Vietcombank và một kế hoạch quyết định nửa đầu 2018
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, trò chuyện với VnEconomy trước thềm xuân Mậu Tuất
Sau kết quả kinh doanh ấn tượng năm 2017, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang hướng đến những kế hoạch, chỉ tiêu lớn hơn trong năm 2018.
Trao đổi với VnEconomy, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank cho biết, sau khi cân đối lại, ngân hàng dự kiến sẽ nâng chỉ tiêu lợi nhuận năm nay, cũng như quyết tâm hoàn thành kế hoạch phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài để tăng vốn.
Tăng trưởng kỷ lục
Với kết quả năm 2017, Vietcombank hẳn đã có nhiều thay đổi và điều chỉnh trong kinh doanh, thưa ông?
Năm qua Vietcombank đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu trọng yếu đã được đại hội đồng cổ đông thông qua. Tổng tài sản đã vượt mức một triệu tỷ đồng. Nợ xấu đã được xử lý hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu đã được đưa về mức 1,1%, mức thấp nhất trong các tổ chức tín dụng.
Đặc biệt, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam đạt lợi nhuận vượt mốc 10.000 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế năm đạt 11.337 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng, tương đương 33% so với năm 2016.
Đây cũng là mức tăng trưởng kỷ lục của Vietcombank từ trước đến nay.
Đúng là Vietcombank đã có nhiều thay đổi và điều chỉnh trong chiến lược kinh doanh, hợp lý hơn. Trong năm 2017 ngân hàng đã xây dựng và quyết liệt triển khai đề án cơ cấu lại đến năm 2020 với các mục tiêu, định hướng gắn với hội nhập khu vực và quốc tế.
Theo định hướng đó, cũng như thay đổi rõ nhất trong hoạt động của Vietcombank những năm vừa qua là chuyển dịch mạnh mẽ từ chú trọng vào tốc độ tăng trưởng sang chú trọng về chất lượng, bền vững và hiệu quả.
Bên cạnh các hoạt động truyền thống, Vietcombank đã đặt ba trọng tâm kinh doanh để tập trung và dịch chuyển là bán lẻ, kinh doanh vốn và dịch vụ. Từ đây từng bước tạo ra những chuyển động có tính bước ngoặt.
Những kết quả trong năm 2017 đã góp phần củng cố niềm tin, hình ảnh, thương hiệu của Vietcombank trong nước và quốc tế, tiếp thêm động lực cho chúng tôi nỗ lực phấn đấu để đạt được những kết quả tốt hơn trong năm 2018.
Ba trọng tâm nói trên cũng là xu hướng hoạt động của các ngân hàng Việt Nam?
Chúng ta thấy rằng, tại các thị trường phát triển, hoạt động bán lẻ và dịch vụ đóng góp tỷ trọng khá cao và ngày càng gia tăng trong cơ cấu thu nhập của ngân hàng. Đó cũng là xu hướng tất yếu của ngân hàng Việt Nam trong tương lai.
Sự phát triển của nền kinh tế xã hội và nền tảng công nghệ tại Việt Nam đã tạo nên xu hướng mới trong chi tiêu, tiêu dùng và nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính của bộ phận dân số trẻ với thu nhập ngày càng tăng.
Được coi là mảng kinh doanh với tỷ suất sinh lời tốt và mức độ rủi ro thấp hơn, cho vay bán lẻ và dịch vụ thực sự là xu hướng chính cho hoạt động ngân hàng tại Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.
Nắm bắt được xu hướng phát triển ấy, từ vài năm trở lại đây, Vietcombank đã chủ động đẩy mạnh hoạt động bán lẻ và dịch vụ, bước đầu đã đạt được những thành công nhất định.
Chúng tôi đặt mục tiêu tới năm 2020 trở thành ngân hàng đứng đầu về bán lẻ, đồng thời tăng tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ lên mức 30% tổng thu nhập.
Trong năm 2017, bên cạnh sự dịch chuyển với ba trọng tâm trên, Vietcombank tiếp tục "rắn" với nợ xấu, khi có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu lên tới hơn 130%. Như vậy có quá thận trọng không, thưa ông?
