Việt Nam và Hàn Quốc trao đổi kinh nghiệm về phát triển năng lượng sinh học
Phát triển năng lượng sinh học (sinh khối và khí sinh học) đang được coi là một trong những giải pháp ứng phó với khủng hoảng nhiên liệu hóa thạch hiện nay, đồng thời đóng góp một phần vào việc thực hiện cam kết trung hòa các bon. Tuy nhiên trong lĩnh vực này, cả Hàn Quốc và Việt Nam đều gặp phải nhiều “nút thắt” và có nhiều điểm tương đồng…
Từ ngày 13 đến ngày 17/3/2023, dự án “Bảo vệ khí hậu thông qua thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam” (BEM) - Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đồng tổ chức chương trình trao đổi học tâp và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng sinh học tại Hàn Quốc.
HIỆN THỰC HÓA TIỀM NĂNG NĂNG LƯỢNG SINH HỌC
Trong các ngày đầu tiên, đoàn đã làm việc và trao đổi với một số chuyên gia đầu ngành về năng lượng sinh học của Hàn Quốc. Tại buổi làm việc, ông Nathan Moore, Giám đốc Dự án BEM/GIZ cho biết cũng như Hàn Quốc, Việt Nam đã cam kết sẽ nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu để “đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.
"Tại COP 26 năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đưa ra mục tiêu: Việt Nam sẽ giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực. Tiềm năng năng lượng sinh học của Việt Nam và các đồng lợi ích của nó hoàn toàn phù hợp để đạt được những mục tiêu này", ông Nathan Moore nói.
"Chúng ta đang đứng trước thời khắc lịch sử, khi các nước trên thế giới đoàn kết để nỗ lực hạn chế những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu. Điều này sẽ đòi hỏi hành động nghiêm túc, bền vững và sự hợp tác và bền vững từ tất cả chúng ta – và tôi rất vui khi Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam đều bày tỏ các cam kết mạnh mẽ và cần thiết để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050”.
Ông Nathan Moore, Giám đốc Dự án BEM/GIZ
Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết chuyến công tác là một cơ hội để đoàn đại biểu của Việt Nam trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia và đối tác phía Hàn Quốc trong việc sử dụng các nguồn sinh khối và khí sinh học, cho mục đích phát điện và phát nhiệt, góp phần đảm bảo cung ứng năng lượng, đồng thời thực hiện cam kết giảm khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Thông tin trao đổi từ phía đoàn Việt Nam cho hay Dự án BEM/GIZ được triển khai tại Việt Nam từ tháng 4/2019 đến tháng 9/2023, với mục tiêu tăng cường những điều kiện tiền đề cho việc sử dụng bền vững sinh khối và khí cho phát điện và nhiệt ở Việt Nam. Dự án được Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ thông qua Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI). Tại Việt Nam, đối tác của dự án là Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp thực hiện cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ.
Đến nay, dự án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: Xây dựng sổ tay hướng dẫn đầu tư phát triển dự án điện sinh khối; Sổ tay hướng dẫn đánh giá tác động môi trường – xã hội của các dự án điện sinh khối; Đối thoại chính sách thông qua việc điều phối hợp tác song phương; Xây dựng các nghiên cứu kĩ thuật về cơ chế hỗ trợ cho điện sinh khối và khí sinh học; Tập huấn đào tạo cho các học viên trong lĩnh vực năng lượng sinh học; và hơn 50 doanh nghiệp đã được hỗ trợ kỹ thuật về hiệu quả năng lượng, chuyển đổi năng lượng từ sử dụng than sang sử dụng sinh khối.
HÀN QUỐC “MẠNH TAY” ĐẦU TƯ CHO NĂNG LƯỢNG SINH HỌC
Về phía Hàn Quốc, Giáo sư Lee Ho Kyu đến từ Đại học Hàn Quốc trình bày tham luận “Tổng quan về thị trường sinh học tại Hàn Quốc: Khung pháp lý về chính sách và các cơ quan chính phủ về năng lượng sinh học của Hàn Quốc” với đoàn công tác.
Giáo sư Lee Ho Kyu cho biết trong 5 năm qua, Chính phủ Hàn Quốc đã tài trợ tổng cộng 464.276 triệu won (tương đương với 8.400 tỷ đồng tiền Việt Nam) cho hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực sinh khối trong nước. Con số này tiếp tục tăng, với tốc độ tăng trung bình hàng năm là 22,7%. Với sự tài trợ của Chính phủ, tổng cộng đã có 1.956 dự án được triển khai trong 5 năm qua.
