07:00 01/05/2022

Vinatex “ăn lên làm ra” ngay từ quý 1/2022

Vũ Khuê

Hoạt động sản xuất kinh doanh quý 1/2022 của Vinatex có kết quả tốt nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây...

Quý 1/2022 ngành may tăng trưởng 167% so với cùng kỳ.
Quý 1/2022 ngành may tăng trưởng 167% so với cùng kỳ.

Những tín hiệu rõ nét nhất để chứng minh cho nhận định này, theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), đó là sản xuất kinh doanh cả ngành sợi và may đều duy trì ổn định, ngành vải dệt kim đã có cải thiện về liên kết, sản lượng và giá thành

SỢI VÀ MAY TĂNG TRƯỞNG CAO, DỆT KIM CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Báo cáo tại “Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh quý 1, triển khai nhiệm vụ quý 2/2022”, cho thấy, tổng doanh thu hợp nhất của Vinatex trong quý I đạt 5.152,46 tỷ đồng bằng 144,2% so với cùng kỳ, đạt 28,5% kế hoạch năm 2022.

Lợi nhuận trước thuế đạt 376,7 tỷ đồng, bằng 173,9% so với quý 1/2021, bằng 39,6% kế hoạch năm. Trong đó có sự tăng trưởng mạnh của cả ngành sợi và ngành may. Cụ thể ngành sợi tăng 139% và ngành may tăng 167% so với cùng kỳ.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex, hai ngành sợi và may có sự tăng trưởng cao trong quý 1/2022 so với cùng kỳ là do tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, trong khi các đơn hàng đã được ký từ năm 2021.

Với ngành sợi, các đơn vị vẫn tận dụng tốt cơ hội từ thị trường, giá bông tốt vì có sự tích trữ từ năm 2021. Ông Nguyễn Đức Trị, Phó Tổng giám đốc Vinatex, thông tin hiện ngành sợi đã hoàn thành được 63% kế hoạch năm. Tuy nhiên hiện nay giá bông hiện đang cao hơn giá bán sợi gây ra không ít khó khăn cho các đơn vị.

Còn với ngành may, tình hình lao động ổn định do dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, đơn hàng đầy tải, thậm chí có nhiều đơn vị đã ký kết đơn hàng đến quý 3/2022.

Ông Lê Mạc Thuấn, Phó Tổng Giám đốc Vinatex, chia sẻ năm 2021 ngành may khu vực phía Nam gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là sự chuyển dịch nguồn lao động tại các khu vực sản xuất công nghiệp lớn về các địa phương.

Tuy nhiên tới đầu năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, lao động quay trở lại làm việc, tăng trưởng của ngành may đã quay lại thời điểm năm 2019 – khi chưa xảy ra dịch bệnh.

Theo thống kê, doanh thu trung bình của các đơn vị trong hệ thống ngành may của Vinatex tại khu vực phía Nam đều tăng trung bình 1,2 – 1,5 lần, đặc biệt có đơn vị tăng tới 2 lần doanh thu so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu quý 1 của Tổng Công ty Việt Tiến tăng 10%, Nhà Bè tăng 20%, May Đồng Nai doanh thu tăng 100%, Tổng công ty miền Nam doanh thu tăng 100%, lao động tăng hơn 400 người; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vinatex doanh thu tăng 70% so với quý 1/2021…

Ngoài ra, thị trường xuất khẩu của ngành may hiện tương đối tốt. Các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đều được các đối tác quay trở lại đặt, đơn hàng dài, số lượng lớn.

Ngoài ngành sợi và may, ngành dệt kim quý 1 cũng có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là sau khi Tập đoàn đã tìm kiếm được đối tác chiến lược. Ông Nguyễn Song Hải, Phó Tổng giám đốc Vinatex, cho biết sản lượng sản xuất quý 1 năm 2022 bằng 6,2 lần so với cùng kỳ.

Trong đó, Dệt kim Đông Xuân, Dệt kim Hanosimex đều có lợi nhuận đạt gần 30% kế hoạch năm. Hiện các đơn vị đang làm việc với đối tác mới để hợp tác sản xuất sợi recycle, sau đó chuyển qua sản xuất vải và may cùng trong hệ thống của Vinatex.

TIẾP TỤC BÁM SÁT THỊ TRƯỜNG, THÍCH ỨNG LINH HOẠT

Đánh giá về bức tranh sáng này, ông Thuấn cho rằng, xu hướng hiện nay các khách hàng đều muốn giảm bớt trung gian để làm trực tiếp với các đơn vị sản xuất nhằm giảm bớt chi phí.

Đồng thời, với chính sách Zero Covid của Trung Quốc, nhiều khách hàng lo ngại sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung, gián đoạn chuỗi cung ứng nên có xu hướng chuyển đơn hàng sang các nước lân cận. Việt Nam đang có lợi thế trong khu vực về ngành hàng dệt may.

Tuy nhiên, ông Hiếu nhìn nhận, thị trường quý 2 và những tháng cuối năm sẽ có nhiều tình huống bất định. Nếu xung đột Nga – Ukaina còn căng thẳng, lạm phát, chi phí logistics còn leo thang, thị trường sẽ có nhiều diễn biến khó lường.

Do đó, lãnh đạo Vinatex yêu cầu các Phó Tổng giám đốc phụ trách các ngành và các ban chức năng tham mưu cần bám sát thị trường, linh hoạt thích ứng để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh trong quý 2 và cả năm 2022.

Mặt khác, công tác dự báo, theo dõi sát thị trường cần phải sát sao hơn nữa để có những điều chỉnh linh hoạt.

Để đạt được kế hoạch trong quý 2, ông Trị cho biết, một số giải pháp ngắn hạn đã được các đơn vị áp dụng như: chuyển đổi chi số sợi, thay đổi mặt hàng, sản xuất các loại sợi pha mới để giảm nguyên liệu bông đầu vào.

Về dài hạn, với sự chỉ đạo của Hội đồng quản trị và cơ quan điều hành, sẽ phải xây dựng ngành sợi thành một hệ thống có tiêu chuẩn chung, giảm thiểu những rủi ro trong toàn bộ các đơn vị.

Đồng thời, nâng cao chuỗi cung ứng, kết nối các đơn vị sợi sang các đơn vị dệt kim theo chiến lược chung của Tập đoàn. Với các đơn vị sản xuất sợi có nhiều thiết bị lâu năm, sẽ đầu tư theo chiều sâu để thay thế thiết bị cũ, nâng cao năng suất và hiệu quả của từng đơn vị.

Tổng công ty Dệt May miền Bắc Vinatex trong thời gian tới cũng sẽ triển khai các thủ tục để đầu tư 2 cụm khu công nghiệp dệt may tại Thái Bình và Thanh Hóa, có sản xuất dệt nhuộm nhằm tăng quy mô chuỗi cung ứng cho Tập đoàn, nhất là khâu dệt nhuộm đang còn yếu.