07:00 06/09/2024

Vĩnh Phúc đề nghị nâng cấp Quốc lộ 2C, ưu tiên đầu tư đoạn đi trùng Vành đai 5 vùng Thủ đô

Anh Tú

Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm, ưu tiên nguồn lực để sớm đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 2C qua địa bàn tỉnh. Trước mắt, cử tri địa phương đề nghị đầu tư đoạn trùng tuyến đường Vành đai 5 vùng Thủ đô từ cầu Vĩnh Thịnh đến nút giao IC.5 (cao tốc Nội Bài - Lào Cai)...

Theo quy hoạch, Vành đai 5 dài khoảng 331 km đi qua 36 quận, huyện của Hà Nội và 7 tỉnh lân cận.
Theo quy hoạch, Vành đai 5 dài khoảng 331 km đi qua 36 quận, huyện của Hà Nội và 7 tỉnh lân cận.

Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng Quốc lộ 2C là tuyến giao thông có vị trí và vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đang chủ trương nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống đường gom hai bên tuyến Quốc lộ 2C để tạo điều kiện khai thác quỹ đất, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị, đảm bảo an toàn giao thông.

"Tuy nhiên, việc đầu tư đường gom hai bên cần phải được đầu tư đồng thời hoặc sau khi tuyến Quốc lộ 2C được Bộ Giao thông vận tải đầu tư mở rộng, đặc biệt là đoạn đi trùng Đường vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội", cử tri tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh.

Mặt khác, tuyến Quốc lộ 2C qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc lưu lượng giao thông rất lớn trong khi tuyến đang được khai thác với quy mô nhỏ, hẹp (cơ bản là 2 làn xe), dẫn đến thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Do đó, việc nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 2C rất cần thiết.

Phản hồi kiến nghị cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quốc lộ 2C có chiều dài khoảng 272 km, trong đó, đoạn từ cầu Vĩnh Thịnh đến nút giao IC.5 đi trùng tuyến đường Vành đai 5 vùng Thủ đô, cao tốc 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Về đầu tư đường Vành đai 5 nói chung, Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc về sự cần thiết đầu tư tuyến đường Vành đai 5 vùng Thủ đô, trong đó có đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc để đáp ứng nhu cầu vận tải, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khu vực.

"Tuy nhiên, do còn khó khăn về nguồn lực nên chưa thể bố trí vốn để đầu tư đoạn tuyến trong giai đoạn 2021 - 2025", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Bộ Giao thông vận tải ghi nhận kiến nghị của cử tri, trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực, nguyên tắc bố trí vốn theo quy định, Bộ Giao thông vận tải sẽ xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền để sớm đầu tư đường Vành đai 5 vùng Thủ đô theo quy hoạch.

Về đầu tư Quốc lộ 2C đoạn đi trùng tuyến đường Vành đai 5 từ cầu Vĩnh Thịnh đến nút giao IC.5 (cao tốc Nội Bài - Lào Cai) làm cơ sở để tỉnh Vĩnh Phúc nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống đường gom hai bên tuyến, tạo điều kiện khai thác quỹ đất, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị, đảm bảo an toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải cho biết hiện đang giao Cục Đường bộ Việt Nam triển khai lập quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó sẽ xác định cụ thể quy mô, hướng tuyến đường Vành đai 5.

Vì vậy, trường hợp UBND tỉnh Vĩnh Phúc có nhu cầu đầu tư trước đường song hành với đường Vành đai 5 đoạn từ cầu Vĩnh Thịnh đến nút giao IC.5 để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Bộ Giao thông vận tải đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam trong quá trình lập quy hoạch. Từ đó, xác định cụ thể quy mô, hướng tuyến đoạn tuyến này làm cơ sở đầu tư đường song hành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với tuyến chính (đường Vành đai 5).

 

Theo quy hoạch, Vành đai 5 dài khoảng 331 km đi qua 36 quận, huyện của Hà Nội và 7 tỉnh liền kề gồm: Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Tổng số vốn đầu tư của dự án khoảng 85.561 tỷ đồng. Tuyến đường dự kiến có quy mô 4-6 làn xe, bề rộng nền đường tối thiểu 22-33m và có đường gom hai bên.