Chúng tôi đã xác định, một trong 6 mục tiêu chiến lược đến năm 2020 là trở thành ngân hàng quản trị rủi ro theo thông lệ tốt nhất. Theo đó, hệ thống xếp hạng tín nhiệm khách hàng và chính sách phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro được thực hiện trên quan điểm thận trọng, bền vững, tuân thủ quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Vietcombank đã trở thành ngân hàng đầu tiên xử lý sạch nợ tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vào 2016, chỉ sau hai năm tập trung xử lý nợ xấu, sớm trước ba năm so với đề án. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của Vietcombank luôn ở nhóm cao nhất trong số các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Còn như vậy có quá thận trọng hay không, thì đây là đặc điểm của ngân hàng trong nhiều năm qua, gắn với quan điểm quyết liệt và phải thực sự chủ động với rủi ro nợ xấu trong hoạt động. Như từ năm 2009, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của Vietcombank cũng từng đạt tới 132,2%, năm 2011 cũng ở mức cao với 125,1%.
Giao dịch lịch sử
Cũng trong năm vừa qua, Vietcombank đã thực hiện giao dịch lịch sử với thương vụ Nhà nước thoái vốn tại Sabeco. Và đây cũng là một nhân tố thúc đẩy tổng tài sản ngân hàng lần đầu tiên vượt mốc một triệu tỷ đồng. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về giao dịch này?
Trong thương vụ Nhà nước thoái vốn tại Sabeco, Vietcombank đóng vai trò là ngân hàng cung cấp các dịch vụ, bao gồm mở tài khoản đặt cọc, thanh toán, ký quỹ, bảo lãnh và chuyển đổi ngoại tệ của thương vụ này với tổng giá trị ngoại tệ vào khoảng 5 tỷ USD, để nhà đầu tư có thể chuyển đổi tiền đầu tư sang VND thanh toán tiền mua cổ phần tại Sabeco.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngân hàng Việt Nam, một giao dịch có quy mô lớn như vậy chỉ được thực hiện bởi duy nhất một ngân hàng.
Điều này phần nào thể hiện nên tảng tài chính vững mạnh của chúng tôi, và đồng thời cũng thể hiện sự quyết tâm của chúng tôi trong việc đồng hành các doanh nghiệp, nhằm mang đến các giải pháp tài chính tối ưu, nhanh chóng và hiệu quả để đáp ứng nhu cầu kinh doanh và phát triển của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Giao dịch này tạo ra hiệu quả kinh doanh kép của Vietcombank và quan trọng hơn, khẳng định sự chuyên nghiệp, uy tín thương hiệu, mở ra nhiều cơ hội mới cho ngân hàng.
Năm 2018, Vietcombank dự kiến trình đại hội đồng cổ đông chỉ tiêu lợi nhuận 13.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2017.
Năm 2018, tại hội nghị triển khai kế hoạch vừa qua, Vietcombank dự kiến chỉ tiêu lợi nhuận khoảng 12.000 tỷ đồng. So với kết quả 11.337 tỷ đồng năm 2017 thì mức độ tăng trưởng của chỉ tiêu đó khá khiêm tốn, thưa ông?
Đúng là tại hội nghị vừa qua chúng tôi bước đầu đề ra chỉ tiêu đó. Vietcombank luôn chú trọng tăng trưởng đi đôi với chất lượng và bền vững.
Tuy nhiên, sau khi xem xét các cân đối và triển vọng, năm 2018, Vietcombank dự kiến sẽ trình đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận là 13.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm 2017.
Với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, chúng tôi tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Chào bán 10% vốn
Trong năm 2017, điều mà Vietcombank vẫn chưa thực hiện được là tăng vốn qua chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Ông có thể cho biết định hướng và phương án của kế hoạch này?
Cùng với việc đặt ra các mục tiêu phát triển cao hơn về quy mô, hiệu quả cũng như áp dụng các chuẩn mực quản trị và tỷ lệ an toàn khắt khe hơn, Vietcombank đã chủ động lên kế hoạch tăng vốn và đã được đại hội đồng cổ đông thông qua về mặt chủ trương.
Đồng thời, chúng tôi cũng nhận được chấp thuận từ phía Ngân hàng Nhà nước về phương án phát hành và đang tích cực gấp rút triển khai các bước tiếp theo.
Phương án tăng vốn của Vietcombank hiện nay là phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với quy mô tương đương 10% vốn điều lệ hiện tại.
Giá phát hành sẽ được xác định trên cơ sở định giá của một tổ chức thẩm định giá có năng lực và uy tín, đồng thời trên cơ sở tham chiếu giá thị trường để đảm bảo mang lại lợi ích tốt nhất cho ngân hàng và cổ đông.
Chúng tôi tin tưởng có thể hoàn thành đợt tăng vốn trong 6 tháng đầu năm 2018.