“Viettel đang quan tâm đầu tư vào Triều Tiên, Cuba”
Viettel hiện có khoảng 60 triệu thuê bao ở Việt Nam và hơn 30 triệu thuê bao tại 10 quốc gia khác
Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đang có kế hoạch tăng gấp đôi lượng thuê bao ở Myanmar từ mức 5 triệu hiện nay trong năm 2019, đồng thời quan tâm đến việc đầu tư vào thị trường Triều Tiên và Cuba - Tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng tiết lộ trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters.
"Tốc độ tăng trưởng ở Myanmar là hiếm thấy trên thị trường viễn thông", ông Dũng phát biểu. "Chúng tôi vẫn còn dư địa để tăng trưởng ở đó".
Vào tháng 6 năm ngoái, Viettel và các đối tác Myanmar đã đưa mạng 4G trị giá 1,5 tỷ USD đi vào hoạt động. Ông Dũng nói rằng Myanmar đã nổi lên thành một trong những thị trường hứa hẹn nhất của Viettel.
Nhà mạng Mytel, một liên doanh giữa Viettel với hai công ty Myanmar là Myanmar National Holding Public Ltd và Star High Public Co Ltd, hiện có khoảng 5 triệu thuê bao - một con số mà ông Dũng dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong năm nay.
Ông cho biết Viettel đang tiến hành đàm phán để mua cổ phần trong một số công ty viễn thông ở Malaysia và Indonesia, nhưng không nói chi tiết hơn. Tại thị trường Việt Nam, Viettel sẽ là nhà mạng đầu tiên phát triển mạng 5G.
Theo vị Tổng giám đốc, Viettel đã phân bổ số vốn 40 triệu USD để phát triển chipset 5G của riêng mình, nhưng cũng xem xét sử dụng công nghệ từ Ericsson và Nokia.
Viettel hiện có khoảng 60 triệu thuê bao ở Việt Nam và hơn 30 triệu thuê bao tại 10 quốc gia khác, chủ yếu ở châu Á và châu Phi.
Ông Dũng nói Viettel cũng đang đàm phán mua cổ phần 20% trong một nhà mạng châu Âu, nhưng không cho biết cụ thể hơn.
Tuy nhiên, ông Dũng nói rằng Viettel dự định dừng mở rộng đầu tư tại thị trường châu Phi, nơi công ty khó đạt được lợi nhuận vì tăng trưởng kinh tế kém.
Mặc dù vậy, Viettel đang xem xét đầu tư vào Triều Tiên, ông Dũng tiết lộ. Tại thị trường Triều Tiên, Koryolink - một liên doanh giữa Chính phủ Triều Tiên và nhà mạng Orascom của Ai Cập - đã đạt hàng triệu thuê bao kể từ khi đi vào hoạt động năm 2008.
"Chúng tôi lần đầu xin giấy phép xây dựng mạng di động Triều Tiên vào năm 2010", ông Dũng tiết lộ.
"Nhưng chúng tôi vẫn đang chờ Triều Tiên được dỡ trừng phạt và nước này mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài".