Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert 2019: Đỉnh cao cổ điển “xuống phố”, tiếp tục thăng hoa
Tối mồng 5/10, bên Tượng đài Lý Thái Tổ, Dàn nhạc giao hưởng London (London Symphony Orchestra - LSO) đã cống hiến cho công chúng Thủ đô màn trình diễn đỉnh cao qua sự dẫn dắt tuyệt vời của Sir Simon Rattle, một trong những nhạc trưởng vĩ đại nhất mọi thời.

Đây là lần thứ ba Dàn nhạc giao hưởng London biểu diễn tại Việt Nam trong khuôn khổ Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert. Trong nỗ lực giới thiệu tinh hoa văn hóa thế giới đến với đại chúng, nhà tổ chức Vietnam Airlines và TP. Hà Nội đã quyết định để các nghệ sĩ của LSO "hòa mình" vào không gian phố đi bộ, tạo ra buổi hòa nhạc cổ điển vừa gần gũi vừa thân thiện, nhưng vẫn giữ được vẹn nguyên đẳng cấp của một dàn nhạc ở tầm cỡ quốc tế.
Năm nay, LSO cử hành quốc thiều Việt Nam, bản Tiến Quân Ca bằng một bản phối mới, đĩnh đạc và trang nghiêm, tuy nhiên, lại thêm phần hào hùng nhờ việc tận dụng hết thế mạnh của dàn contrabass, cello và bộ đồng. Ngay sau đó, chương trình được khai màn bằng khúc Overture Roman Carnival của Hector Berlioz. Nét nhạc thanh tao như một buổi sớm mai ở nửa đầu tiên được diễn tả đầy mộng mơ qua âm thanh trong trẻo của dàn dây để rồi biến chuyển rất nhanh thành tưng bừng, rộn rã của một lễ hội hóa trang khi cả dàn nhạc cùng tham gia để tiến đến cái kết đầy hoành tráng.
Trong khi đó, chỉ với chương nhạc ngắn ngủi Adagietto trong Giao hưởng số 5 của Gustav Mahler, nhạc trưởng Simon Rattle đã dễ dàng thể hiện trọn vẹn tài nghệ xuất sắc của mình cũng như sự thấu hiểu tác giả đến chân tơ kẽ tóc. Adagietto dưới ngọn đũa của Sir Simon Rattle vang lên chậm rãi, êm ái, lắng đọng nhưng lại có sức lan tỏa như mây giăng mờ trên đỉnh núi. Một chương nhạc cực giàu hình ảnh với điểm nhấn là tiếng đàn thụ cầm len lỏi trong tiếng các nhạc cụ khác như cơn gió heo may thoáng qua báo hiệu mùa thu về.
Và bầu không khí vui tươi, sống động của những ngày hội chốn thôn quê đã được thổi bùng lên trong Slavonic Dance (Op. 46, No.7) của Antonín Dvorak để được tiếp nối bằng chương Allegretto grazios và Allegro con spiritto trong Giao hưởng số 2 cung Rê trưởng của Johannes Brahms. Có thể nhận ra các nghệ sĩ của LSO đã thăng hoa thế nào khi được nghe tiếng bè violin mướt mải "bay" trong không gian, tiếng bè contrabass "gầm gừ" hay những tiếng trống rền vang không một lần lỡ nhịp. Tất cả như được truyền nguồn cảm hứng bất tận từ Sir Simon Rattle, người luôn "cháy" hết mình mỗi khi bước chân lên bục nhạc trưởng.
Năm nay, lần đầu tiên dàn loa "khủng" lên đến 80 thùng kèm công nghệ độc quyền L-ISA của L-Acoustics (Pháp) được sử dụng tại Hanoi Concert nhằm mục đích mang đến những trải nghiệm chân thực và sống động nhất. Công nghệ này hiện đang được vô số dàn nhạc, ban nhạc và nghệ sĩ hàng đầu thế giới sử dụng trong các tour lưu diễn nhờ khả năng tái tạo sân khấu và vị trí nhạc cụ cực kỳ chính xác, đồng thời giúp người nghe dù ngồi ở vị trí nào cũng có thể thưởng thức âm thanh chi tiết và rõ nét, gần giống như khán phòng tiêu chuẩn.
Sau đoản khúc đẹp đẽ và lãng mạn Gymnopédie của Erik Satie, LSO và nhạc trưởng Simon Rattle đã dành tặng công chúng một bất ngờ thú vị: bản nhạc The Young Person’s Guide To The Orchestra, do Benjamin Britten sáng tác năm 1945. Đúng như tên gọi, có thể coi đây là tác phẩm "nhập môn" nhạc cổ điển khi giai điệu chủ đề lần lượt được chơi bởi các bè nhạc cụ riêng biệt, để công chúng hiểu thêm về cơ cấu và kiểu cách thể hiện của một dàn nhạc giao hưởng. Sự ăn ý đến tuyệt vời giữa các nghệ sĩ cũng được thể hiện rõ nét trong bản nhạc này qua việc chuyển tiếp cực kỳ mạch lạc giữa các nhạc cụ và một lần nữa, vai trò của người cầm trịch lại được đề cao: Sir Simon Rattle đã giúp The Young Person’s Guide To The Orchestra trở nên vui nhộn và sống động hơn.







Sự hiện diện của LSO và nhạc trưởng Sir Simon Rattle chính là là món quà đầy ý nghĩa Vietnam Airlines dành tặng cho mùa thu Hà Nội, cho công chúng thủ đô trong những ngày tháng Mười lịch sử này.