ kết hợp tham dự Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp G20. Đây là chuyến thăm Ấn Độ cấp Bộ trưởng Nông nghiệp của Việt Nam lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây. Mục tiêu của chuyến công tác nhằm nỗ lực duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh thị trường thế giới có dấu hiệu chững lại.

GIAO THƯƠNG NÔNG SẢN CHƯA XỨNG VỚI TIỀM NĂNG

Trong chuyến công tác này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Đoàn công tác đã có buổi làm việc với ông Piyush Goyal - Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ.

Khái quát về tinh hình phát triển kinh tế của Ấn Độ, ông Piyush Goyal cho biết GDP bình quân đầu người của Ấn Độ năm 2022 đạt 2379 USD. Nếu đà tăng trưởng kinh tế được duy trì, Ấn Độ sẽ vượt Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2026 và vượt Nhật Bản để đứng vị trí thứ 3 vào năm 2032. Ấn Độ được hưởng lợi khi các tập đoàn đa quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. 

Cũng giống như Việt Nam, Ấn Độ cũng là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp. Năm 2022, xuất khẩu sản phẩm nông sản của Ấn Độ đạt 50,21 tỷ USD, tăng trưởng 19,92% so với năm 2021. Trong khi đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Như vậy xuất khẩu nông lâm thủy sản của 2 quốc gia gần tương đương nhau.

Ấn Độ là quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới với các sản phẩm như sữa, hạt đậu, kê; đồng thời là nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới với các mặt hàng cá, gạo, bột mì, rau quả… Các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm chế biến đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Ấn Độ. Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Ấn Độ hiện nay đang mở rộng sản xuất các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến để định hướng xuất khẩu. 

Với quy mô dân số trên 1,4 tỷ người và nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, Ấn Độ là một trong những thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất thế giới và đầy tiềm năng. Dự báo thị trường tiêu dùng thực phẩm chế biến Ấn Độ đạt trị giá 535 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng kép 15,2%.

 

"Riêng về thương mại nông lâm thủy sản, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ rất khiêm tốn chỉ đạt 1,87 tỷ USD vào năm 2022. Việt Nam nhập khẩu nông lâm thủy sản từ Ấn Độ 1,42 tỷ USD và xuất khẩu chỉ đạt 465 triệu USD, Việt Nam nhập siêu lên tới 953 triệu USD"

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời. Đặc biệt, Ấn Độ là 1 trong 4 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Tuy nhiên, thương mại song phương nói chung và thương mại nông lâm thủy sản nói riêng giữa Việt Nam và Ấn Độ còn hết sức khiêm tốn. Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ, mặc dù đạt giá trị kỷ lục 15 tỷ USD vào 2022, nhưng chỉ chiếm khoảng 1,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Ấn Độ.

Trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ khá đa dạng như cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều, quế, hồi, thảo quả, cao su, bánh kẹo, cá tra, cá basa, các sản phẩm từ ngũ cốc… Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến của Ấn Độ có khả năng phát triển tại thị trường Việt Nam như thủy sản, gạo tấm, ớt và một số loại gia vị, rau quả.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định: Hai quốc gia có những nét tương đồng trong sản xuất nông sản. Đặc biệt, tiềm năng giao thương mặt hàng rau quả rất lớn, nhưng xuất nhập khẩu mặt hàng chưa xứng với tiềm năng.

Sản xuất rau quả Việt Nam đang ngày càng phát triển, các sản phẩm nông sản phát triển theo xu hướng đáp ứng các tiêu chuẩn tiêu trồng như VietGAP, GlobalGAP. Các loại quả mà Việt Nam có ưu thế trong sản xuất là thanh long, nhãn, xoài, bưởi, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, vú sữa, vải thiều,...

MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG CHO RAU QUẢ

Chỉ ra vướng mắc khiến hoạt động xuất nhập khẩu trái cây giữa hai nước còn hạn chế, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng nguyên nhân do mức thuế suất cao, có những mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ chịu mức thuế lên tới 70% vì chưa được thị trường Ấn Độ mở cửa. Hiện tại mới chỉ có duy nhất trái thanh long Việt Nam xuất khẩu được sang Ấn Độ với thuế suất 0%.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra đề nghị hai quốc gia mở cửa thị trường rau quả và ký kết các hiệp định thương mại song phương để tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước.

"Hai bên nên cùng nhau tạo thuận lợi thương mại và mở ra một khởi đầu mới tươi sáng hơn cho quan hệ thương mại nông lâm thủy sản vốn trầm lắng trong thời gian qua", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, đồng thời mong muốn Ấn Độ tham gia vận động ủng hộ Việt Nam đăng cai chuyển trụ sở Ban Thư ký tổ chức Hồ tiêu thế giới (IPC) hiện đang đặt tại Jakarta, Indonesia về TP. HCM, Việt Nam.

 

"Một trong những thách thức cản trở thương mại nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Ấn Độ là rào cản thương mại, đặc biệt là hàng rào thuế quan và phi thuế của Ấn Độ đối với nông lâm thủy sản Việt Nam còn tương đối cao, như áp giá nhập khẩu tối thiểu đối với mặt hàng hồ tiêu và hạt điều nhập khẩu từ Việt Nam".

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) tổ chức Diễn đàn kết nối kinh doanh nông nghiệp Việt Nam - Ấn Độ.

Tham dự diễn đàn gồm 50 doanh nghiệp Ấn Độ và lãnh đạo 4 Hiệp hội của Việt Nam, gồm: Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam; Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam; Hiệp hội Cao su Việt Nam; Hiệp hội Điều Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn doanh nghiệp hai nước kết nối, thúc đẩy thương mại, đầu tư trong lĩnh vực nông lâm thủy sản vốn còn rất nhiều dư địa giữa hai nước nhằm hiện thực hóa quan hệ hữu nghị truyền thống và khẳng định kinh tế thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc gặp gần đây vào ngày 20/5/2023 tại Hiroshima (Nhật Bản).

“Việt Nam mong muốn kết nối và học hỏi các doanh nghiệp Ấn Độ về ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ số để phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững của Việt Nam. Qua đó, đóng góp vào an ninh lượng thực và phát triển bền vững toàn cầu”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, đại diện FICCI đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng của ngành nông nghiệp Việt Nam và mong muốn học hỏi sự kết nối của các chuỗi giá trị nông sản với toàn cầu của Việt Nam.

Trong chương trình công tác, Đoàn công tác sẽ tiếp tục gặp Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi nông dân Ấn Độ, Câu lạc bộ Giám đốc điều hành các doanh nghiệp Ấn Độ, cũng như các phiên làm việc song phương với Bộ trưởng Nông nghiệp các nước G20 nhằm tạo thuận lợi thương mại, kết nối thương mại - đầu tư trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.