Chính sách năng lượng sinh học tại Hàn Quốc đều có sự tham gia của hầu hết các bộ ngành như: Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục, Bộ Công nghiệp, Cơ quan Xúc tiến Nông nghiệp, Bộ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn. Tuy nhiên, sự phối hợp của các Bộ ngành này chưa nhuần nhuyễn nên năng lượng sinh học chưa được quan tâm như các nguồn năng lượng khác.
"Trong phát triển năng lượng sinh học, Hàn Quốc và Việt Nam đều gặp phải vấn đề giống nhau, đó là thu gom và vận chuyển rác thải hữu cơ, phế thải từ trồng trọt và chăn nuôi để làm nguyên liệu sản xuất điện sinh học. Nhằm giải quyết vấn đề này, Hàn Quốc hiện có chính sách hỗ trợ thu gom theo phương thức gián tiếp, đó là hỗ trợ tiền nhân công thu gom nguồn nguyên liệu này".
Giáo sư Lee Ho Kyu, Đại học quốc gia Hàn Quốc.
Theo GS Lee Ho Kyu, Hàn Quốc đang phát triển mô hình Làng năng lượng sinh học, trong mỗi ngôi làng người dân tổ chức thu gom chất thải chăn nuôi, rác thải hữu cơ về một nơi tập trung sản xuất điện và điện này sẽ phục vụ cho nhu cầu điện tại chỗ trong làng. Mô hình này sẽ giảm được hệ thống truyền tải điện – vốn vừa gây thất thoát lớn, vừa đòi hỏi chi phí hạ tầng lới điện cao.
Sau phần chia sẻ của GS Lee Ho Kyu, GS Yoon Ji Woong - Cố vấn đặc biệt của Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc, thành viên Hội đồng Cố vấn về Khoa học và Công nghệ cho Tổng thống Hàn Quốc - đã trình bày tham luận “Chiến lược đổi mới công nghệ trung hòa carbon hướng đến tăng trưởng xanh của Hàn Quốc”.
Bài trình bày của GS Giáo sư Yoon Ji Woong đã đề cập đến nhiều vấn đề: Bối cảnh của tăng trưởng xanh trung hoà carbon; Đổi mới công nghệ và phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng sinh học; Ưu và nhược điểm của những công nghệ đang được sử dụng trong tăng trưởng xanh; Nghiên cứu các trường hợp điển hình từ những dự án trong và ngoài nước Hàn Quốc.
Giáo sư Yoon Ji Woong cho hay đổi mới công nghệ trung hòa cacbon là nhiệm vụ trọng tâm và vai trò chính thuộc về tư nhân. Hàn Quốc đề ra kế hoạch tiến tới chọn lựa 100 công nghệ cốt lõi về trung hòa Carbon.
Trong giai đoạn ngắn hạn (năm 2030)/trung hạn đến dài hạn (năm 2050), sẽ phân loại các công nghệ có thể góp phần giảm thiểu cacbon để đặt ra các mục tiêu công nghệ phù hợp cho từng giai đoạn mục tiêu. Từ đó, tăng cường chuỗi giá trị trung hòa carbon dựa trên công nghệ mang tính hệ thống tùy theo đặc điểm của từng lĩnh vực.
"Từ thu thập ý kiến và nhu cầu của khu vực tư nhân, Chính phủ Hàn Quốc sẽ xây dựng kế hoạch và chính sách phối hợp giữa nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học và tư nhân, áp dụng hệ thống điều chỉnh và phân bổ ngân sách tích hợp liên ngành, xem xét chi tiêu chiến lược cho các dự án trung hòa carbon ở cấp liên ngành", GS Yoon Ji Woong chia sẻ.
Trong thời gian một tuần tại Hàn Quốc, đoàn công tác đã và sẽ làm việc tại nhiều cơ quan của Hàn Quốc: Đại học Kyung Hee; Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST), Viện Khoa học Lâm nghiệp Quốc gia Hàn Quốc (NIFS), gặp mặt Cục trưởng Cục Chuyển đổi XanhBộ Môi trường Hàn Quốc, thăm và làm việc tại Công ty E&Chem Solutions – đơn vị sử dụng công nghệ phân giải kỵ khí để sản xuất điện, SLC (Landfill Management Corp) và nhà máy điện sinh khối PoSeung Green Power (LX International).