Viettel lãi gần 2 tỷ đô năm 2023, doanh thu từ nước ngoài tăng trưởng hơn 20%
Năm 2024, Viettel đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn tăng 7,2%, nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài với tỷ lệ hoàn vốn đạt 84%...
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) mới đây đã chính thức công bố báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023. Theo đó, trong năm 2023, Viettel ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 172.520 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022 và hoàn thành 102,2% kế hoạch. Doanh thu riêng công ty mẹ đạt 103.570 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tập đoàn năm 2023 đạt 46.330 tỷ đồng, tăng hơn 2,6% so với năm 2022 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 35.267 tỷ đồng, tăng gần 1% so với cùng kỳ; lần lượt hoàn thành 104,6% và 104,1% kế hoạch năm 2023. Đây là mức lợi nhuận trước thuế cao nhất của Viettel kể từ năm 2014 đến nay.
Với mức lợi nhuận tăng trưởng mạnh, thu nhập bình quân của người lao động tại Viettel và các công ty con là 30,63 triệu đồng/người/tháng, tại riêng công ty mẹ, thu nhập bình quân của người lao động là 45,42 triệu đồng/người/tháng. Con số này tăng đáng kể so với năm 2022. Năm 2022, lương bình quân nhân viên công ty mẹ là 40,44 triệu đồng/người/tháng; toàn tập đoàn là chưa đến 26 triệu đồng một người/tháng.
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Viettel ở mức 296.249 tỷ đồng, tăng 11.987 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Phần lớn trong đó là tài sản ngắn hạn với 230.067 tỷ đồng, chiếm 77,66% tổng tài sản của Tập đoàn.
Nợ phải trả của công ty ở mức 106.595 tỷ đồng, giảm hơn 600 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó, nợ ngắn hạn là 74.064 tỷ đồng, chiếm 69% nợ phải trả và nợ dài hạn là 32.531 tỷ đồng, chiếm 31%. Vốn chủ sở hữu của Viettel tại cuối năm 2023 ở mức 189.654 tỷ đồng.
Tại cuộc họp đầu năm với Bộ Thông tin và Truyền thông, Viettel cho biết, doanh thu từ nước ngoài của Viettel tăng trưởng hơn 20%. Các thương hiệu viễn thông của tập đoàn đang đứng đầu tại 6 thị trường gồm Haiti, Campuchia, Lào, Myamar, Đông Timor và Bunrudi.
Năm vừa qua, Viettel cũng đã hoàn thành nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm diện rộng hệ sinh thái sản phẩm 5G gồm cả phần cứng và phần mềm. Trong đó, tập đoàn nghiên cứu thành công Chip 5G DFE (là thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G, với khả năng tính toán lên tới 1.000 tỷ phép tính mỗi giây) - đánh dấu bước tiến đột phá trong ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Năm 2024, Viettel đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn tăng 7,2%, cũng như tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài với tỷ lệ hoàn vốn đạt 84%. Đồng thời, tập đoàn cũng lên kế hoạch chuyển dịch toàn bộ thuê bao 2G lên 4G trước tháng 9/2024.
Viettel cũng cho biết mục tiêu triển khai tuyến vận chuyển đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc. Trước đó, để tìm kiếm không gian mới, Viettel Post - đơn vị thành viên của tập đoàn chuyên về chuyển phát nhanh đã xúc tiến xây dựng tuyến vận chuyển giữa Trung Quốc, Việt Nam, ASEAN và đề án cửa khẩu thông minh.