14:05 31/05/2023

VietJet Air muốn phát hành 2.000 tỷ trái phiếu để thanh toán lương, bảo hiểm, đặt cọc tàu bay

Khánh Linh

Mục đích lô trái phiếu 2.000 tỷ của VJC nhằm bổ sung nguồn vốn sản xuất kinh doanh của công ty để chi trả các chi phí hoạt động về xăng dầu, chi phí cảng, điều hành bay, kỹ thuật, lương, bảo hiểm, thanh toán đặt cọc tàu bay và các chi phí khác.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hội đồng quản trị Công ty CP Hàng không Việt Nam vừa thông qua phương án phát hành riêng lẻ 2.000 tỷ đồng trái phiếu mục đích nhằm bổ sung nguồn vốn sản xuất kinh doanh của công ty để chi trả các chi phí hoạt động về xăng dầu, chi phí cảng, điều hành bay, kỹ thuật, lương, bảo hiểm, thanh toán đặt cọc tàu bay và các chi phí khác.

Trái phiếu kỳ hạn 60 tháng, là trái phiếu doanh nghiệp thông thường, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Lãi suất cố định tối đa 12%/năm cho 2 kỳ tính lãi đầu tiên, các kỳ tính lãi còn lại sẽ tính lãi suất bằng tổng của biên độ tối đa 3,5%/năm và lãi suất tham chiếu.

Báo cáo tài chính quý 1/2023 của công ty mẹ ghi nhận, doanh thu vận chuyển hàng không của Vietjet đạt 12.880 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng, tăng lần lượt 286% và 320% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu hoạt động phụ trợ đạt 4.312 tỷ đồng, đóng góp hơn 33% tổng doanh thu.

Về kết quả kinh doanh hợp nhất, Vietjet ghi nhận doanh thu và lãi sau thuế đạt lần lượt 12.898 tỷ đồng và 173 tỷ đồng tăng 185% và giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong Q1/2023, Vietjet đã thực hiện 31,3 nghìn chuyến bay và vận chuyển 5,4 triệu lượt khách, tăng 57% và 75% so với Q1/2022.  Vietjet đã mở thêm 10 đường bay mới, trong đó 4 đường bay nội địa và 6 đường bay quốc tế, nâng tổng số đường bay cuối Q1/2023 lên 55 đường bay nội địa và 50 đường bay quốc tế. 

Hoạt động vận chuyển hàng hoá cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao đạt hơn 14,8 nghìn tấn hàng hóa, tăng 20% so với Q1/2022.

Lợi nhuận gộp vận tải hàng không Q1/2023 đạt 1.081 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận gộp 8,4% và lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng, tăng 320% so với Q1/2022.

Vietjet đánh giá năm 2023 là một năm tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận nhờ vào giá nhiên liệu bay được dự báo sẽ giảm từ 20% – 30% so với mức trung bình 2022, thị trường Trung Quốc mở cửa và các chính sách nới lỏng thị thực từng bước được áp dụng. Bên cạnh đó, việc Chính phủ xem xét tháo dỡ giá trần cũng là một nhân tố quan trọng giúp Vietjet và các hãng hàng không phục hồi nhanh, tăng năng lực cạnh tranh với các hãng bay quốc tế.