VN-Index vượt đỉnh 1.200 điểm, vốn ngoại đảo chiều mua mạnh
Cuối cùng thì VN-Index cũng chạm tới ngưỡng tâm lý 1.200 điểm, dù chỉ là trong đợt giao dịch ATC hôm nay. Thị trường khá vất vả với những nhịp trồi sụt trong phiên, nhưng sự vững vàng của cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VCB đã đảm bảo sức mạnh của điểm số. Kết thúc đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index đạt 1.999,5 điểm và trong đợt ATC, VCB bật tăng cao thêm 4 bước giá, đưa chỉ số lên 1.200,84 điểm...
Cuối cùng thì VN-Index cũng chạm tới ngưỡng tâm lý 1.200 điểm, dù chỉ là trong đợt giao dịch ATC hôm nay. Thị trường khá vất vả với những nhịp trồi sụt trong phiên, nhưng sự vững vàng của cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VCB đã đảm bảo sức mạnh của điểm số. Kết thúc đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index đạt 1.999,5 điểm và trong đợt ATC, VCB bật tăng cao thêm 4 bước giá, đưa chỉ số lên 1.200,84 điểm.
VCB cũng là cổ phiếu trụ tăng giá vững nhất trong phiên, tách khỏi các nhịp trồi sụt giá. Đặc biệt trong đợt cuối cùng, VCB từ 93.000 đồng nhảy lên 93.400 đồng, là cổ phiếu vốn hóa lớn duy nhất bật lên cao thêm ở đợt này. Tăng chung cuộc 1,85%, VCB đóng góp 2,1 điểm cho VN-Index trong tổng mức tăng 4,94 điểm.
Dĩ nhiên mức tăng của chỉ số cũng có đóng góp từ nhiều blue-chips khác, VN30-Index đóng cửa tăng 0,29% với 14 mã tăng/13 mã giảm. Tuy nhiên nếu tính về công sức đưa VN-Index qua mốc 1.200 điểm thì chỉ có VCB, vì các mã còn lại đều tụt giá hoặc đứng im ở đợt đóng cửa ATC. Ngoài VCB, NVL tăng 6,17%, POW tăng 2,26%, SAB tăng 2,28%, FPT tăng 1,72%, MSN tăng 1,44% là các blue-chips đang chú ý.
Dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cũng gây bất ngờ. Tổng giá trị mua ròng riêng trên HSX đạt 401,4 tỷ đồng, trong đó mua ròng cổ phiếu thuộc VN30 là 353,8 tỷ đồng. Loạt trụ được mua ròng rất khá là HPG +1597 tỷ đồng, VHM +128,6 tỷ, KDH +80,2 tỷ, MWG +60,9 tỷ, SSI +47,7 tỷ, NVL +42 tỷ, VNM +39,7 tỷ… Bán ròng đáng kể duy nhất trong rổ là VIC -86,4 tỷ, STB -40 tỷ, CTG -34,3 tỷ.
Tuy nhiên khối này cũng xuất hiện giao dịch bán ròng đột biến 1.280 tỷ đồng với VNZ trên sàn UpCOM. HNX cũng bị bán ròng nhẹ 12,4 tỷ đồng ở CEO. Dù vậy đây là các giao dịch không ảnh hưởng đến VN-Index. Riêng lực cầu tại HoSE, khối ngoại là bên ủng hộ thị trường.
VN-Index vượt 1.200 điểm vào phút chót nên động lực không mạnh. Thậm chí nếu không có lực bật tăng của VCB thì chưa chắc chỉ số đã qua mốc này. Phần còn lại của thị trường giao dịch không ổn định, chủ đạo là dao động hẹp. Độ rộng thể hiện sự giằng co suốt phiên khi số lượng cổ phiếu tăng/giảm tương đương nhau. Sàn HoSE đóng cửa với 213 mã tăng/246 mã giảm, trong đó phía tăng có 74 mã tăng trên 1% và phía giảm có 69 mã giảm trên 1%. Có thể thấy số rất lớn cổ phiếu còn lại tăng giảm trong biên độ rất hẹp.
Dù vậy, vẫn có những cổ phiếu biến động mạnh hơn mặt bằng chung do cung cầu đặc thù. VOS có phiên lao dốc 5,19% với mức thanh khoản kỷ lục 17 tháng, đạt 96,1 tỷ đồng. SKG, GMD, VNS, TDC, CSV, VSC, ITC, DGW sụt giảm 2%-3% và thanh khoản hàng chục tỷ đồng. Phía tăng cũng có nhiều mã xuất sắc như DXS, HHP, EVF kịch trần với giao dịch khá cao. CRE, HTN, REE, DPG, DBC, GEX, TCH, VIX, NLG, KDH, POW, HSG… tăng trên 2% với thanh khoản cả trăm tỷ đồng.
Điểm chung trong các phiên giằng co gần đây là sự phân hóa sức mạnh ở cổ phiếu, bất kể là VN-Index trên hay dưới mốc 1.200 điểm. Các cổ phiếu vẫn đang xuất hiện cung cầu khác nhau. Mặc dù việc chạm tới ngưỡng tâm lý này có thể khiến thị trường rung lắc đáng kể trong phiên, nhưng căn bản vẫn là áp lực chốt lời chưa đột biến. Hôm nay thị trường trồi sụt liên tục nhiều nhịp trong ngày, nhưng thanh khoản lại giảm khoảng 10% trên sàn HoSE, còn 16.630 tỷ đồng, thấp nhất 4 phiên. Thanh khoản giảm ở tất cả các nhóm cổ phiếu: VN30 giảm 11%, Midcap giảm 10%, Smallcap giảm 12%.
Khả năng giữ giá cổ phiếu giúp dao động hẹp trong phiên là một tín hiệu tốt, vì rất nhiều mã đã tăng giá cực tốt thời gian gần đây. Nếu tâm lý yếu, nhu cầu chốt lời dứt khoát, khối lượng xả ra sẽ đẩy thanh khoản lên rất cao.