12:07 26/03/2015

Vietcombank “lấn” VietinBank trước dòng tiền lớn

Minh Đức

Vietcombank vừa tiến thêm một bước nữa đến với dòng tiền lớn, nơi từng và đang có VietinBank

Từ 1/10/2014, Vietcombank bắt đầu mở ra cơ hội đến với dòng tiền lớn, từ hợp tác với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để thu, thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Từ 1/10/2014, Vietcombank bắt đầu mở ra cơ hội đến với dòng tiền lớn, từ hợp tác với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để thu, thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Năm 2014, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là thành viên đi đầu giảm lãi suất huy động và áp các mức thấp nhất trên thị trường. Nhưng tổng huy động vẫn tăng trưởng mạnh.

Đến cuối 2014, dù áp lãi suất rất thấp nhưng tăng trưởng huy động vốn của Vietcombank đạt tới 26% so với 2013.

Đáng chú ý, tỷ trọng nguồn vốn không kỳ hạn chiếm tới khoảng 24% cơ cấu, là nguồn có lãi suất thấp tạo điều kiện quan trọng để cạnh tranh cho vay. Lợi thế này có một phần gắn với nhân tố là Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Lãi suất thấp, huy động vẫn tăng cao gắn với uy tín của ngân hàng và niềm tin của người gửi tiền. Nhưng có một điểm mới. Từ 1/10/2014, Vietcombank bắt đầu mở ra cơ hội đến với dòng tiền lớn, từ hợp tác với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để thu, thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Cơ hội thể hiện rõ ở kết quả bước đầu: tổng số doanh nghiệp mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại Vietcombank theo danh sách đã chốt với cơ quan Bảo hiểm Xã hội là 13.543 doanh nghiệp, trong đó 6.980 doanh nghiệp đã thực hiện nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vào tài khoản mở tại chi nhánh Vietcombank đã lên tới khoảng 4.427 tỷ đồng.

Đó mới chỉ là kết quả của giai đoạn đầu thí điểm, phạm vi thí điểm chỉ giới hạn ở địa bàn 11 tỉnh. Đến 31/3/2015, 6 tháng thí điểm đầu tiên kết thúc.

Trước thềm kết thúc giai đoạn trên, Vietcombank đã nhanh chóng ký tiếp hợp đồng mới với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Theo hợp đồng mới, việc thực hiện hợp tác thu, thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp sẽ được triển khai ở tất cả 50 tỉnh, thành phố có chi nhánh Vietcombank trên toàn quốc.

Một phạm vi mới, rộng hơn rất nhiều so với giới hạn 11 tỉnh trước đó, hứa hẹn quy mô dòng tiền sẽ lớn hơn nhiều so với 6 tháng thí điểm vừa qua. Lợi thế từ dòng tiền - vốn này cho Vietcombank trong kinh doanh sẽ càng thể hiện.

Với sự mở rộng đó, hay Vietcombank “lấn” thêm, các đối tác khác của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hẳn sẽ phải chia sẻ?

Từ những năm trước, thị trường biết đến mối quan hệ nổi bật giữa Bảo hiểm Xã hội Việt Nam với Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank). Trục chính của mối quan hệ cũng là hợp tác thu, thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Ngày 26/12/2014, VietinBank cũng đã có bước củng cố hợp tác với đối tác này bằng hợp đồng nguyên tắc mới.

VietinBank cũng đã tăng cường sự gắn bó bằng việc hỗ trợ Bảo hiểm Xã hội nâng cấp phần mềm quản lý quỹ, giúp đơn vị này tăng cường khả năng giám sát, quản lý tập trung quỹ bảo hiểm... trong thời gian qua.

Từ đầu năm 2012, VietinBank và Bảo hiểm Xã hội cũng đã triển khai việc mở và sử dụng tài khoản tiền gửi của các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm Xã hội tại hệ thống VietinBank. Qua đó, VietinBank khai thác và sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của tổ chức này.

Nhưng từ tháng 10/2014, sự tham gia của Vietcombank là nhân tố mới trước một dòng tiền lớn. Và nhân tố mới này chính thức mở rộng trong năm 2015, từ giới hạn hợp tác thu ở 11 tỉnh lên tới 50 tỉnh, thành phố nói trên.