23:46 16/08/2024

VIS Rating: Lợi nhuận các công ty chứng khoán tăng tới 70% nhờ cho vay ký quỹ

Anh Nhi

Lợi nhuận các công ty chứng khoán cải thiện trong 6 tháng đầu năm 2024 nhờ vào tăng trưởng từ hoạt động cho vay ký quỹ (margin) và đầu tư...

Lợi nhuận từ cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán lớn đã tăng 40-70% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận từ cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán lớn đã tăng 40-70% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), sự phục hồi giá trị thị trường cổ phiếu và tâm lý thị trường được cải thiện trong bối cảnh lãi suất thấp đã giúp cho các công ty chứng khoán gia tăng lợi nhuận.

LỢI NHUẬN CHO VAY KÝ QUỸ TĂNG TỚI 70%

Trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng tích cực 10,2% so với cuối năm 2023, vượt xa nhiều thị trường trong khu vực.

Theo đó, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của toàn ngành tăng từ 4,3% trong năm 2023 lên 5,1% trong 6 tháng năm 2024. Tâm lý thị trường mạnh mẽ trong bối cảnh lãi suất thấp và tỷ lệ chậm trả gốc/lãi trái phiếu phát sinh mới giảm dần đã thúc đẩy khối lượng giao dịch, định giá cổ phiếu, và khuyến khích nhà đầu tư vay ký quỹ nhiều hơn.

Lợi nhuận từ cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán lớn đã tăng 40-70% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tăng 25% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, các công ty chứng khoán tích cực tư vấn và phân phối trái phiếu (TCBS, ORS) ghi nhận lợi nhuận tăng đáng kể từ phân phối, tư vấn và lưu ký trái phiếu với mức tăng trung bình 160% so với cùng kỳ năm 2023.

VIS Rating: Lợi nhuận các công ty chứng khoán tăng tới 70% nhờ cho vay ký quỹ - Ảnh 1

Lợi nhuận được cải thiện nhờ vào sự gia tăng mạnh mẽ lợi nhuận từ hoạt động đầu tư và cho vay ký quỹ   .

Các công ty chứng khoán có danh mục đầu tư cổ phiếu lớn (VCI, SHS, VDS) đã ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ về lợi nhuận từ hoạt động đầu tư trong quý 2/2024.

Với diễn biến này, trong nửa cuối năm 2024, VIS Rating kỳ vọng, lợi nhuận từ cho vay ký quỹ và đầu tư các tài sản có thu nhập cố định sẽ giúp các công ty chứng khoán duy trì tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) ở mức ổn định, mặc dù có sụt giảm giá trị thị trường cổ phiếu từ mức đỉnh quý 1/2024.

RỦI RO THANH KHOẢN VẪN ĐƯỢC QUẢN LÝ TỐT

Trước động thái của một số công ty chứng khoán gần đây,  VIS Rating cho rằng một số công ty chứng khoán tập trung tư vấn và phân phối trái phiếu vẫn có rủi ro cao do đẩy mạnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và đưa ra cam kết mua lại trái phiếu do họ phân phối.

Một số công ty chứng khoán như TCBS, VPBANKS, VNDirect đã gia tăng quy mô danh mục trái phiếu được phát hành bởi những doanh nghiệp lớn và tiếp tục cam kết môi giới mua lại trái phiếu đã bán cho các nhà đầu tư. VNDirect đã ghi nhận các khoản phải thu quá hạn trong quý 2/2024 từ khách hàng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo mà gần đây đã chậm trả gốc/lãi trái phiếu.

VIS Rating: Lợi nhuận các công ty chứng khoán tăng tới 70% nhờ cho vay ký quỹ - Ảnh 2

Tỷ suất sinh lời của các công ty có danh mục đầu tư cổ phiếu lớn

Vì vậy, những khoản cho vay ký quỹ đối với các khách hàng lớn có thể làm tăng rủi ro cho các công ty chứng khoán nếu buộc phải bán giải chấp (call margin) tài sản đảm bảo trong giai đoạn giảm giá của thị trường chứng khoán, như đã xảy ra trong quý 4/2022.

Dẫu vậy, VIS Rating nhận định, rủi ro tài sản sẽ dần ổn định trong nửa cuối năm 2024 khi trái phiếu chậm trả phát sinh mới ở mức thấp. Bên cạnh đó, các đợt tăng vốn công bố trong nửa đầu năm 2024 của nhiều công ty chứng khoán lớn và công ty chứng khoán có liên quan với ngân hàng sẽ giúp củng cố bộ đệm dự phòng rủi ro.

Các công ty chứng khoán tăng cường vay ngắn hạn để tài trợ hoạt động cho vay ký quỹ và hoạt động đầu tư, và rủi ro thanh khoản vẫn được quản lý tốt nhờ lượng tài sản thanh khoản lớn. Với tổng giá trị tài sản thanh khoản như tiền mặt và chứng chỉ tiền gửi chiếm 30% tổng tài sản của công ty chứng khoán, VIS Rating đánh giá rủi ro thanh khoản toàn ngành do sử dụng đòn bẩy cao hơn vẫn trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, một số công ty như: KAFI, FTS, MBS, VNDirect, thường có 20-50% nguồn vốn vay từ khách hàng tổ chức và cá nhân, có thể phải đối mặt với rủi ro tái cấp vốn, bởi khi các sự kiện tiêu cực xảy ra có thể kích hoạt việc rút vốn hàng loạt từ các khách hàng và dẫn đến các vấn đề thanh khoản cho công ty chứng khoán.