VN-Index sẽ tiếp tục chinh phục các vùng đỉnh mới năm 2018?
Năm 2018, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, hỗ trợ cho thị trường chứng khoán tăng trưởng và chinh phục những đỉnh mới
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa phát hành báo cáo triển vọng năm 2018 với dự báo bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2018 sẽ ổn định, tương đồng với năm 2017 và có nhiều yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng của thị trường.
Thị trường vượt đỉnh trong năm 2017
Theo báo cáo của VCBS, trong năm 2017, thị trường chứng khoán chứng kiến chỉ số vượt đỉnh 9 năm đi kèm với khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch ở mức kỉ lục. Tính tới hết tháng 11, VN-Index và HNX-Index tăng trưởng lần lượt 42,87% và 42,19%. Tổng hợp khối lượng giao dịch trên cả hai sàn đạt 245 triệu cổ phiếu, tăng 39,57% so với cùng kỳ. Giá trị giao dịch trung bình phiên đạt 4.861,11 tỷ đồng, tăng 59,38% so với cùng kỳ.
Thống kê của VCBS cho thấy, tất cả các nhóm ngành đều ghi nhận sự tăng trưởng trong đó dấu ấn lớn nhất là cổ phiếu đầu ngành. Trong đó, mức tăng nổi bật và đáng chú ý nhất thuộc về nhóm ngân hàng, bất động sản và thực phẩm tiêu dùng.
Hầu hết các nhóm ngành đều ghi nhận 1-2 cổ phiếu đầu ngành vượt trội so với mức tăng chung của thị trường.
Thị trường chia thành 2 giai đoạn, trong đó 6 tháng đầu năm nhiều cổ phiếu vốn hóa trung bình và vốn hóa nhỏ tăng mạnh thậm chí tính bằng lần trong đó nổi bật có nhóm cổ phiếu thép, bất động sản và xây dựng.
Còn nửa sau năm 2017, ghi nhận sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Các cổ phiếu thực phẩm và đồ uống có nhiều đại diện ảnh hưởng lên VN-Index (4 cổ phiếu VNM, SAB, BHN, MSN). Đại diện đáng chú ý trên HNX Index là ACB, VCS, VGC.
P/E toàn thị trường được nâng lên mức cao. Bắt đầu từ giai đoạn giữa quý 4, mức tăng thần tốc của các cổ phiếu vốn hóa lớn đã đưa P/E thị trường lên mức cao kỉ lục đạt 18,65 lần vào cuối tháng 11.
Về diễn biến của khối ngoại, năm 2017 là năm chứng kiến đà giải ngân mạnh của khối ngoại với giá trị trong 11 tháng đầu năm lên tới 24.440 tỷ đồng so với giá trị bán ròng 5.450 tỷ đồng của cùng kỳ 2016.
Trong đó các điểm nhấn là xu hướng dịch chuyển cơ cấu sang các cổ phiếu mới niêm yết và sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư ngoại đối với một số trường hợp cá biệt như VCI, VRE, hay các thương vụ thoái vốn nhà nước hay M&A. Chỉ tính riêng tháng 11, khối ngoại đã mua ròng đột biến hơn 10.000 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, đối với các Quỹ ETF ngoại mức độ ảnh hưởng tiếp tục có dấu hiệu suy giảm khi giá trị NAV và khối lượng ccq niêm yết tiếp đà giảm.
Thị trường năm 2017 cũng chứng kiến quy mô thị trường tăng cả về lượng và chất. Tới cuối tháng 11, quy mô vốn hóa thị trường đã tăng hơn 70% so với cuối năm 2016 đạt hơn 3,3 triệu tỷ đồng (khoảng 145 tỷ USD).
Tâm điểm tại các thương vụ M&A, thoái vốn Nhà nước, M&A, chuyển sàn. Giữa vào vùng trũng thông tin sau kỳ công bố kết quả kinh doanh quý 3 thị trường nhận được sự hỗ trợ từ hiệu ứng thông tin APEC cũng như diễn biến thoái vốn nhà nước tại SAB và của SCIC tại 5 doanh nghiệp là VNM, FPT, VCG, BMP và NTP.
Chỉ riêng trong tháng 11, sau khi thông tin này diễn ra chỉ số đã tăng mạnh 13,45%, vượt đỉnh 10 năm.
Nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường 2018
VCBS dự báo, năm 2018 có bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, tương đồng với năm 2017 và có nhiều yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng của thị trường như: dòng tiền đầu tư vào Việt Nam ở mức cao, tính trên cả phương diện trực tiếp và gián tiếp vào thị trường cổ phiếu; Định hướng chính sách nới lỏng một cách thận trọng; Lãi suất ổn định và duy trì ở mức thấp hợp lý.
Theo đó, các thương vụ mua bán sáp nhập dự báo có thể tiếp tục diễn ra trong năm 2018. Trong khi đó, quá trình thoái vốn Nhà nước trong năm 2018 cũng được kỳ vọng nhiều hơn với hàng loạt các thương vụ thoái vốn lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Mặc dù vậy, VCBS cho rằng cũng cần lưu ý chủ trương IPO các doanh nghiệp nhà nước sẽ được tiếp tục trong năm 2018 với một số doanh nghiệp đáng chú ý như Genco 1&2, VTC, Handico, SGCC (Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn), SATRA, Tổng công ty Bến thành, SJC, Resco (Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn), Sawaco, Samco,…
Ngoài ra, việc dự kiến hoàn thành quá trình thoái vốn của SCIC tại NTP, BMP, FPT hay DMC ngay trong tháng 12/2017 được xem là tín hiệu tích cực đặc biệt với các doanh nghiệp còn lại trong danh sách được Chính phủ chỉ đạo SCIC thoái vốn từ cuối năm 2015.
Cùng với đó là kỳ vọng quá trình chuyển sàn, niêm yết mới của một số cổ phiếu đặc biệt là một số cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn UpCom với kế hoạch chuyển sang niêm yết trên HOSE như ACV, HVN, GEX, … Làn sóng IPO và niêm yết mới của nhiều ngân hàng trong đó có nhiều doanh nghiệp được nhà đầu tư săn đón như Techcombank, HDBank hay OCB.
Theo đó với sự chuyển mình này, VCBS đưa ra dự đoán VN-Index trong năm tới sẽ tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh dòng tiền vẫn được duy trì trên thị trường. Khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2018 sẽ tăng khoảng 20% so với con số trung bình cuối năm 2017. Giá trị giao dịch kỳ vọng mức tăng khoảng 25%. Kèm theo đó, các phiên giao dịch với giá trị/khối lượng giao dịch đột biến có thể xuất hiện nhiều hơn.
Theo VCBS, mặc dù đưa ra dự báo khá lạc quan đối với triển vọng thị trường trong năm tới, VCBS nhận thấy rõ các giả định trên sẽ chỉ được thực hiện khi dòng tiền được duy trì trên thị trường. Trong đó, tác nhân hỗ trợ chủ đạo là sự khởi sắc của nền kinh tế và quá trình thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước với kỳ vọng dòng tiền mới tiếp tục đổ vào thị trường Việt Nam.
"Trong giai đoạn tăng trưởng, sẽ không thể thiếu các giai đoạn chỉ số điều chỉnh do rơi vào vùng trũng thông tin hay do hiệu ứng mùa vụ. Tuy nhiên, yếu tố quan trong nhất đối với nhà đầu tư là lựa chọn ra các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh khả quan đem lại lợi suất cao", VCBS cho biết.