14:02 23/03/2023

Vietnam Access Days 2023: Điểm hẹn của nhà đầu tư tổ chức và các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam

Minh Nguyễn

Đến hẹn lại lên, hội nghị đầu tư lớn hàng đầu Việt Nam - Vietnam Access Days (VAD) - do CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCI) vừa tổ chức tại TP.HCM đã kết nối các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam…

Diễn giả Nguyễn Xuân Thành (Fulbright) trình bày tại hội nghị VAD 2023.
Diễn giả Nguyễn Xuân Thành (Fulbright) trình bày tại hội nghị VAD 2023.

Năm nay là năm thứ 10 sự kiện VAD 2023 được tổ chức, ghi nhận sự tham gia của 350 nhà đầu tư, hơn 30 doanh nghiệp, 22 diễn giả là các chuyên gia đầu ngành, 6 phần thuyết trình chiến lược đầu tư của đội ngũ phân tích VCI, cùng 5 chuyến đi thăm thực tế các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dự án của các doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tận dụng VAD 2023 là cơ hội để quay trở lại thăm Việt Nam sau vài năm gián đoạn vì Covid-19.

Điểm nổi bật của VAD 2023 là sự góp mặt của các diễn giả, chuyên gia đầu ngành thuyết trình về các chủ đề đặc sắc được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ví dụ như: Ngành dịch vụ IT (trình bày bởi FPT Software và Rikkeisoft), Ngành BĐS công nghiệp (BW Industrials), Triển vọng phục hồi ngành BĐS (VinaCapital, JLL và Frasers Property), Xu hướng người tiêu dùng (Cimigo), E-Commerce (Tiki), Fintech (Techcombank, VPBank, Momo), Start-ups (Ascend Vietnam Ventures), Kinh tế vĩ mô Việt Nam (Fulbright), Chuỗi cung ứng lạnh (ABA Cooltrans), Giáo dục Online (Marathon Education), Môi trường đầu tư Việt Nam (Freshfields) và ESG (PwC).

Đối với triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, VAD 2023 ghi nhận nhiều quan điểm cho rằng sẽ có nhiều thách thức, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2023.

Ông Nguyễn Xuân Thành, đại học Fulbright, chỉ ra những thách thức chính trong ngắn hạn bao gồm tăng lãi suất ở Mỹ, áp lực lạm phát và những vấn đề trên thị trường bất động sản và trái phiếu ở Việt Nam.

Tuy nhiên, các diễn giả tại VAD vẫn đánh giá cao triển vọng kinh tế dài hạn của Việt Nam. Nguồn nhân lực là tài sản quan trọng và là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn của Việt Nam.

Theo ông Richard Burrage đến từ đơn vị nghiên cứu thị trường Cimigo, 62% dân số Việt Nam đang ở trong độ tuổi lao động với một nửa trong số đó đang ở lứa tuổi 20-39 tuổi. Việt Nam cũng ghi nhận tỷ lệ tham gia lao động đối với nữ giới là 88%, cao hơn nhiều so với 40% ở Indonesia và 25% ở Ấn Độ. Tương tự, ông Phan Thế Dũng, CEO của Rikkeisoft, chỉ ra rằng nhân sự IT có tay nghề cao nhưng chi phí cạnh tranh là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam trở thành điểm đến của ngành dịch vụ IT toàn cầu vốn có quy mô hàng nghìn tỷ USD.

Đông đảo khách mời quốc tế từ nhiều lĩnh vực đến tham dự hội nghị.
Đông đảo khách mời quốc tế từ nhiều lĩnh vực đến tham dự hội nghị.

Về phía đơn vị tổ chức, ông Tuấn Nhan - Giám đốc Điều hành VCI cũng nêu lên những chủ đề được quan tâm nhất hiện nay, trong đó nhấn mạnh về thị trường bất động sản Việt Nam 2023.

Theo ông Tuấn Nhan, trong ngắn hạn, thị trường sẽ còn im ắng. Sự ra đời của Nghị định 08/2023 sẽ phần nào tác động tích cực lên tâm lý thị trường và cho doanh nghiệp thêm thời gian để tái cấu trúc tình hình tài chính. Tuy vậy, vẫn cần thêm các giải pháp khác để thị trường bất động sản vận hành tốt trở lại. Ví dụ, tuy nhu cầu nhà ở vẫn còn rất nhiều nhưng giá bất động sản cần phải hợp lý hơn, tình trạng pháp lý của các dự án cần rõ ràng hơn, và mặt bằng lãi suất cần giảm để kích thích nhu cầu vay mua nhà của người dân.

Vấn đề được quan tâm sau bất động sản là đầu tư công. Cũng theo ông Tuấn Nhan, đầu tư công vào cơ sở hạ tầng sẽ tăng trưởng mạnh trở lại với một loạt các dự án trọng điểm như Nhà ga T3 Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đường cao tốc Bắc-Nam và các đường vành đai ở TP.HCM. Đầu tư công sẽ có hiệu ứng lan tỏa lên nền kinh tế vì ngoài việc tăng nhu cầu đối với vật liệu xây dựng, đầu tư công sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân, qua đó thúc đẩy thu nhập và tiêu dùng.

Đối với cơ hội đầu tư theo ngành, ông Tuấn Nhan đánh giá cao ngành tiêu dùng và ngân hàng. Đối với ngành ngân hàng, định giá ngành này đang ở mức thấp nhất kể từ giai đoạn khủng hoảng trước đây của Việt Nam (2009-2011) mặc dù sức khỏe ngành ngân hàng hiện nay là tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn khủng hoảng trước (ví dụ: tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ lãi trên vốn chủ sở hữu, tỷ lệ bao phủ nợ xấu, áp dụng chuẩn Basel II thay vì Basel I như trước đây).

Trong ngắn hạn, trước những rủi ro khó lường trước như vấn đề tăng lãi suất ở Mỹ hay các sự kiện trong nước, ông Tuấn Nhan khuyến nghị nhà đầu tư trong nước nên ưu tiên quản trị rủi ro, tránh dùng quá nhiều đòn bẩy trong đầu tư.

Ông Tuấn Nhan - Giám đốc Điều hành VCI giao lưu với khách mời bên lề hội nghị.
Ông Tuấn Nhan - Giám đốc Điều hành VCI giao lưu với khách mời bên lề hội nghị.

Sự kiện VAD kết thúc thành công với nhiều thông tin quý báu được chia sẻ đến cộng đồng nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời mang tới nhiều kỳ vọng về một tương lai đầy khởi sắc cho nền kinh tế nước nhà.
“Tôi vẫn có sự tự tin mạnh mẽ rằng Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng khổng lồ trong thập kỷ tới”, ông Tuấn Nhan nhấn mạnh.