VN-Index trên đỉnh: "Tiệc vui" nhưng không dành cho số đông
Chỉ số VN-Index tăng như "lên đồng", đây là những ngày vui của thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng niềm vui này không dành cho tất cả nhà đầu tư
Với việc tăng thêm 14,4 điểm phiên ngày 22/11, VN-Index đã xác lập mốc 932,6 điểm. Đây là mức tăng kỷ lục của VN -Index trong một thập kỷ qua, tính từ cuối năm 2007.
Tuy nhiên, quy mô thị trường giờ đã khác. Nếu như cuối năm 2017, thị trường giao dịch chỉ vài trăm tỷ đồng mỗi phiên thì nay, mỗi phiên VN-Index có khối lượng giao dịch dao động từ 5.000 - 7.000 tỷ đồng, thậm chí có phiên lên tới 20.000 tỷ đồng.
VIC, VRE, VNM, SAB, ROS chiếm 47% mức tăng của VN-Index
Nếu tính từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng 267,7 điểm tương ứng tăng 40,3%. Tuy nhiên, đà tăng của VN-Index tập trung lớn vào một tháng trở lại đây, chỉ số này vụt tăng 110 điểm kể từ ngày 23/10.
Vốn hoá của HOSE cũng tăng mạnh, tính đến 22/11 đã đạt 2,474 triệu tỷ đồng. Thời điểm 30/12/2016, vốn hoá của HOSE đạt 1,491 triệu tỷ đồng. Như vậy, vốn hoá của sàn này đã tăng 983.000 tỷ đồng kể từ đầu năm.
Tính riêng trong 1 tháng trở lại đây thì vốn hoá HOSE đã tăng 373.000 tỷ đồng, tương đương 16,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, sóng tăng của chứng khoán đợt này không dành cho số đông, dòng tiền chỉ tập trung vào một vài cổ phiếu có mức vốn hoá lớn như VIC, SAB, VRE, VNM và các dòng cổ phiếu sắp thoái vốn như BHN, BMP,… "Bữa tiệc vui" chỉ dành cho những nhà đầu tư cầm nắm cổ phiếu này.
Tính đến 22/11, vốn hoá của VIC đạt 200.465 tỷ đồng, tăng tới 54.000 tỷ đồng trong vòng một tháng trở lại đây. Vốn hoá của VRE cũng đạt gần 99.000 tỷ đồng, tăng 33.845 tỷ đồng so với thời điểm chào sàn (6/11). Cổ phiếu SAB tăng lên 308.000 đồng/cổ phiếu tương đương vốn hoá đạt 197.771 tỷ đồng, tăng 18.000 tỷ đồng trong một tháng trở lại đây.
Một cổ phiếu khác cũng có tác động lớn tới rổ chỉ số là ROS với mức vốn hoá hiện ở mức 87.079 tỷ đồng, tăng 16.000 tỷ đồng trong 1 tháng trở lại đây.
Vốn hoá của VNM hiện ở mức 268.346 tỷ đồng, tăng 54.000 tỷ đồng trong một tháng trở lại đây.
Như vậy, chỉ trong một tháng vốn hoá của 5 cổ phiếu gồm VNM, SAB, VIC, VRE, ROS đã tăng tổng cộng 176.000 tỷ đồng, chiếm tới 47% đà tăng quy mô trên sàn HOSE.
Mức vốn hoá của 5 cổ phiếu này cũng vượt 852.000 tỷ đồng, chiếm tới 34,4% vốn hoá của HOSE.
Ngoài ra, trong phiên 22/11 dòng tiền cũng bắt đầu có sự chuyển dịch nhất định sang một số cổ phiếu lớn như BID, CTG, BHN,… Dòng tiền chỉ đổ vào một số cổ phiếu lớn thị trường, trong khi hiện số đông nhà đầu tư hiện đang "mắc kẹt" ở các cổ phiếu cơ bản, cổ phiếu nhỏ.
Do đó, niềm vui của số đông nhà đầu tư chưa thực sự trọn vẹn trong những ngày chứng khoán Việt trên đỉnh cao kỷ lục suốt một thập kỷ này.
Diễn biến vốn hoá Top 5 cổ phiếu tác động tới đà tăng kỷ lục của VN-Index trong 1 tháng qua.
"Khi thị trường lên tài khoản chưa sinh lời, nhưng khi giảm điểm thì nhóm cổ phiếu nhỏ chịu trận đầu tiên. Thị trường hiện chủ yếu tập trung vào các mã cổ phiếu lớn vì vậy những nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn chưa gặt hái được lợi nhuận dù chỉ số tăng kỷ lục", anh Nguyễn Văn An, một nhà đầu tư tiếc nuối vì đang nắm giữ các mã cổ phiếu nhỏ.
Top 5 cổ phiếu có vốn hoá chi phối tới 34% vốn hoá của HOSE.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây có báo cáo đánh giá chỉ số PE (giá cổ phiếu/thu nhập bình quân trên mỗi cổ phiếu) của VN-Index lên tới 18 lần và điều này không phản ánh cho toàn thị trường mà chỉ tập trung trong top 50 vốn hoá của thị trường. Các mã cổ phiếu này cũng có chỉ số PE tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Chờ đợi dòng tiền chuyển dịch?
Ông Nguyễn Hồng Điệp - Giám đốc chi nhánh Tp.HCM Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) cho rằng: "Cách tạo ra điểm số rất không bình thường, hầu như chỉ là kéo trụ, kéo và xoay vòng các mã trong Top 10 của Vn30. Cách tính chỉ số của chúng ta đã tạo ra phương thức này. Trong khi đó, hầu hết các nhà đầu tư cá nhân thành phần chủ chốt của dòng tiền tham gia trên thị trường, lại đang mắc kẹt ở những hàng hóa từ cơ bản, cho đến đầu cơ".
Hiện có nhiều quan điểm, kịch bản đặt ra cho VN-Index sau khi xác lập vị thế kỷ lục sẽ điều chỉnh mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Hồng Điệp không nghĩ kịch bản đó sẽ xảy ra.
"Chỉ số sẽ không tăng, nhưng giảm mạnh như năm 2008 sẽ không xảy ra. VN-Index sẽ dao động ở vùng 880 - 930 điểm", ông Điệp nói và nhấn mạnh nhà đầu tư hãy kiên nhẫn chờ đợi sự chuyển dịch mạnh mẽ của dòng tiền sang các mã cổ phiếu có vốn hoá trung bình, cổ phiếu cơ bản có nội tại tốt. Cuối cùng dòng tiền sẽ chuyển dịch về hàng "đầu cơ". Kết thúc "con sóng" này sẽ vào thời điểm Tết Âm lịch năm nay.
Ông Điệp còn đưa ra dự báo sau năm 2017 sẽ là câu chuyện mới của thị trường chứng khoán, VN-Index sẽ chinh phục và phá ngưỡng 1.000 điểm.